Lê Bá Vận
(VNTB) – “Chiều nay có giờ anh Tâm dạy đấy, từ 2 đến 4 giờ, cậu nhớ đi sớm, giành ngồi bàn trước.”
Một anh bạn tôi quen từ năm ngoái ở lớp PCB (Lý Hóa Sinh) nhắc nhở tôi. Chúng tôi là sinh viên Y năm thứ nhất đang đi thực tập tại Bệnh viện Bạch Mai mỗi buổi sáng.
Sau khi đỗ Bac (Tú tài Pháp) ở Sài Gòn, tôi ra Hà Nội học, mấy lâu vẫn ao ước. Hà thành nơi ngàn năm văn vật, nơi có 36 phố phường, hồ Gươm, đường Cổ Ngư, hồ Trúc Bạch. Nhà ở tỉnh nhỏ miền Trung, thời đó cha mẹ gởi con vào Sài Gòn, ra Hà Nội học tốn kém biết bao.
Chính quyền cũng thể hiện tốt sự quan tâm. Chính sách chung của bộ Giáo Dục tại Sài Gòn là ưu ái cấp học bổng cho các sinh viên tỉnh lẻ đi học xa, Sài Gòn hoặc Hà Nội, có trường đại học. Thông thường được chấp thuận là học bổng đại học toàn phần, 500 đồng mỗi tháng, tái cấp hàng năm nếu không ở lại lớp.
Hồi đó suốt trong thập niên 1950, số tiền 500 đồng là dư dả để trả tiền trọ hàng tháng, ăn và ở tốt cho sinh viên. Ở Hà Nội hàng quán ăn uống, hàng hóa và các dịch vụ may mặc, cắt tóc, giặt ủi, đi lại… đều rẻ hơn ở Sài Gòn, thấy rõ, chỉ các mặt hàng xa xỉ Sài Gòn nhập từ Pháp là đắt hơn. Con người Hà Nội thì duyên dáng, nếp sống thanh lịch, cảnh sắc hữu tình.
____
Trở lại buổi học chiều hôm đó với anh Tâm.
Anh Tâm đây là giáo sư Phạm Biểu Tâm (1913-1999), đỗ Thạc sĩ Y khoa, Agrégé des Universités tại Paris, Pháp năm 1948. Ông đang là giáo sư tại ĐHYD Hà Nội.
Anh bạn tôi, người Hà Nội, mới bước chân vào trường Y, cũng trẻ hơn GS PB Tâm gần 20 tuổi mà gọi GS Tâm vào hàng cha chú là ‘anh’ thì tưởng đâu có bà con, quyến thuộc.
Tôi lần này không còn ngạc nhiên với lối xưng hô thân mật ‘anh, em’ trên của anh bạn.
Chân ướt chân ráo bước vào đại học, năm ngoái trong lớp PCB dự bị Y khoa, tuy các giáo sư mỗi môn đều là người Pháp song trong các phòng thí nghiệm cũng có người Việt, cử nhân khoa học phụ trách, vd. Nguyễn Thị Lâu, Vũ Văn Chuyên về thực vật học, Nguyễn Chung Tú về Vật lý và tôi đã mục kích lối xưng hô ‘thưa anh, chị’ của các bạn bè. (1)
Tôi cảm thấy có phần lúng túng nên tránh né bằng cách dùng tiếng Pháp để thưa gởi.
Sinh viên Y mỗi sáng đi thực tập tại bệnh viện, chiều thì học lý thuyết tại trường.
Thời đó sinh viên 2 năm đầu YK1 và YK2 được chia đi thực tập 2 nơi, tại khoa Nội bệnh viện Bạch Mai và tại khoa Ngoại bệnh viện Phủ Doãn, hoán chuyển giữa niên khóa học.
Tôi nằm trong nhóm đi thực tập đầu tiên tại bệnh viện Bạch Mai.
Ở khoa Nội BV Bạch Mai, Giáo sư Blondel là giáo sư thực thụ. Giáo sư Đặng Văn Chung (1913-1999), ngang tuổi với GS Phạm Biểu Tâm, vừa qua Pháp về, lấy bằng thạc sĩ Y Khoa, 1952. Ông ký tên trên giấy tờ và mang trước ngực bảng tên oai vệ “Professeur Agrégé” (Phó giáo sư).
GS ĐVChung tất nhiên giảng dạy bằng tiếng Pháp song khi đi thăm bệnh, tại trại bệnh ông cũng hỏi bệnh nhân bằng tiếng Việt, giọng Nam bộ. Và các sinh viên trẻ mới chập chững vào trường đối thoại với GS Chung thì : “Thưa anh”, nói với nhau thì ‘anh Chung’.
Tôi chỉ nghe uy danh của GS PB Tâm song chưa gặp mặt vì ông xem bệnh, mổ xẻ tại bệnh viện Phủ Doãn mà nhóm của tôi chưa đến thực tập. Song chiều hôm đó ông có giờ dạy tại viện Cơ thể học.
Tôi háo hức chờ đợi. GS Tâm bước nhanh vào lớp mặc áo blouse trắng gài nút sau lưng. Tôi hơi thất vọng vì trái với danh tiếng nổi như cồn, ở tuổi 40 ông xem ra không có bề ngoài. Người không thấp song ông nhỏ xương, nét mặt gầy, nước da không sáng, lại tàn nhang, tóc hơi quăn. Tuy nhiên Giáo sư PB Tâm là một bậc thầy tài cao đức trọng được mọi người kính ngưỡng.
Hôm đó ông dạy bài cơ thể học của bàn tay, bài này khó và rất dài. Ông vào bước ngay lên bục và bắt đầu bài giảng ngay lập tức, thao thao bất tuyệt như chạy đua với thời gian để hoàn tất bài giảng trong 2 tiết. Tiếng Pháp của ông hoàn hảo dù ông không hẳn có giọng Pháp. Ông là cựu học sinh trường Bưởi cũng như GS Tôn Thất Tùng, BS Lê Khắc Quyến và đều là người Huế.
Lúc đổi sang thực tập tại bệnh viện ngoại khoa Phủ Doãn tôi gặp GS PB Tâm hàng ngày. Có hôm ở phòng tiểu phẫu tôi đứng xem ông đích thân rửa gắp sỏi niệu đạo cho một bệnh nhân. Lúc đó tại bệnh viện Phủ Doãn có GS Huard, tương đương với GS Blondel ở bệnh viện Bạch Mai. GS Huard lại là khoa trưởng ĐHYD Hà Nội. Tiếp đó là GS PBTâm, đồng thời là giám đốc bệnh viện Phủ Doãn. Và nhiều bác sĩ trợ giảng, gọi là ‘chef de clinique’ (clinical instructor).
Cũng như trường hợp GS ĐVChung, các sinh viên Y đi thực tập xưng hô với GS PB Tâm là “thưa anh” ở ngôi thứ 2, “anh Tâm” ở ngôi thứ 3 và tự xưng ‘em’ hoặc ‘tôi’. Đối với các bác sĩ Trần Ngọc Ninh, Đào Đức Hoành, Trần Anh, Ngô Gia Hy v.v… họ dĩ nhiên gọi: “anh Ninh, anh Hoành, anh Anh, anh Hy”. Lối xưng hô ‘anh’ đã quen vẫn giữ lúc các vị ấy trở thành giáo sư, trường hợp các GS PB Tâm, ĐV Chung cũng thế. (2).
Rút cục ra Hà Nội học Y tôi chưa gọi ai bằng thầy, cũng chưa nghe ai phát thoại chữ ‘thầy’.
Có lúc tôi nghĩ điều này cũng có khi đúng vì suy cho cùng tất cả, giáo sư và sinh viên, đều là bạn đồng môn, xuất thân từ ĐHYD Hà Nội, kẻ trước, người sau. Gà cùng một mẹ, khác lứa.
Năm 1954 ĐH Hà Nội di cư vào Nam nhập vào ĐH Sài Gòn. Tại ĐHYD có thêm các giáo sư người Pháp, GS Trần Quang Đệ (1905-1997) và một số bác sĩ. GS TQ Đệ học Y tại Pháp, đỗ thạc sĩ y khoa, có quốc tịch Pháp, luôn nói tiếng Pháp giọng Paris, cũng như người nói tiếng Bắc đúng giọng Hà Nội. Khi giao tiếp với GS Đệ thì chỉ dùng tiếng Pháp, không ‘thưa anh hoặc thưa thầy”.
____
Quan hệ xưng hô ở học đường khác biệt ở cấp tiểu học, trung học và đại học.
*Ở bậc tiểu học, thầy cô giáo tự xưng là ‘Thầy’ hoặc ‘Cô’ và gọi học trò là: “con, em, trò+tên”.
Học trò thì thưa “thầy, cô” và tự xưng là “con, em, hoặc xưng tên”.
*Ở bậc trung học, lớp nhỏ và vừa các thầy cô có thể giữ cách xưng hô như ở tiểu học. Ở các lớp lớn thầy cô giáo thường tự xưng là ‘tôi’, gọi học sinh là “anh, chị, em”.
Học trò thưa “thầy, cô” và tự xưng là ‘con, em’
*Ở bậc đại học, khác hẳn tiểu học, trung học, người dạy không tự xưng là ‘thày/thầy, cô’’, cho dù được tôn sùng, luôn xưng ‘tôi’ và gọi sinh viên là “anh, chị”. Sinh viên tự xưng là “tôi, em” và tùy theo sự cách biệt tuổi tác, “thưa giáo sư/anh/thầy/cô”.
Ở ngoài Bắc chữ ‘Thày’ thường được dùng thay thế chữ ‘Thầy”.
Tuy nhiên chữ ‘thày’ chỉ dùng trong ý nghĩa “thày trò” về chuyển đạt kiến thức. Chữ ‘thầy’ rộng nghĩa xã hội hơn vì bao gồm ý nghĩa “thầy thợ”. Thí dụ ta nói “thầy đờn, thầy tu, thầy chùa, thầy bói, thầy dòng… là những người không lao động chân tay và xưng hô với họ: “thưa thầy”.
Như vậy chữ ‘thầy’ chỉ nói lên một chức nghiệp lao động trí óc.
Với ý nghĩa này, học sinh lẫn phụ huynh đều chào hỏi: “thưa thầy/cô” với thầy cô giáo.
___
Các cựu sinh viên ĐHYD Sài Gòn viết nhiều hồi ký về trường xưa và các giáo sư. Đã có những bài viết như: “Nhớ thầy tôi, Giáo sư Trần Quang Đệ”, ”Nhớ thầy tôi Giáo sư Phạm Biểu Tâm”, “ Thầy tôi: Giáo sư Trần Ngọc Ninh”, “Thầy Đào Đức Hoành” v.v… tri ân và kính mộ.
Trong các thầy cũ, GS Nguyễn Hữu tính xuề xòa với sinh viên nhất, thứ đến GS ĐĐ Hoành.
Các cựu sinh viên ĐHY Huế đặc biệt có bài viết: “Tưởng niệm Thầy Lê Văn Bách – Khóa 13 Y Khoa Huế 1972” ca ngợi y đức của người thầy quá cố, mệnh chung ngày 2 tháng 4, 2002.
Trước đó trên một tháng GS Lê Văn Bách có viết thư hồi đáp cho các sinh viên thăm hỏi:
“Rất cảm động và chân thành ghi nhớ trong lòng về tình cảm và mối quan tâm đối với tôi của tất cả anh chị em. Cầu mong anh chị em…. 19/2/02. Thân mến. Lê Văn Bách”.
Các sinh viên Y khoa Huế suốt thời gian học tập và sau đó ra trường gặp lại, luôn xưng hô: “thưa thầy, thưa cô”, tự xưng là ‘em’, hãn hữu tuổi gần đồng: “anh, tôi, em”.
Tháng trước vào ngày chủ nhật 12/12/2021 một buổi gặp mặt cuối năm được tổ chức ở quận Cam, nam Cali. Buổi gặp mặt được tường thuật lại trên diễn đàn hội Y Khoa Huế Hải ngoại:
“Chúng tôi mời Thầy Cô Võ Đăng Đài, kế đó Thầy Cô Lê Thanh Minh Châu. Chúng tôi rất vinh dự và hãnh diện được cả 2 Thầy Cô nhận lời…”
Riêng tôi đã có may mắn gặp lại thầy giáo cũ dạy lớp nhất tiểu học. Thầy NV Huân đến khám bệnh. Tôi nhận ngay ra thầy, mừng rỡ và xúc động thốt lên: “thưa thầy”. Các thầy cô dạy chúng ta lúc còn nhỏ, tâm hồn trong trắng, bao giờ cũng để lại tình cảm thương yêu chan chứa.
_______________
Chú Thích
(1) Các vị NT Lâu, VV Chuyên, NC Tú thời gian sau đều trở thành Giáo sư Tiến Sĩ.
(2) GS Trần Ngọc Ninh (1923- -) Tiến sĩ Y khoa 1948, Thạc sĩ Y khoa 1961.
GS Đào Đức Hoành (1920-2002) Tiến sĩ Y khoa 1948, Thạc sĩ Y khoa 1964.
GS Ngô Gia Hy (1916- 2004) Tiến sĩ Y khoa 1948, Thạc sĩ Y khoa 1962.
GS Trần Anh (?-1968). Tiến sĩ Y khoa 1948?, Thạc sĩ Y khoa 1963?
Lần đầu gặp BS Trần Anh ở Viện Cơ thể học, Hà Nội, tôi ngỡ được gặp GS PB Tâm song không đúng. GS Trần Anh nét mặt sáng sủa giống tây lai, tử nạn năm 1968 tại Sài Gòn.
GS TN Ninh trẻ nhất, kém GS PB Tâm 10 tuổi, là cựu Nội trú bệnh viện Phủ Doãn, 1946-1948 trong lúc GS PB Tâm đỗ Thạc sĩ Y khoa năm 1948. Các GSBS kể trên luôn xưng hô ‘thưa anh’ với GS PB Tâm, như là đàn anh đồng môn, kẻ trước dìu dắt người sau.