Phạm Phước
(VNTB) – Làm vì đam mê là có thiệt á. Nào phải phấn đấu để lên tới ‘Tứ trụ triều đình’ chỉ vì ham tiền lương đâu.
So sánh bảng lương năm tính bằng đồng Mỹ kim của các vị nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ trên thế giới mà từ điển bách khoa toàn thư Wikipedia thống kê, chợt thấy cám cảnh cho quý vị nhà mình ghê cơ.
Trong danh sách này, Chủ tịch nước của Việt Nam có mức lương năm là 8.320 USD, tức khoảng 195 triệu đồng nếu đổi ở nhà băng quốc doanh – vị chi mỗi tháng lãnh hơn 16 triệu đồng. Thật ra, đây là mức lương cũ cách đây mấy năm, chứ lương năm 2020 là 20,8 triệu đồng. Mức lương này chỉ cao hơn dăm ba nước như Sri Lanka (7.380 USD), Guinea-Bissau (6.360 USD), Haiti (3.782 USD), Quần đảo São Tomé and Príncipe (2.930 USD), Lào (1.630 USD), và Cuba (360 USD).
Chẳng có gì là phải ngạc nhiên khi lương lãnh đạo quốc gia cao nhất là ở các vương quốc Arập dầu mỏ. Như Saudi Arabia (9,6 tỷ USD), United Arab Emirates (4,6 tỷ USD), Kuwait (165 triệu USD), Qatar (36 triệu USD), Bahrain (22,4 triệu USD).
Kế đó là các vua, nữ hoàng. Như Anh (122,4 triệu USD), Thái Lan (84 triệu USD), Estini (56 triệu USD), Monaco (52 triệu USD), Na Uy (33,2 triệu USD), Thụy Điển (16,7 triệu USD), Bỉ (14,4 triệu USD), Luxembourg (12,3 triệu USD), Đan Mạch (11,3 triệu USD).
Tội nghiệp cho Tổng thống Mỹ, quyền lực nhất hoàn vũ mà lương chớ có cao như thiên hạ tưởng bở. Mỗi năm, ông chủ Nhà Trắng được trả 400.000 USD. Trong khi ở Singapore bé tẻo teo, lương năm của Tổng thống là 1,4 triệu USD và của Thủ tướng là 1,6 triệu USD. Nói vậy thôi chớ 400.000 USD vẫn là ở mức “vượt trội” trong số các nhà lãnh đạo quốc gia dân cử khác rồi.
Nhưng mức lương của Tổng thống Mỹ lại là thấp thứ 2 thế giới nếu so với GDP quốc gia (chỉ 0,02 phần triệu).
Thấp nhất là Trung Quốc, lương Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước là 22.000 USD/năm, chiếm 0,001 phần triệu GDP. Lương của Chủ tịch nước Việt Nam chiếm 0,03 phần triệu GDP.
Vương quốc Estini là nước dành nhiều thu nhập quốc gia nhất cho việc trả lương lãnh đạo quốc gia, lương vua là 56 triệu USD/năm, chiếm 13.908 phần triệu GDP.
Kế đó là Vương quốc Tonga, lương của vua là 2,1 triệu USD/năm, chiếm 4.873 phần triệu GDP. Rồi tới Tuvalu, lương của Toàn quyền chỉ 17.650 USD/năm, nhưng chiếm tới 441 phần triệu GDP. Palau tới 280 phần triệu GDP (lương Tổng thống 90.000 USD/năm).
Trở lại Việt Nam, mức lương tháng mới áp dụng từ 1-7-2020 của Chủ tịch nước là 20,8 triệu đồng (hệ số 13); Chủ tịch Quốc hội 20 triệu đồng (hệ số 12,5) và Thủ tướng 20 triệu đồng (hệ số 12,5%). Trước đó, mức lương còn thấp hơn.
Người Việt ta có cách diễn đạt rất tinh tế và thực tế khi gọi là “lương bổng”, có thể hiểu với ý “lương” cộng “bổng lộc”. Giang hồ diễn giải rằng “hiếm ai sống được chỉ bằng lương nhà nước”.
Chợt nhớ đến tuyên bố chắc nịch hồi nào của cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – giáo sư khả kính Nguyễn Thiện Nhân.
Số là nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi gặp gỡ thân mật với các giáo sư và nhà giáo nhân dân được công nhận đợt năm 2006. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sẽ thành lập lại Cục Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để quan tâm chăm lo đời sống giáo viên. Bộ dự kiến sẽ trình Chính phủ đề án tăng lương cho giáo viên, để đến năm 2010 giáo viên có thể sống được bằng lương.
“Những ngày cuối cùng của năm 2009 sắp qua đi và năm mới 2010 chỉ còn nửa tháng nữa sẽ đến.
Không biết vào những ngày cuối của năm nay, người đứng đầu ngành giáo dục nước nhà có lại tiếp tục đề nghị chính quyền, các đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tại các địa phương chung tay hỗ trợ thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn, để thầy cô “bớt đi những giọt nước mắt chảy ngược vào lòng khi tết đến” như năm trước hay không?” – báo Tuổi Trẻ trách khéo như vậy ở bài Năm 2010, giáo viên sống được bằng lương?
Hôm 8-4-2021, Việt Nam có tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không biết ông này lâu nay có sống bằng lương giống như các sếp lớn ‘tứ trụ’ hay chăng nữa…