VNTB – Phổ cập giáo dục, nhưng lại thiếu trường công lập

VNTB – Phổ cập giáo dục, nhưng lại thiếu trường công lập

Mai Lan

 

(VNTB) – TP.HCM có 147 xã, phường, thị trấn thuộc 18 quận, huyện không có hoặc thiếu trường tiểu học công lập.

 

Theo Quyết định số 4692/QĐ-UBND về việc “Công nhận danh sách địa bàn không đủ trường tiểu học công lập tại thành phố Hồ Chí Minh năm học 2023-2024”, thì thành phố Thủ Đức là địa phương dẫn đầu danh sách số lượng phường không đủ trường tiểu học công lập với 33 phường, gồm: An Lợi Đông, Thủ Thiêm, Cát Lái, An Khánh, An Phú, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Thạnh Mỹ Lợi…

Kế đó, quận Tân Bình có 15 phường không đủ trường tiểu học công lập; quận Tân Phú có 11 phường. Hai quận 10 và 12 cùng có 10 phường không đủ trường tiểu học công lập; quận Bình Tân có 9 phường. Đặc biệt, quận 1 – địa phương ở vị trí trung tâm thành phố cũng có 4 phường không đủ trường tiểu học công lập, gồm: Cô Giang, Cầu Kho, Cầu Ông Lãnh và Đa Kao.

Trước đó, căn cứ Nghị quyết 05/2023/NQ-HĐND do hội đồng nhân dân TP.HCM ban hành, thì 2 tiêu chí xác định địa bàn không đủ trường tiểu học công lập tại thành phố gồm: Tiêu chí 1 là phường, xã, thị trấn không có cơ sở giáo dục tiểu học loại hình công lập và chính quyền phường, xã, thị trấn không bố trí được dân số độ tuổi cấp tiểu học trên địa bàn học tại các cơ sở giáo dục tiểu học loại hình công lập ở các phường, xã, thị trấn lân cận.

Tiêu chí 2 là phường, xã, thị trấn có cơ sở giáo dục tiểu học loại hình công lập nhưng không đáp ứng được quy mô dân số độ tuổi cấp tiểu học trên địa bàn, định mức học sinh/lớp cấp tiểu học theo quy định. Cụ thể, tỷ lệ dân số độ tuổi cấp tiểu học trên tổng số phòng học văn hóa cấp tiểu học công lập lớn hơn 35 học sinh/lớp (theo tiêu chuẩn quy định tại Điều 16, Thông tư 28 ban hành năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Điều lệ Trường tiểu học). Trong đó, dân số độ tuổi cấp tiểu học được tính đối với trẻ từ 6 đến 11 tuổi.

Giải pháp mang tính tình thế của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đưa ra là hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập năm học 2023–2024.

Mức hỗ trợ được ngân sách cấp trực tiếp cho gia đình học sinh tiểu học tại các cơ sở giáo dục tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập theo mức học phí do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tương ứng với từng vùng, từng cấp học.

Theo đó năm học 2023-2024 thì mức hỗ trợ được căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND của hội đồng nhân dân TP.HCM.

Cụ thể, nhóm 1 là 300.000 đồng/học sinh/tháng; Nhóm 2 là 100.000 đồng/học sinh/tháng. Trong đó, nhóm 1 là học sinh học tại các trường ở thành phố Thủ Đức và các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân.

Nhóm 2 gồm học sinh học tại các trường ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ. Thực hiện hỗ trợ 1 lần vào cuối năm học theo mức hỗ trợ như trên theo số tháng thực học (không quá 9 tháng/năm học).

Giải pháp căn cơ cho thực trạng trên, đến nay vẫn chưa thấy công bố mặc dù về nguyên tắc thì điều này cần hoạch định ngay từ khi Quốc hội ban hành Luật giáo dục 2019. Theo luật này tại điều 14 có quy định về phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc như sau: “Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc. Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục.

Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc. Gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc”.

Độ trễ thực thi chính sách như TP.HCM có lẽ cũng là phổ biến ở nhiều địa phương khác trên toàn quốc. Và điều đó cho thấy trách nhiệm chung ở đây cần phải điểm danh là Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan về chính sách đất đai trường học.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)