Kiều Phong (VNTB) Mỗi khi tết đến- xuân về, người người nhà nhà niềm vui đoàn tụ, quây quần bên gia đình, con cháu. Nhưng Việt Nam chỉ mấy năm trở lại đây, khi tình thương con người dành cho nhau giảm dần, bất công xã hội và vô cảm đã lan tràn khắp nơi. Ngoài kia, trong những ngày cuối năm này, có những mẹ già tóc bạc như sương đang lầm lũi kiếm sống nơi vệ đường.
Tấm hình này chụp tại khu công nghiệp Bình Đường, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Bà cụ kiếm sống nhờ nhặt những rác thải còn tái sử dụng được. Khu công nghiệp Bình Đường là nơi nhiều nghiện hút, kim tiêm lẫn lộn trong rác thải ở khắp nơi nên rất nguy hiểm cho ai tiếp xúc với những đống rác. Phóng viên được bố dặn rằng không được hỏi quê hương của những mảnh đời như vậy, e phạm đến lòng tự trọng của họ chăng. Bà cụ nói giọng Nghệ Tĩnh, kiếm sống mấy chục năm nay ở Sài Gòn. Bà đã già lắm rồi, bước đi rất chậm và không còn vững nữa. Không còn khả năng lao động trong các nhà máy, cũng không nhận được chút trợ cấp xã hội, đành phải đi nhặt rác đánh đổi sống qua ngày. Khu công nghiệp Bình Đường với toàn chủ Trung Quốc và Đài Loan, trước kia được bảo là đem lại ấm no hạnh phúc cho con người. Kết quả thì đây, thực tế đã hiển hiện không cần chối cãi: một thị trấn đầy rẫy tệ nạn xã hội, trộm cướp, mại dâm và đói nghèo.
Tấm hình này chụp ở đường Phạm Ngọc Thạch, chỗ gần hồ Con Rùa, quận 3 TP.HCM. Tác giả chụp được tấm hình hết sức tình cờ, không hề dàn dựng. Trong hình rõ ràng là một bà già người Việt Nam, tuổi cũng trên dưới 70. Bà không đội mũ bảo hiểm. Các chú công an cảnh sát thấy bà vừa già, vừa nghèo nên cũng không dám nào thổi phạt bà cả. Hằng ngày bà cứ chở thức ăn nhanh đi bán như vậy trên chiếc xe máy Honda cũ kỹ. Hãy nhìn bà lão, lưng bà đã còng dường như hết cỡ. Bà quá thấp để sử dụng chiếc xe máy, mỗi khi dừng xe hay phanh thì phải rướn người chân mới chạm được xuống đường. Tuổi này đáng lẽ là độ tuổi nghỉ ngơi, tại sao trong một xã hội tự xưng là công bằng- dân chủ- văn minh lại có những thân phận như vậy? Tại sao thanh niên Việt Nam đi sang nước khác chăm sóc người già cho nước khác trong các viện dưỡng lão hay tư gia, nhưng người già ở Việt Nam thì không ai chăm sóc, phải ra đường bươn chải?
Bức ảnh này chụp tại bến xe buýt đại học quốc gia TP.HCM, nằm trong khu đô thị đại học Linh Trung- Thủ Đức. Đây là giữa trưa một ngày giáp tết, trời nắng chang chang làm tăng cái nóng hực lên bầu không khí ở TP.HCM vốn đã bị ô nhiễm. Đây có lẽ là một bà già miền Tây. Ở miền Tây bây giờ rất nhiều người đã không còn đất ở, phải lang thang lên Sài Gòn kiếm sống. Sinh viên đi xe buýt thường vứt chai nhựa đựng nước ngọt hoặc nước khoáng đi sau khi uống xong. Bà già trong ảnh kiếm sống bằng nghề nhặt những vỏ chai nhựa như thế. Bà có đeo một tràng hạt nhà Phật, đi đi lại lại trong làng đại học nhặt chai nhựa đi bán. Nhưng mỗi ngày đắp đổi như thế có được bao nhiêu tiền, mà khói bụi Sài Gòn hắt vào người và những ánh mắt kỳ thị của những cô chiêu cậu ấm là có thật. Những mảnh đời như vậy, ở trong một đất nước như vậy, sao có thể gọi là “nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được như thế này không?” như lời bác tổng bí thư nói trong phòng máy lạnh được?
Chúng ta không được nhân danh đảng phái, nhân danh bất kỳ lý do nào để phủ nhận nghĩa vụ phải chăm sóc họ. Tác giả bài viết này không muốn đổ hết trách nhiệm cho lãnh đạo Đảng Cộng sản. Tất cả đều là thủ phạm, rồi chẳng bao lâu cũng đều là nạn nhân trong tình cảnh như vậy. Tuy nhiên, khi quyền lực của một cá nhân hay một đảng phái càng cao, nếu họ làm tử tế thì phúc đức càng nhiều, còn nếu làm cẩu thả thì tội lỗi càng lớn. Người dân đã gánh sưu cao thuế nặng, mà phúc lợi xã hội cho người già, trẻ nhỏ thì chẳng thấy đâu. Cách thức tổ chức kinh tế này có quá nhiều rủi ro, đất nước này cần phải được thiết kế lại.
Ngoài kia, những mẹ già tóc bạc như sương đang lầm lũi kiếm ăn nơi vệ đường. Hết thảy họ cũng đều là bà, là mẹ của chúng ta.