Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quốc hội Đài Loan dậy sóng vì vụ kiện Formosa

Triều Giang

 

Công bố lá thư can thiệp của 7 Dân biểu lưỡng đảng Hoa Kỳ

Bộ ngoại giao Đài Loan hứa sẽ có giải pháp nhân quyền trong vòng 2 tuần?

 

Hình ảnh: Sỹ Nguyễn & Triều Giang

  

Đài Bắc:- (2/12/2022)

“Yêu sách bất nhất và bất nhân”

“ Thú thật với quý vị, chúng tôi rất bất bình và phẫn nộ về các yêu sách khắt khe, đồng thời vừa bất nhất và bất nhân mà Tòa án đã đòi hỏi các nạn nhân khi nạp đơn kiện công ty Formosa tại Hà Tĩnh, Việt Nam… Tại sao Tòa án đưa ra điều kiện bất nhân và oan nghiệt này cho các nạn nhân Việt Nam? Đây thuần túy là một yếu tố pháp lý hay còn ẩn chứa mưu đồ nào khác?…

Giữa Đài Bắc với Trung Hoa lục địa khoảng cách không gian có bao xa? Chắc chắn quý tòa biết rõ những gì đang diễn ra bên ấy. Giả xử như có vụ án tương tự xảy ra với những nạn nhân bên ấy, không hiểu quý tòa có thản nhiên đòi các nạn nhân bên đó cũng phải công chứng hồ sơ như đang đòi hỏi các nạn nhân tại Việt Nam hay chăng?…” 

Đó là một phần phát biểu gay gắt của Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, đến từ Việt Nam trong buổi họp báo do Liên Minh Giám Sát Formosa cùng với một số Dân biểu Đài Loan tại văn phòng Quốc Hội Đài Loan vào lúc 9:20 sáng ngày 2 tháng 12, 2022 vừa qua về vụ 7,875 nạn nhân kiện công ty Formosa đã hủy hoại môi trường biển của Việt Nam qua việc xả thải độc hại khiến hàng trăm ngàn tấn cá chết, khoảng 200,000 người dân thất nghiệp, thực phẩm và một vùng bờ biển rộng lớn của họ bị ô nhiễm gây nguy hiểm đến sức khỏe của hàng triệu người dân thuộc 4 tỉnh miền trung Việt Nam.

Thảm họa môi trường đã xảy ra vào đầu tháng 4, 2016, cách đây gần 7 năm. Sau những cuộc khiếu kiện tại tòa án trong nước bị chính quyền CSVN từ chối và đàn áp một cách dã man, người dân đã kêu cứu và được tổ chức Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa (JFFV) với sự hỗ trợ về tài chánh cũng như phương tiện của cộng đồng người Việt Hải ngoại, hợp tác với hai tổ hợp luật sư tại Đài Loan là Hiệp Hội Luật sư Môi Trường (EJA), Tổ Chức Tranh Đấu Cho Quyền Môi Trường (ERF), cùng với Văn phòng Di Dân và Lao Động người Việt tại Đài Loan, Tổ chức Giám Sát Công Ước Nhân Quyền Đài Loan  (Covenants Watch) và Tổ chức Tranh Đấu cho Nhân Quyền Đài Loan (HRW) liên kết thành Liên Minh Giám Sát Formosa, giúp đỡ nạn nhân nộp đơn kiện công ty Formosa ra tòa án Đài Loan để đòi bồi thường thiệt hại và khôi phục lại môi trường vào tháng 6 năm 2019.

Vụ kiện đã kéo dài gần 4 năm, mặc dù Tối Cao Pháp Viện Đài Loan trong phán quyết vào cuối tháng 10, 2020 đã cho phép nạn nhân được quyền kiện (Juridiction) công ty Formosa tại tòa án Đài Loan, một số nạn nhân hiện đang sinh sống và làm việc tại Đài Loan có thể làm công chứng tại đây nên đã hợp lệ và được tiếp tục vụ kiện. Nhưng số đông các nạn nhân sinh sống tại Việt Nam đang gặp khó khăn vì công ty Formosa đòi đơn ủy quyền cho Luật sư phải được công chứng tại văn phòng Kinh Tế và Văn Hóa của Đài Loan tại Hà Nội. Để được văn phòng này chứng nhận, các nạn nhân trước hết phải được sự chấp thuận của chính quyền địa phương xã, rồi cục an ninh tại Hà Nội rồi qua văn phòng Bộ Ngoại Giao của Việt Nam. Điều kiện này không những gây khó khăn mà còn nguy hiểm đến vấn đề an ninh của các nạn nhân vì qua kinh nghiệm của họ khi nộp đơn kiện Formosa tại tòa án Việt Nam đơn kiện bị trả về mà còn bị đánh đập, bắt bớ bỏ tù.

 

Bao nhiêu cố gắng nhưng người có trách nhiệm như giả ngơ

Trên 10 nhà báo, các luật sư, các nhà tranh đấu cho môi trường và nhân quyền trong Liên Minh Giám Sát Formosa, một số Dân biểu thuộc đảng Quyền lực Mới, Đảng Dân chủ Tiến bộ, đặc biệt có 6 thành viên của bộ Ngoại Giao đã có mặt. Riêng phái đoàn Việt Nam gồm có ĐGM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp nguyên Giám mục địa phận Vinh và Hà Tĩnh, người cai quản hai địa phận này trong thời gian thảm họa môi trường, rồi thảm họa xã hôi xảy ra sau đó , LM. Nguyễn Văn Hùng giám Đốc Văn phòng Di dân và Lao Động VN tại Đài Loan và còn là cố vấn của hội Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa (JFFV), LM. JP.Vũ Đức Minh, cựu Trung tá Không Quân Hoa Kỳ và bà Nancy Bùi, phó chủ tịch JFFV đặc trách Ngoại Giao. 

Về phía báo chí Việt Nam, chúng tôi ghi nhận sự có mặt của phóng viên đài Chân Trời Mới Media và Luật Khoa Tạp Chí. 

Buổi họp báo với mục đích trình bày những khó khăn của vụ kiện mà các nạn nhân tại VN đang phải đối đầu vì đòi hỏi quá đáng của công ty Formosa nếu được tòa chuẩn thuận, các nạn nhân phải công chứng giấy ủy quyền cho Luật sư, mục đích thứ hai là để công bố lá thư can thiệp gửi chính phủ Đài Loan của 7 Dân Biểu lưỡng đảng Hoa Kỳ gồm: DB. Alan Lowenthal (DC), Chris Smith (R), Zoe Lofgren (DC), Lou Correa (DC), Katie Porter (DC), Gerald Connolly (DC), RO Khanna (DC) gửi chính phủ Đài Loan yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi cho 7875 nạn nhân của thảm họa môi trường do công ty Formosa tìm được công lý tại tòa án Đài Loan.

Luật sư Hung Yi, chủ tịch Hiệp Hội Luật sư Môi Trường EJA đã đặt vấn đề: từ khi nộp đơn kiện tại tòa án Đài Loan, các nạn nhân đã gặp nhiều khó khăn ban đầu là những tranh luận; liệu các nạn nhân có quyền kiện tại tòa án xuyên biên giới để đòi bồi thường thiệt hại hay không? Tối Cao Pháp viện Đài Loan đã phán quyết rằng họ có, thì nay lại đến tranh luận liệu các luật sư Đài Loan có quyền đại diện các nạn nhân trước tòa hay không và đòi hỏi nạn nhân phải qua những thủ tục làm hại đến an ninh của họ?  Ông tuyên bố: “ Chúng tôi đã chứng minh trước tòa rằng nhiều người Việt nam đã bị kết án tù về tội vi phạm trật tự an ninh xã hội, thậm chí còn bị kết tội gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia chỉ vì những bình luận của họ trên Internet. Chúng tôi cũng đã gửi luật sư của chúng tôi đến Việt Nam để nhận sự ủy quyền trực tiếp từ các nạn nhân. Nhưng tòa án giả ngơ như không biết những nguy hiểm sẽ xảy ra cho họ khi họ phải xác minh tài liệu bằng cách phải được chính phủ Việt Nam chứng nhận”.

Luật sư Hung-Yi, là luật sư của các nguyên đơn và cũng là nhà nghiên cứu và tranh đấu trong Liên Minh Giám Sát Formosa đã đến tận Việt Nam để điều tra và nhận sự ủy quyền trực tiếp của các nạn nhân, ông nhấn mạnh: “Chương Trình Hành Động Quốc Gia (National Action Plan NAP) của Đài Loan về Đầu Tư và Nhân quyền dựa theo những tiêu chí của Liên Hiệp Quốc đã được thảo luận và thông qua đã quy định rằng chính phủ cần phải có những biện pháp thích ứng cho những nạn nhân của những sự vi phạm nhân quyền. Nếu Đài Loan không làm được công việc này thì những gì mà chúng ta tự nhận là một quốc gia dân chủ và tôn trọng nhân quyền nhất Á Châu chỉ là một điều không ai có thể tin được”.

Lá thư của 7 Dân biểu lưỡng Đảng gửi CP Đài Loan

Bà Nancy Bùi, Đại diện hội Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa đã đọc một đoạn quan trọng của lá thư của 7 Dân biểu Hoa Kỳ:

“Trong khi chúng tôi tôn trọng sự độc lập và dân chủ của tòa án Đài Loan một cách sâu sắc, chúng tôi cũng muốn đưa ra ánh sáng một sự thật rằng quyết định của tòa đã gây nên một cản trở cao như núi cho những nguyên đơn đang tìm kiếm công lý tại tòa án Đài Loan. Việt Nam là một nước cai trị bởi chế độ độc đảng họ không bao giờ chấp nhận những nhà tranh đấu hay bất đồng chính kiến. Nhà nước Việt Nam đã đối xử tệ hại trước những đòi hỏi chính đáng của những nạn nhân. Họ đã thất bại trong việc giải quyết thảm họa lớn nhất trong lịch sử của Việt Nam. Vì thế, không thể tin tưởng họ trong việc nắm giữ quyền tìm công lý của người dân. Rất nhiều nạn nhân và gia đình họ sẽ phải bị quấy nhiễu, trả thù, và bị xử tội nếu họ nộp đơn công chứng cho giấy ủy quyền cho luật sư để tiếp tục tìm giải pháp pháp lý cho sự đền bù tại tòa án Đài Loan…”

Và bà kết luận rằng: “ Thay vì trả tiền đền bù cho nạn nhân, công ty Formosa lại trả cho nhà nước Việt Nam. Điều này chứng tỏ rằng Formosa không quan tâm gì đến nạn nhân đã phải chịu thiệt hại vì sai trái của họ, mà Formosa lại trả tiền cho chính phủ Việt Nam là để mua nhà nước độc tài Việt Nam để được bảo vệ. Chính vì việc làm này mà sau khi gây ra thảm hoạ môi trường, Formosa lại tạo ra thảm họa nhân quyền cho nạn nhân. Tôi mong mỏi rằng chính phủ Đài Loan qua Bộ Ngoại Giao sẽ không trọng thưởng cho Formosa qua việc làm của họ…”

Và khi nói đến hoàn cảnh của nạn nhân đặc biệt là về con cái của họ bà đã nghẹn ngào khóc:

“Đã gần 7 năm qua, biển chưa phục hồi hoàn toàn, cá chưa trở lại đủ khiến người dân không thể sống bằng nghề cha ông để lại bao đời. Họ phải đi vào các các tỉnh miền nam hay lao động tại các quốc gia xa xôi để tìm việc để lại con cái phải sống xa cha mẹ. Nhiều em phải nghỉ học vì cha mẹ không còn đủ sức cho các em tiếp tục..”.

Bà cám ơn các luật sư, các tổ chức phi chính phủ và nhân dân Đài Loan đã giúp đỡ và tạo cơ hội cho bà và hội JFFV đến đây để nói lên tiếng nói của những nạn nhân, những người thấp cô bé miệng không có quyền nói lên tiếng nói của họ, bà mong chính phủ Đài Loan tìm cách giải quyết có lý có tình để các nạn nhân được trở về với gia đình xây dựng lại cuộc đời.

Nhân chứng quan trọng

Nhà báo, nhà tranh đấu cho nhân quyền Chu Mạnh Sơn từng hợp tác với đài truyền hình SBTN và một số tờ báo, vừa định cư tại Toronto, Canada đã phát biểu như một nhân chứng:

“ Là một người hoạt động nhân quyền, nhà báo tự do nên tôi đã trực tiếp đến khu vực cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An để phỏng vấn người dân, đưa tin vụ việc lên mạng internet và hướng dẫn bà con ngư dân làm đơn kiện Formosa để đòi quyền lợi . Chính vì vậy tôi đã nhiều lần bị công an Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An và nhà cầm quyền Việt Nam bắt bớ, đánh đập đe dọa tính mạng vì đã chụp hình, quay phim, phỏng vấn người dân, tố cáo tội ác của công ty Formosa.

Tôi và vợ tôi cũng gặp nhau trong hoàn cảnh khi cả 2 cùng chung ý thức là lên tiếng tố cáo tội ác của công ty Formosa và giúp đỡ bà con ngư dân đòi quyền lợi. Nhà bố vợ tôi ở huyện Diễn Châu, Nghệ An sát biển cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thảm họa môi trường Formosa nhưng đã không được đền bù. Bà con ngư dân Nghệ An chịu cũng phải chịu cảnh nhiều con thuyền không thể ra khơi đánh cá, đánh cá về không ai mua vì cá bị ô nhiễm,… Vì vậy, thời điểm đó, linh mục Antôn Đặng Hữu Nam, Linh mục JB Nguyễn Đình Thục và nhiều bà con ngư dân đã đứng lên tố cáo tội ác Formosa và làm đơn khởi kiện Formosa yêu cầu đền bù. Chính vì vậy, tôi và vợ tôi cũng đã góp sức trong công cuộc đấu tranh cùng bà con ngư dân đòi quyền lợi. Sau đó cả hai yêu nhau và nên duyên vợ chồng vào tháng 7 năm 2017.

Sau đám cưới được mấy ngày thì nhà tôi bị công an bao vây và lùng bắt nên cả hai đã chạy trốn gian khổ từ miền Trung vào Miền Nam rồi nhờ người đưa vượt biên sang Campuchia rồi sang Thái Lan sau nhiều ngày đêm chạy trốn trong rừng phải nhịn đói, nhịn khát để đến được Thái Lan xin tị nạn. Tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân mình sẽ phải bỏ nước, bỏ quê hương để ra đi. Cũng không ai muốn phải sống cảnh tha hương cầu thực, có nhà mà không thể trở về và phải sống hơn 5 năm trong khó khăn khi phải trốn chạy khỏi sự truy lùng của cộng sản Việt Nam, không quốc tịch, không giấy tờ tuỳ thân. May mắn gia đình tôi đã được VOICE,và VOICE CANADA bảo trợ sang Canada định cư theo chương trình bảo trợ tư nhân và cuối cùng gia đình tôi đã đến Toronto, CANADA vào ngày 29/9/2022 vừa qua…”

Chu Mạnh Sơn cũng nhắc đến những người bạn từng tranh đấu với ông hiện đang còn bị cầm tù từ 5 tới 20 năm như Nguyễn Văn Hóa, Trần thị Xuân, Nguyễn Hoàng Bình, Lê Đình Lượng… Những lời chia sẻ chân thành của ông đã làm xúc động mọi người trong phòng họp.

Cơ hội cho Đài Loan chứng minh vai trò lịch sử

 

 

Dân biểu Yao Xian Zhi thuộc đảng Quyền Lực Mới (The Power Legislator) đã phát biểu ngắn gọn như mạnh mẽ:

“7875 nạn nhân đã vượt đại dương đến Đài Loan để tìm công lý, đánh dấu cột mốc lịch sử quan trọng của Đài Loan về phong trào môi trường và nhân quyền. Hy vọng các phía hãy cùng làm việc đem lại công bằng cho nạn nhân tại tòa án Đài Loan”

Ông kêu gọi:” Vụ án đang gặp khó khăn nhưng hy vọng chính phủ Đài Loan coi đây là một cơ hội làm việc với các nhà lập pháp Đài Loan và Hoa kỳ, các tổ chức tranh đấu cho môi trường và nhân quyền của Đài Loan và trên toàn thế giới cùng hợp tác trong vụ án lịch sử quan trọng  này để chứng minh rằng Đài Loan là một đất nước sẵn sàng chịu trách nhiệm quốc tế …” 

 

“Nạn nhân hơn 6 năm qua quyết tâm bảo vệ giá trị nhân quyền mà Đài Loan luôn tự hào”.

 

Nữ Dân biểu Fan Yun thuộc đảng Dân chủ Cấp tiến trong dịp này đã nhắc lại Đài Loan từng bị ô nhiễm môi trường trong thời gian dài của các thập niên 1980, 1990. Bà đưa ví dụ về vụ kiên công ty điện tử RCA, đến Đài Loan để chế tạo pin, RCA gốc khởi thủy là từ Hoa Kỳ sau được bán lại cho người Pháp, Nhật và một số nhà đầu tư khác đã gây ô nhiễm trầm trọng quanh vùng nhà máy, đặc biệt là gây ung thư cho hàng trăm công nhân làm việc cho họ. Đài Loan cũng đã trải qua một quá trình vất vả để tranh đấu cho quyền lợi của những công nhân nghèo, thấp cổ bé miệng. Nhưng cuối cùng, những công nhân này cũng được đền bù thỏa đáng và RCA phải khắc phục môi trường ô nhiễm. Để đạt được kết quả này, Đài Loan đã có được sự hỗ trợ của nhiều quốc gia bạn trên thế giới. Bà phân tích:

“ Đài Loan tự nhận đứng làm gương mẫu cho giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền, Đài Loan sẽ phải đau đớn biết bao nếu chúng ta không thực thi được những điều chúng ta luôn hãnh diện”

Bà kêu gọi:

“ Bộ Ngoại giao hãy tìm một giải pháp dựa trên tính chuyên nghiệp và giá trị của nhân quyền và nhân đạo để giúp đỡ các nạn nhân, những người mà hơn 6 năm qua đã quyết tâm bảo vệ giá trị nhân quyền mà chúng ta hằng tự hào”.

 

 

Sự cứng ngắc của Bộ Ngoại Giao Đài Loan

 

Trưởng phái đoàn của Bộ Ngoại Giao Đài Loan, ông Brian Ko sau đó đã phát biểu rất cứng cỏi và lạnh lùng:

“ Tòa án và Bộ Ngoại Giao Đài Loan đã dựa vào Điều 12 và 13 của tu chính án thứ 20 về vụ kiện liên quan đến người ngoại quốc, dù là nguyên đơn hay bị cáo, nếu có sự đòi hỏi của phía bên kia, giấy ủy quyền cho luật sư của họ đều phải có công chứng. 

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã liên lạc với chính phủ Việt Nam, họ cho biết rằng họ chưa thấy có ai đến để xin công chứng giấy ủy quyền. Với những người bị bắt và bị cầm tù đều là những người vi phạm luật pháp Việt Nam. Chúng tôi không hề trừng phạt các nạn nhân”.  

Luật sư Hung-Yi liền phản biện:

“Tại các quốc gia tự do, dân chủ thì Điều 12 và 13 không trở thành vấn đề cho bị cáo hay nguyên đơn, nhưng trong trường hợp của các nguyên đơn tại Việt Nam, những gì đã và đang xảy ra gần 7 năm qua đã chứng minh các nạn nhân không thể nào vượt qua điều kiện này. Luật pháp Đài Loan cần phải cứu xét hoàn cảnh khó khăn của họ. Khi bộ ngoại giao căn cứ vào những cam kết của chính phủ độc tài, độc đảng rằng họ sẽ không trừng phạt nạn nhân, thì có khác nào một con hổ hứa với con thỏ  rằng nó sẽ không ăn thịt con thỏ, nhưng ai sẽ tin được vào lời hứa này?”

ĐGM Hợp cũng đã đứng lên đối chất: “Không thể áp dụng điều luật này như một vụ án bình thường. Đây là trường hợp bất thường mà tòa án và chính phủ Đài Loan phải cứu xét trường hợp bất thường của nó mới hợp lý, hợp tình. Chúng tôi đến tòa án Đài Loan để tìm công lý cho nạn nhân, còn bao nhiêu nạn nhân nữa phải bị bắt, bị đánh đập, tù đày mới chứng minh được các nạn nhân không thể nào đáp ứng điều kiện công chứng nghiệt ngã này? ”

 

“Cảnh đánh đập, bắt bớ, bỏ tù sẽ tiếp diễn, nếu”

 

Phần trình bày cuối cùng, Ban tổ chức cho trình chiếu video 3 phút là phần tham luận của phó chủ tịch tổ chức Human Right Watch (HRW) đặc trách Á Châu, ông Phil Robertson chia sẻ:

“Văn phòng của HRW đặt tại Thái Lan gần 20 năm qua, tôi chứng kiến hàng ngàn người phải chạy trốn sự săn đuổi của các chính phủ độc tài, Tôi đã chứng kiến, gặp gỡ và giúp đỡ rất nhiều những người xin tị nạn từ Việt Nam liên quan đến thảm họa môi trường Formosa. Họ là những nạn nhân đã bị mất trắng tài sản, mất cả nghề nghiệp do cha ông để lại qua nhiều đời, họ không được đền bù mà phải đứng lên tranh đấu, cả những nhà báo, những nhà hoạt động cho môi trường và nhân quyền đã đứng lên đòi công bằng cho các nạn nhân, tất cả đã bị đàn áp dã man, nhiều người đã bị bắt, bì tù và bị kết án rất nhiều năm. Nhiều người chạy được đến Thái Lan để xin tị nạn, còn có nhiều người đang phải trốn chạy vì nhà nước Việt Nam còn tiếp tục săn lùng họ”.

Ông Robertson quả quyết:

“ Công ty Formosa cần phải đứng trước tòa Đài Loan để trả lời về trách nhiệm của họ. Chính phủ Đài Loan đòi hỏi nạn nhân phải có công chứng của nhà nước Việt Nam là một điều không thể thực hiện được. Nhà nước Việt Nam sẽ dùng mọi thủ đoạn để ngăn chặn, để đàn áp bằng mọi hình thức. Nếu các nạn nhân đi xin công chứng, một điều tôi có thể chắc chắn rằng sẽ có nhiều vụ bắt bớ, đánh đập, bò tù dành cho các nạn nhân sẽ tiếp diễn.”

 

Buổi họp báo đã được chấm dứt bằng những tiếng hô vang của các phái đoàn cầm những biểu ngữ đầy khí thế:

– Quy Định Công Chứng, Gây Nguy Hiểm, Là Vi Phạm Nhân Quyền Người Bị Hại

– Bộ Ngoại Giao, Hãy Ngừng Ngăn Chặn Con Đường Tìm Công Lý Của Các Nạn Nhân

– Bãi Bỏ Công Chứng Cho Các Nạn Nhân Formosa Hà Tĩnh 

– Đi Công Chứng Kiện Công Ty Formosa Hà Tĩnh Đồng Nghĩa Đi Vào Nhà Tù CSVN

Người viết ngồi đối diện với phái đoàn của bộ ngoại giao, lần đầu tiên chúng tôi ghi nhận sắc mặt của ông Brian Ko, trưởng phái đoàn thay đổi sau khi video của ông Robertson chấm dứt. 

Sau buổi họp, chúng tôi đến gặp ông và cám ơn ông và phái đoàn của ông đã có mặt để lắng nghe những điều chúng tôi trình bày, hy vọng bộ Ngoại giao Đài Loan sẽ cứu xét với lòng rộng mở. Ông đáp lại:

“ Chúng tôi cũng cám ơn bà và phái đoàn của bà không ngại đường xa đến đây để cung cấp cho chúng tôi những thông tin hữu ích. Chúng tôi sẽ về nghiên cứu và sẽ có quyết định sau.”

 

Buổi họp báo đã bế mạc vào lúc 11:30 am cùng ngày.

 

Phản ứng sau cuộc họp báo

Các báo Đài Loan ngay sáng hôm sau, thứ bảy 3/12/2022 đã có bài tường thuật. Hầu hết các báo đều loan tin trung thực. Một số báo điện tử có nhiều phản hồi tích cực của độc giả và tỏ ý thông cảm cho các nạn nhân Việt Nam. Một số khác đặt vấn đề trách nhiệm của nhà nước Việt Nam ở đâu sao không giải quyết cho các nạn nhân mà phải đến Đài Loan để tìm công lý?

Riêng Dân biểu Handy Chiu tại buổi họp về vấn đề đối ngoại và quốc phòng của quốc hội Đài Loan sáng ngày thứ hai 5/12/2022 đã có bài điều trần, chất vấn bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Wu Jian Luan bằng bài lời lẽ gay gắt. Ông tuyên bố:

“ Tôi đề nghị Bộ Ngoại Giao thu thập dữ liệu về nhân quyền quốc tế, tiếng nói của cộng đồng trong nước và đánh giá lại vấn đề Nhân quyền của Việt Nam, tìm cách đảm bảo an toàn và quyền con người cho nạn nhân, đảm bảo nạn nhân có cơ hội công bằng đối với công lý tại tòa án. Người Việt Nam đang đi qua con đường như chúng ta đã đi qua. Đừng quên rằng trên con đường dân chủ hóa, chúng ta đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của bạn bè trên toàn cầu. Chúng ta nên giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa Formosa,”

Nguồn tin từ các dân biểu tham dự cuộc điều trần cho biết bộ trưởng Ngoại Giao Đài Loan hứa một giải pháp nhân quyền sẽ được hoàn tất trong vòng 2 tuần lễ tới. 

 Bên cạnh những hy vọng cho một giải pháp tốt đẹp cho các nạn nhân, một số dư luận cũng đặt vấn đề liệu giải pháp được hứa hẹn có giải quyết vấn đề tận gốc rễ hay vẫn chỉ là những lời nói suông? 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Dân Đài Loan và Việt Nam biểu tình chống Formosa

Phan Thanh Hung

VNTB – Quốc gia được ngưỡng mộ nhất trong năm 2020

Phan Thanh Hung

VNTB – Biểu tình “kéo lưới” ở Quốc lộ 1A Hà Tĩnh – Quảng Bình

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo