Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phóng sự: Chưa đi chưa biết Bà Nà…

Hòa Vang (VNTB) – Một Bà Nà hiện nay cảnh quan bị phá nát, hiện tượng bê – tông hóa ngày càng tràn lan và trầm trọng, sự nhếch nhác trong địa phận du lịch, và một khu dịch vụ vui chơi-giải trí nghèo nàn so với Vinpearl Nha Trang, Bà Nà sẽ sớm rơi vào hoang phế bởi sự ế ẩm.

Tháng 4/1901, đoàn thám hiểm của Debay đã tìm ra núi Chúa, tức Bà Nà, trên đỉnh địa hình khá bằng phẳng, khí hậu tương tự như Đà Lạt và chỉ cách thành phố Đà Nẵng về phía tây chừng 46 km.


Bà Nà được khai thác như một khu điểm du lịch, mang cái mát mẻ của Đà Lạt, cái không gian biệt thự Pháp và dịch vụ vui chơi – giải trí của Vinpearl Nha Trang.

Những bức ảnh nghệ thuật lung linh, những thước phim quảng cáo được chau chuốt về mặt hậu kỳ khiến người xem bị ảo hóa, và khi họ chứng kiến cảnh thực tế của “Bà Nà hills – đường lên tiên cảnh”, cảm nhận cái chất “mát mẻ, dịch vụ”, thì bật ngửa và đó là lý do khiến họ một đi không trở lại.
Đi rồi mới biết, chả ra cái gì

Báo Lao Động, số 18 (04/05/2008) đã từng có bài cảnh báo mang tên: “Những cảnh báo ở ‘thiên đường” trong đó chỉ ra việc quy hoạch Bà Nà bị băm nát, đỉnh Bà Nà, Nghinh Phong bị các doanh nghiệp phủ kín bằng những khối nhà bê-tông.

 Bà Nà trở thành đại công trường, san bạt núi, bê-tông hóa lâu đài, biệt thự Pháp (Ảnh: L.T)

Bức xúc của KTS Võ Văn Toàn vào năm 2008, về việc “Kiến trúc ở khu DL Bà Nà vi phạm những nguyên tắc cơ bản cả về mỹ thuật lẫn kết cấu. Nhìn từ đồi Vọng Nguyệt, cả đỉnh Bà Nà như một khối bêtông, nhốn nháo các nóc nhà, mái nhọn và rối tinh không gian.” Và của một du khách tên Huỳnh Phan Kiên – người đã “trót” lên Bà Nà: “Bà Nà không có dịch vụ DL gì ngoài ăn, nhậu, ngủ, hát karaoke, là những thứ không thiếu ở trung tâm TP Đà Nẵng […] Tôi quá thất vọng về Bà Nà”.

Sau 7 năm, những điều được phản ảnh đó vẫn còn tồn tại và đang ngày một trầm trọng. Hiện tượng tiếp tục mở rộng diện bê-tông hóa xung quanh đỉnh núi vẫn đang diễn ra. Bà Nà đánh mất đi cái đặc trưng về mặt khí hậu của mình, và thay vào đó là mớ hổ lốn về dịch vụ. Bà Nà trở thành một pháo đài thay vì một khu nghỉ dưỡng đúng nghĩa, dù rằng, theo kế hoạch đơn vị đầu tư Sun Group đã chi ra tới 4.000 tỉ đồng để hoàn thành khu nghỉ dưỡng cao cấp này vào năm 2020.
Nhếch nhác dịch vụ, bê-tông kiểu pháo đài

Về mặt dịch vụ, dù tại bãi giữ xe có biển cấm người dân đem xong, niêu, nồi chảo vào nấu ăn, nhưng lại không cấm người dân đem thức ăn, nước uống vào. Thành ra, khi vào đến khu du lịch Bà Nà, mỗi góc là một bàn ăn mini, người người trải bạc tìm góc mát ngồi để ăn uống, thậm chí biến chỗ đó thành nơi ăn nhậu với thùng bia mang theo. Nhân viên Bà Nà cũng chỉ đến nhắc nhở là sau khi ăn uống, nhậu nhẹt xong thì dọn, chứ không ngăn cấm hành vi đó.

Cảnh vạ vật ăn uống ở từng góc của Bà Nà Hill. (Ảnh: L.T)

Bà Nà cũng đem cả du lịch tâm linh, thực ra có một cách hiểu sai về điều này, không chỉ riêng với Bà Nà mà ngay cả đối với hệ thống du lịch Đà Nẵng. Vì du lịch tâm lịch là xây dựng trên vốn có sẵn, chứ không ai tạo dựng mới, nếu tạo dựng mới, thì nó là kinh doanh tâm linh. Ở Đà Nẵng hiện thời, chùa Linh Ứng ở Sơn Trà, và Linh Ứng (Bà Nà) là hai trong số đó, khi có chùa, có tượng nhưng lại không có sư, có phật, chưa kể Bà Nà còn xây dựng những ngôi nhà thờ bằng đá, nhưng bên trong không hề có mục sư, và như thế, biến chùa và nhà thờ trở thành nơi… trú mát cho người du khách đến mà không lưu trú qua đêm.

Trong khi đó, dịch vụ của Bà Nà đối với khách so với Vinpearl là rất nghèo nàn, khu trò chơi mang tên Fantasy Park nằm dưới lòng đất với chiều sâu đến 3 tầng, diện tích lên đến 21.000m2 được giới thiệu là khá hiện đại thực chất là những trò chơi điện tử xu nhàm chán, và việc miễn phí một số trò chơi khiến cho một số khu trò chơi bị đông cứng vì người xếp hàng… Đây gần như là một kiểu kinh doanh tận thu, khiến cho du khách cảm thấy ít nhiều thấy thiếu được sự tôn trọng.
Bê-tông hóa biến Bà Nà trở thành một điểm sưởi ấm thay vì nghỉ mát. (Ảnh: L.T)

Về nhiệt độ, Bà Nà được quảng bá là nơi có nhiệt độ trung bình 15oC – 20oC, tuy nhiên, do bê tông hóa mọi nơi nên nền nhiệt ở đây cao ngang thậm chí là hơn so với dưới đồng bằng, nhiệt độ mà khi tác giả đi đến Bà Nà đo được là 32oC vào lúc 10h00. Do đó, nếu cần cái không khí lạnh và sương mù như Đà Lạt thì nên tìm đến Bà Nà vào dịp mùa đông. Du khách chỉ thực sự cảm nhận độ cao tuyệt hảo, yên tĩnh và sự dễ chịu của thiên nhiên khi ngồi trong thùng cáp treo và di chuyển cáp treo lên đỉnh Bà Nà. Bởi khi đó, du khách mới nhận ra được cảnh núi rừng chứ không phải là những bê-tông bọc xung quanh.

Hiện tượng bê-tông hóa qua làng Pháp đang ngày diễn ra trầm trọng, khi càng có nhiều lâu đài, tòa nhà khô cứng được xây mới, đặc biệt, trong dịp tri ân này, cả Bà Nà biến thành một đại công trường. Màu xanh và hoa đang biến mất, không còn thấy thiên nhiên, mà chỉ thấy những ngôi nhà to lớn, khô nóng. Sự hùng vĩ của thiên nhiên, nét hoang sơ của núi rừng, vẻ tinh khôi, trong trẻo của khí hậu của Bà Na –  vốn biến Bà Nà trở thành thiên đường nghỉ dưỡng và là “hòn ngọc về khí hậu” của Việt Nam đã trở thành ký ức một thời.

Bà Nà Hill ngày càng tự đánh mất mình, thay vì trở thành địa điểm nghỉ dưỡng của cá nhân và gia đình, như lời nhận xét của một bác sĩ người Pháp tên là Gaide đã từng nhận định: “Chúng tôi khẳng định rằng một lần nghỉ mát mùa hè ở Bà Nà là một cuộc chữa bệnh bằng độ cao tuyệt hảo, thích hợp đặc biệt với những gia đ́nh và những cá nhân thích nghỉ ngơi hoàn toàn yên tĩnh. Hơn nữa nhờ toàn cảnh tuyệt đẹp của biển cả và dãy Trường Sơn, với những bối cảnh và sự phối hợp ánh sáng rất đa dạng luôn có trước mắt, những ngày nghỉ dưỡng ở đây rất dễ chịu, thật quyến rũ. Theo chúng tôi, đó cũng chính là ưu thế của Bà Nà so với Đà Lạt, ở Đà Lạt chân trời bị hạn chế, không thể thay đổi.” 

Nhà thờ trở thành nơi nghỉ mát cho du khách không lưu trú qua đêm. (Ảnh: L.T)

Một nhân viên phục vụ tên N.L cho biết, Bà Nà rất ít khách, thậm chí nhiều hôm đìu hiu, lượng khách du lịch nước ngoài giảm, lượng khách lưu trú giảm, chỉ đông vào những dịp “tri ân” như thế này. Và hầu hết là người dân Quảng Nam, Đà Nẵng đi cho biết, ăn nhậu và rút về, không đem lại nhiều doanh thu qua dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống…
Trả lại sinh thái cho Bà Nà – Núi Chúa

Hiện nay, Bà Nà đang cố gắng giảm nhiệt “bê-tông hóa” bằng cách trồng cây thằn lằn bám tường, đó hẳn là một ý hay, khi nó có thể khiến cho những tòa lâu đài, biệt thự bằng đó hòa mình vào với khung cảnh rừng xanh hơn.

Anh N.V.C, một du khách đến từ Nam Định cho biết: “Nếu không làm tốt về mặt nghỉ dưỡng, nằm trong sự nổi bật về mặt lịch sử, khí hậu, thì hãy chuyển đổi vai trò Bà Nà trở thành một khu du lịch sinh thái, bảo tồn của vùng núi Chúa.”

Điều đó có nghĩa, việc dừng ngay, mở rộng “làng Pháp” mới trên núi Chúa – Bà Nà, thay vào đó, là tập trung tôn tạo rừng và cảnh vật thiên nhiên xung quanh, tập trung vào phân khúc khách hàng lưu trú, tăng cường về mặt dịch vụ chăm sóc, giải trí của khách hàng… Đưa Bà Nà về trọng tâm “thiên đường” thay vì xây dựng một Bà Nà đường phố đầy nhếch nhác như hiện nay. Thậm chí, cần phải mở lại tuyến đường xuyên rừng đi đến đỉnh Bà Nà cho người dân, tránh việc bắt buộc (theo dạng khuyến cáo) phải sử dụng cáp treo.

Nếu không làm thế, thì với một Bà Nà hiện nay cảnh quan bị phá nát, hiện tượng bê – tông hóa ngày càng tràn lan và trầm trọng, sự nhếch nhác trong địa phận du lịch, và một khu dịch vụ vui chơi-giải trí nghèo nàn so với Vinpearl Nha Trang, Bà Nà sẽ sớm rơi vào hoang phế bởi sự ế ẩm. Bởi với mỗi kỷ lục cáp treo và đầu tư quảng cáo như hiện nay, không phải là thứ để lôi kéo du khách ghé thăm lần hai. 

Tin bài liên quan:

VNTB- Con ruồi 500 triệu và công bình pháp luật

Phan Thanh Hung

2015: Năm Công dân và Luật biểu tình!

Phan Thanh Hung

Chủ quyền đẻ ra nhân sự?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo