Thục Quyên
(VNTB) – Nguy cơ bệnh Lao bùng phát trong các nhà tù Việt Nam vì không được khám sàng lọc và chữa trị là một thực trạng.
Chính Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Cục C10) Bộ Công an cho biết, (1) tỷ lệ tù nhân mắc bệnh Lao, HIV, Lao đa kháng thuốc, viêm gan B, C và các bệnh lây nhiễm khác cao gấp khoảng 10 lần so với ngoài cộng đồng. Ngay cả tại một số đơn vị cũng đã có các nhân viên, cán bộ bị mắc Lao và Lao đa kháng thuốc.
Lẽ dĩ nhiên phần lớn công tác phòng chống là trách nhiệm của chính phủ và tùy thuộc nhiều vào cách xử dụng tiền và sự hỗ trợ của quốc tế trong việc chẩn đoán và điều trị nhanh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 25/CĐ-TTg ngày 25/3/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Lao và công nhận rằng công tác phòng, chống bệnh Lao chưa được quan tâm đúng mức, chưa được đầu tư đồng bộ, toàn diện; hệ thống làm công tác phòng, chống bệnh Lao còn hạn chế, công tác phòng, chống bệnh Lao tại hệ thống y tế cơ sở chưa đồng đều và hiệu quả chưa cao (2)
Đứng trước tình trạng này, tù nhân có thể làm gì để tự bảo vệ? Phòng ngừa!
Hiểu về cách lan truyền của vi trùng Lao:
Bệnh lao (TB) là một bệnh truyền nhiễm do vi trùng lao, thường ảnh hưởng đến phổi, khi đó được gọi là bệnh Lao phổi, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào khác của cơ thể, trong trường hợp đó được gọi là bệnh Lao ngoài phổi.
Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh Lao phổi là: ho dai dẳng, sốt nhẹ và ớn lạnh (đặc biệt là tăng vào buổi tối) , đổ mồ hôi đêm, đau ngực, sụt cân, chán ăn, ho ra máu.
Lao phổi có thể dễ dàng lây từ người sang người bằng đường hô hấp khi tiếp xúc gần.
Vi trùng xâm nhập vào không khí khi người bị nhiễm bệnh lao phổi ho, hắt hơi, la hét hoặc khạc nhổ, bắn ra không khí các hạt li ti. Một người có thể bị nhiễm bệnh khi họ hít phải các hạt li ti này.
Lây nhiễm cũng xảy ra khi tiếp xúc các chất thải chứa vi trùng Lao, khi sử dụng thực phẩm chứa vi trùng Lao, ăn vật nuôi bị nhiễm Lao.
Vi trùng Lao lây lan dễ dàng hơn trong điều kiện đông đúc vì vi trùng đôi khi vẫn sống trong không khí trong vài giờ, đặc biệt là ở những nơi nhỏ, kín, không có không khí trong lành.
Tù nhân lại có thể có sức đề kháng yếu do suy dinh dưỡng vì chế độ ăn trong tù thiếu calo hoặc kém chất lượng.
Các bước để ngăn chặn bệnh một cách có ý thức.
–Mở cửa/ cửa sổ và bật quạt hút giúp lưu thông không khí, phân tán vi trùng
– ánh sáng mặt trời đóng vai trò như thuốc diệt khuẩn, tiêu diệt vi trùng Lao .
-Tiếp xúc với nhiệt độ vừa phải trong thời gian dài là đủ để tiêu diệt những vi trùng này.
(Phơi đồ dùng, chăn màn ngoài nắng )
–Vệ sinh hô hấp tốt giúp ngăn chặn bệnh lao .Khi ho hoặc hắt hơi, hãy cố gắng che miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay. Vứt bỏ khăn giấy đã sử dụng trong thùng đóng kín rồi (nhờ) đốt và rửa tay thường xuyên.
–Xử dụng khẩu trang khi phải tiếp xúc gần
Nên lưu ý một vài hiểu lầm
1/ Đúng là không thể bị nhiễm bệnh lao chỉ bằng cách chạm vào quần áo hoặc bắt tay người bị nhiễm bệnh. Nhưng sau khi tiếp xúc cần phải rửa tay, phòng ngừa sau đó vô tình đưa tay lên mũi hay miệng.
2/ Đúng là các bệnh Lao ngoài phổi (như lao màng não, lao xương…) không lây lan từ người sang người, nhưng không có gì bảo đảm là những trường hợp này không chuyển qua lao phổi, nên mọi bước để ngừa bệnh vẫn phải được thực hiện
3/ Đúng là bệnh Lao tiềm ẩn ( trạng thái nhiễm vi trùng Lao nhưng không biểu hiện ra bệnh) được xếp hạng không lây nhiễm. Nhưng Lao tiềm ẩn có thể trở thành lao hoạt động bất cứ lúc nào do điều kiện vệ sinh và sinh hoạt kém trong nhà tù. Do đó, việc giữ các biện pháp vệ sinh cá nhân tối thiểu vẫn rất cần thiết. Người bị bệnh Lao tiềm ẩn cũng phải được điều trị.
4/ BCG là vắc-xin phòng bệnh Lao, thường được tiêm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vắc-xin BCG bảo vệ chống lại các dạng bệnh Lao ngoài phổi nghiêm trọng, đe dọa tính mạng như Lao màng não và Lao kê ở trẻ em. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp bảo vệ chống lại bệnh Lao phổi, dạng bệnh Lao thường hay xảy ra.
Khi bị giam giữ chung với người có bệnh Lao
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, các trường hợp nhiễm bệnh cần được tách biệt với các tù nhân khác.
Nếu trong thực tế điều này không được thực hiện thì người không có bệnh có quyền đòi hỏi được xét nghiệm sàng lọc đều đặn.
______________________________
Tham khảo:
- https://vietnamthoibao.org/vntb-nha-tu-la-nhung-noi-dang-u-benh-lao-tai-viet-nam/
- https://baochinhphu.vn/thu-tuong-chi-dao-tang-cuong-cong-tac-phong-chong-benh-lao-10224032518350836.htm