(VNTB) – “Họ không xin lỗi về việc họ đã làm. Họ xin lỗi chỉ vì họ bị phát hiện”.
Mạng xã hội những ngày qua lại được phen dậy sóng với vụ lùm xùm quảng cáo kẹo rau KERA của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục. Một lần nữa, vấn đề trách nhiệm của những KOLs, KOC trong việc giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng lại bị đặt lên bàn cân. Liệu đến bao giờ người nổi tiếng mới thôi lợi dụng sự tin tưởng của khán giả để trục lợi? Và đến khi nào những chiêu trò quảng cáo lố bị xử lý nghiêm minh thay vì chỉ dừng lại ở lời xin lỗi?
Trước đó, Quang Linh từng gây tranh cãi vì quảng cáo ăn 1 viên rau củ KERA bằng ăn 1 đĩa rau, ngay sau đó anh đã lên tiếng xin lỗi. Nhưng dù như vậy thì vẫn không thể nào làm an lòng những khán giả đã trao lòng tin cho anh và mua sản phẩm về sử dụng.
Còn Hằng Du Mục trước đó cũng đã có những phát ngôn sai sự thật về thành phần trong sản phẩm yến sào Loinest. “Cái này không phải yến vụn mà là yến tổ. Rất là đặc. Đây là trọn vẹn một hũ hàng tổ, ở trong chứa tới 30g yến tươi”, Hằng Du Mục cầm trên tay lọ yến dung tích 70ml và khẳng định chắc nịch. Lời giới thiệu sai sự thật này đã vấp phải những phản ứng của cộng đồng mạng và những người làm trong ngành.
Tuy nhiên, chỉ khi Hiệp hội Yến sào Việt Nam làm việc trực tiếp với Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs, ‘chiến thần’ livestream này mới công khai nhận trách nhiệm và xin lỗi người tiêu dùng. Nhưng xin lỗi thì có nghĩa lý gì khi hàng nghìn, hàng chục nghìn người tiêu dùng đã tin vào quảng cáo và bỏ tiền mua sản phẩm? Khi niềm tin đã bị bán rẻ vì vài hợp đồng quảng cáo béo bở, liệu một lời xin lỗi có đủ để bù đắp tổn thất cho những người đã lỡ mua và sử dụng sản phẩm?
Người tiêu dùng không chỉ cần một lời xin lỗi, cái họ cần là trách nhiệm, sự minh bạch và một hệ thống kiểm soát chặt chẽ hơn đối với quảng cáo trên mạng xã hội. Bởi lẽ, đây không phải lần đầu tiên các KOLs lợi dụng sự nổi tiếng để quảng bá sản phẩm kém chất lượng. Những năm gần đây, mạng xã hội đã trở thành kênh quảng cáo hàng đầu, nơi mà bất kỳ ai có lượng người theo dõi lớn cũng có thể trở thành “chuyên gia” trong mọi lĩnh vực: từ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, dinh dưỡng, đến tài chính. Điều đáng nói là phần lớn KOLs không có chuyên môn về những lĩnh vực mà họ đang quảng bá. Họ chỉ nói những gì nhãn hàng yêu cầu, bất chấp sự thật ra sao, miễn là có tiền.
Trường hợp của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trước đây còn có Quyền Linh, Hồng Vân, Cát Tường… Cứ mở điện thoại lên là ngay lập tức người tiêu dùng bị bủa vây bởi hàng loạt quảng cáo từ “thần dược” giảm cân, thực phẩm chức năng “siêu hiệu quả”, đến mỹ phẩm “trắng da cấp tốc”. Những sản phẩm này thường được “thổi phồng” bằng những lời cam kết đầy hoa mỹ nhưng lại thiếu kiểm chứng khoa học.
Trước tình trạng quảng cáo lố tràn lan, đã đến lúc cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn. Những biện pháp có thể áp dụng gồm: Siết chặt quản lý nội dung quảng cáo trên mạng xã hội (Các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok cần có cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ hơn đối với nội dung quảng cáo, đặc biệt là những sản phẩm liên quan đến sức khỏe và dinh dưỡng); Xây dựng chế tài nghiêm khắc hơn đối với KOLs, KOC (Không chỉ dừng lại ở việc phạt tiền, những người quảng cáo sai lệch nên bị hạn chế hoạt động trên mạng xã hội trong một khoảng thời gian nhất định); Tăng cường kiểm định sản phẩm trước khi quảng bá (Các nhãn hàng phải chịu trách nhiệm công khai kết quả kiểm định từ các cơ quan uy tín trước khi đưa sản phẩm ra thị trường)…
Mọi thứ đều có thể được giải quyết nhanh chóng nếu nhà cầm quyền thật sự muốn hành động, vì họ nắm trong tay mọi công cụ để có thể xử lý những vấn nạn này. Còn nếu những lời quảng cáo dối trá tiếp tục tồn tại mà không bị xử lý thì tức là nhà cầm quyền muốn như vậy. Nếu họ không hành động thì người dân hoàn toàn có quyền đặt vấn đề về việc nhà chức trách đang âm thầm tiếp tay cho những sản phẩm này được mua bán tràn lan ngoài thị trường.