Thới Bình
(VNTB) – Giá vé các chuyến bay Việt Nam đến Trung Quốc ở giai đoạn này đang ở mức cao với khung giá có thể lên tới trên 100 triệu đồng với 2 lần quá cảnh.
Dường như kịch bản về giá vé cho các chuyến hồi hương của người dân Trung Quốc đang lặp lại kịch bản “bay giải cứu” từng diễn ra ở Việt Nam.
Vào ngày 8-1-2023, Trung Quốc chính thức mở cửa biên giới trở lại sau 3 năm. Hành khách muốn sử dụng đường hàng không để đến Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu phải quá cảnh qua 2 – 3 địa điểm như Thái Lan, Đài Loan hay Hàn Quốc.
Hiện, giá vé máy bay đến các thành phố của Trung Quốc dao động từ 22 triệu đồng đến hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, rất hiếm các chuyến bay thẳng từ Hà Nội hay TP.HCM đến Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu trong giai đoạn này. Hành khách buộc phải nối chuyến 2-3 chặng với thời gian chờ đợi kéo dài.
Theo ghi nhận của báo chí, giá vé rẻ nhất từ TP.HCM đến Bắc Kinh là 27 triệu đồng khứ hồi với các chuyến bay của Vietnam Airline, Cathay Pacific, Hong Kong Airlines, China Southern. Theo đó, hành khách phải quá cảnh ở Thái Lan, Hong Kong hoặc Nhật Bản.
Giá vé rẻ nhất để bay thẳng đến Thượng Hải từ TP.HCM là 32 triệu đồng khi bay thẳng với Vietnam Airlines. Nếu bay nối chuyến với giá vé từ 22 triệu đồng đến 30 triệu đồng, hành khách phải quá cảnh ở Thái Lan, Đài Loan hoặc Hàn Quốc.
Theo Google Flight, giá vé các chuyến bay Việt Nam đến Trung Quốc ở giai đoạn này đang ở mức cao với khung giá có thể lên tới trên 100 triệu đồng với 2 lần quá cảnh. Từ giữa tháng 2 sang đến đầu tháng 3, giá vé sẽ rẻ hơn khoảng 30 – 50%.
Trước đây, Việt Nam có 2 hãng hàng không là Vietnam Airlines Group và Vietjet Air khai thác các đường bay đến Trung Quốc. Theo kế hoạch, Vietnam Airlines tiếp tục khai thác chặng Hà Nội – Nam Kinh/ Thượng Hải; TP.HCM – Thâm Quyến/ Hàng Châu/ Thượng Hải/ Tứ xuyên/ Quảng Châu với 6 chuyến mỗi tuần. Từ tháng 3, hãng sẽ tăng dần tần suất khai thác đến Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, ưu tiên đường bay thường lệ.
Pacific Airlines (thành viên của Vietnam Airlines Group) hiện khai thác các đường bay Hà Nội – Hàng Châu/ Nam Ninh với tần suất 2 chuyến/tuần. Hãng có kế hoạch khai thác thêm đến Quảng Châu và Phúc Châu từ mùa hè 2023.
Vietjet cũng đang khai thác đường bay TP.HCM – Thâm Quyến/ Hàng Châu/ Thượng Hải/ Tứ Xuyên/ Vũ Hán với tổng 6 chuyến/ tuần. Từ 23-1-2023, Vietjet sẽ khai thác thêm đường bay Cam Ranh – Tràng Sa/ Thành Đô/ Hạ Phì. Đến cuối tháng 3-2023 Vietjet dự kiến khai thác 85 đường bay, trong đó có 60 đường bay đã có slot.
Vietravel Airlines hiện chưa có đường bay nào tới Trung Quốc. Hãng dự kiến khai thác các chuyến bay thuê chuyến từ Cam Ranh và Đà Nẵng đi Hàng Châu.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, các thị trường trọng điểm của Vietnam Airlines là Hàn Quốc và Nhật Bản phục hồi khoảng 60% so với trước dịch. Thị trường Trung Quốc trước mắt vẫn khó do tâm lý hành khách e ngại dịch, kinh tế giảm sút, phải cắt giảm chi phí đi lại, du lịch.
Hành khách đi lại thời gian tới chủ yếu là khách công vụ, thương nhân và du học sinh. Do vậy, thị trường hàng không giữa Việt Nam – Trung Quốc chưa thể phục hồi ngay. Việc cấp visa du lịch của Trung Quốc và Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Ngày 30-12-2022, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) thông báo Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế đối với chuyến bay quốc tế thường lệ đến nước này. Các hãng bay được khôi phục chuyến bay thường lệ với tần suất theo thỏa thuận hàng không song phương.
Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo về khả năng cung cấp dịch vụ tại sân bay của Trung Quốc có thể không được đầy đủ theo yêu cầu, các hãng cần làm việc trước với sân bay để đảm bảo ổn định.
Để nhập cảnh Trung Quốc, hành khách cần có đủ giấy tờ theo quy định của phía Trung Quốc như giấy xét nghiệm PCR 48 tiếng trước giờ bay, không cần xin mã sức khỏe từ Đại sứ quán Trung Quốc tại nước ngoài, nhưng phải điền kết quả xét nghiệm và thẻ xin mã sức khỏe nhập cảnh hải quan tại sân bay đến.