Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quốc hội trả tự do cho văn nghệ sĩ, lãnh đạo văn nghệ chối từ không nhận!

Phùng Hoài Ngọc (VNTB) Phàm là văn nghệ sĩ ai cũng muốn được tự do sáng tác. Xưa nay hai chữ “chính trị” gắn đầu tên Hội như con kỳ đà cản mũi, đa số văn nghệ sĩ chân chính thì phàn nàn, than thở.

Lãnh đạo văn nghệ năn nỉ xin thủ tướng cứ cho mất tự do 
Đôi khi người sáng tác làm việc bản thảo với biên tập viên rất khó chịu. BTV đòi cắt, sửa và giải thích vì lý do chính trị. Mỗi khi tranh cãi đuối lý về bản thảo, biên tập viên hay tổng biên tập thường nói “chúng ta là hội chính trị -xã hội- nghề nghiệp nên phải vậy thôi, thông cảm nhé”.
Tranh luận kiểu gì rồi tác giả cũng phải nghe theo BTV thôi, nếu không muốn cầm bản thảo về nhóm bếp. 
Năm ngoái, Dự thảo Luật về Hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo đã được hoàn thiện vào ngày 10/10/2016 và trình QH kỳ họp cuối năm, nhưng hoãn lại. Dự thảo Luật về Hội không áp dụng đối với 6 tổ chức đặc biệt: Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh. Theo đó, đây không phải là Hội thông thường, mà là 6 cánh tay nối dài của Đảng.
Các Hội còn lại từng mang biển “chính trị” đứng đầu nay phải biến thành hội bình thường (xã hội, nghề nghiệp). Những Hội ấy không còn là “cơ quan nhà nước” nữa. Hội tự lo kinh phí, trụ sở, phải xin phép thành lập lại từ đầu theo qui trình thủ tục. Giống như phải chết đi rồi sống lại !
Vậy là, Đảng QH dự kiến tuyên bố trả tự do cho văn nghệ sĩ. 
Phàm là văn nghệ sĩ ai cũng muốn được tự do sáng tác. Xưa nay hai chữ “chính trị” gắn đầu tên Hội như con kỳ đà cản mũi, đa số văn nghệ sĩ chân chính thì phàn nàn, than thở.
Tưởng là ai nấy mừng rỡ, nói lời đa tạ với Đảng và quốc hội. 
Chẳng ngờ ông nhà thơ Hữu Thỉnh và các nghệ sĩ lãnh đạo Liên hiệp Hội kêu trời thảm thiết lên và xin gặp Thủ tướng, năn nỉ cho xin lại hai chữ “chính trị”. Ông Hữu Thỉnh nói huỵch tẹt luôn: xin cấp kinh phí thường xuyên, xe con mới cho lãnh đạo và 300 nhà ở cho văn nghệ sĩ có công.
Này ba ông nhà thơ Hữu Thỉnh, hoạ sĩ Trần Khánh Chương, nhạc sĩ cổ Tô Ngọc Thanh đã lấy ý kiến của 40000 (4 vạn) hội viên tài hoa của mình hay chưa ? – Tôi e là ba ông chưa thèm hỏi ai. Hội văn nghệ mà cũng mất dân chủ trầm trọng như thế, trách nào nhà cầm quyền !
Báo Tuổi Trẻ tường thuật cuộc gặp gỡ, chạnh lòng thương xót văn nghệ sĩ, trách cứ chính phủ với tựa bài báo rằng: “Đừng biến nghệ sĩ thành người đi xin tiền”.
Một văn sĩ Hà thành góp ý: nên đổi vị trí hai chữ thôi, để gửi luôn cho văn nghệ sĩ:
“Nghệ sĩ, đừng biến thành người đi xin tiền”.
Những đứa bé chưa thể kiếm ăn mới phải nhờ bầu sữa mẹ. Các hội văn nghệ tự hào “đồng hành cùng dân tộc” hơn nửa thế kỷ mà gan lỳ chưa chịu cai sữa.
Trong nền kinh tế thị trường, dù là “định hướng XHCN” văn nghệ cũng phải chấp theo. Mặc dù ở các nước, chính phủ người ta cũng tài trợ sáng tác khi cần thiết, nhưng sòng phẳng ký hợp đồng. Không thể coi tài trợ là nghĩa vụ thường xuyên của nhà nước. 
Văn nghệ sĩ là người tự do, hoạt động cá nhân, sao lại đâm đầu vào làm công chức?
Đại diện cho Liên hiệp hội, ông Hữu Thỉnh đã nêu tới 9 kiến nghị (thực chất gọi là xin xỏ) để giải quyết khó khăn trong hoạt động của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật và các tổ chức thành viên, chủ yếu là về cơ sở vật chất (cho lãnh đạo), kinh phí và đời sống của văn nghệ sĩ:
“Tôi từng là người lính, qua mấy cuộc kháng chiến, phương tiện đi lại với người lính không có vấn đề gì. Nhưng đối với người đứng đầu Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật thì không thể đi chiếc xe đi mượn rách nát như vậy” – ông Thỉnh giãi bày. 
Điệp khúc này gọi là thói kiêu binh chiến tranh.
Nhân ngày thơ Nguyên Tiêu 2017, ông Thỉnh bày ra triển lãm thơ chủ đề “ĐỒNG HÀNH” ở sân Văn Miếu. Ông nhắc rằng chúng tôi văn nghệ sĩ đã “đồng hành cùng cách mạng”. Này đừng bỏ rơi bạn đồng hành, coi chừng chúng tôi bỏ cuộc chơi đấy nhé. 
Điệp khúc này nữa thì gọi là thói kiêu binh văn nghệ sĩ.
Còn ông hoạ sĩ Trần Khánh Chương chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, cũng bức xúc về kinh phí hỗ trợ sáng tác. 
“Bây giờ cơ chế thị trường, nếu sáng tác các đề tài bảo vệ Tổ quốc thì không ai mua, đến bảo tàng, chính quyền cũng không mua”… “Dưa thì có thể giải cứu được chứ tranh thì không giải cứu được. Chúng tôi rất khổ. Giờ không ai muốn về đây làm. Tôi già rồi muốn có người thay thế nhưng đi mời chẳng ai chịu về” – ông Chương bày tỏ với thủ tướng. 
Hoạ sĩ Chương, hoà giọng cùng nhạc sĩ cổ Tô Ngọc Thanh, đe doạ thủ tướng: “cắt chữ chính trị thì rất nguy hiểm và các hội văn học nghệ thuật sẽ vỡ trận” !
Xưởng Phim Truyện bị bán: nữ nghệ sĩ mếu máo, nam đạo diễn kể công và đe doạ
Xưởng phim truyện Việt Nam rộng hơn nghìn mét vuông đất vàng ở Hà Nội bị cổ phần hoá cho Cty vận tải Thuỷ. Chủ mới đã tiếp quản, số cán bộ công chức Xưởng gan lỳ không chịu rời đi.
Tâm thư 50 cựu diễn viên 
Nữ nghệ sĩ Trà Giang mang bức tâm thư của 50 cựu diễn viên điện ảnh sân khấu đang ở Sài Gòn bay ra Hà Nội gặp Bộ trưởng Văn hoá- TT-DL.
Nội dung thư chủ yếu là dông dài kể công và tiếc nuối Xưởng phim:
“Một chị Tư Hậu với NSND Trà Giang, một chị Vân, một trung úy Phương với NSƯT Thụy Vân và NSND Thế Anh trong Nổi gió, một cô Thoan với NSƯT Minh Đức trong Người chiến sĩ trẻ, một anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám với NSND Đoàn Dũng trong phim cùng tên… Và còn hàng loạt các nhân vật được các nghệ sĩ thể hiện nhằm tôn vinh khí phách anh hùng, với tâm hồn cao cả của nhân dân ta.”… “Đây chỉ là mới điểm qua vài nhân vật lẫy lừng quanh chúng tôi hiện đang sống ở phía Nam này. Nếu kể cả phía Bắc thì e rằng không kể xiết. Đây là những tượng đài gây tiếng vang rộng lớn trong tâm hồn nhân dân ta và bạn bè trên thế giới”.  (trích đoạn)
Chúng ta thông cảm rằng các diễn viên sân khấu và điện ảnh vốn chỉ học phát âm hay và diễn xuất tốt theo lời thoại của nhà văn. Các anh chị vốn đã ít chữ, lại ít chịu đọc, ví như đọc thơ “DI CẢO” của Chế Lan Viên, Lưu Quang Vũ.v.v…
Bởi vậy các anh chị điện ảnh chiến tranh vẫn cứ “ăn mày quá khứ”, vẫn lầm tưởng mình là “điện ảnh cách mạng”. Tự thần thánh hoá bản thân, 50 anh chị bất chấp khán giả ngày nay đã nhìn nhận lại một thời điện ảnh minh hoạ. Xưởng phim nổi tiếng (cả miền Bắc chỉ có một xưởng phim thì đâu cần cạnh tranh với ai nữa !). Nó đã hết vai trò tuyên truyền minh hoạ. Bây giờ ở Xưởng, nhà văn không viết nổi kịch bản “điện ảnh cách mạng” thì dựng phim bằng gì ? Hàng năm XƯỞNG nặn ra vài bộ phim lẹt đẹt dở dở ương ương lại không phục vụ đắc lực cho đường lối chính trị. Đảng phát chán các anh chị rồi. Bây giờ thủ tướng chỉ cần tiền, đâu cần phim minh hoạ nữa.
Vốn là ít chữ nghĩa hơn người khác, các anh chị điện ảnh thường thích xài từ ngữ xáo rỗng, quen miệng “điện ảnh cách mạng”. Xin hãy gọi đúng danh xưng là “điện ảnh chiến tranh, điện ảnh nội chiến”. Xem lại phim của mình đi, có chất “cách mạng” gì đâu ?
Các nghệ sĩ “nhân dân, ưu tú” đã lãnh nhiều huân chương, huy chương, giải thưởng, đã hưởng đủ bổng lộc rồi. Chẳng lẽ, các anh chị cựu còn hùng hồn kể công mà không tự so mình với hàng triệu liệt sĩ, thương binh và hàng triệu nạn nhân da cam đã đến thế hệ thứ 3?
Diễn viên điện ảnh Minh Châu nổi tiếng với vai “Cô gái điếm sông Hương”, ký tên Tâm thư
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn gửi “tối hậu thư” cho thủ tướng
Đỗ Minh Tuấn là đạo diễn điện ảnh nhà thơ có tiếng ở Hà Nội. Bộ phim lừng danh nhất của anh là “Thằng cuội” và nhiều giải thưởng thơ, tiểu thuyết trong nước và giải điện ảnh trong ngoài nước.
Đạo diễn nhà thơ Đỗ Minh Tuấn ở Hà Nội bỏ qua Bộ trưởng, anh gửi Thư Ngỏ kiêm tối hậu thư cho Thủ tướng.
MỞ đầu THƯ NGỎ, đạo diễn kể chút công và khen thủ tướng 1 câu”:
“Là nghệ sỹ từng viết kịch bản và đạo diễn đưa Thủ tướng lên sân khấu “Lễ tưởng niệm các nạn nhân giao thông” lần đầu ở VN năm 2012, tôi biết Thủ tướng rất chân tình và sâu sát”.
Tuy nhiên, cũng không khá hơn gì 50 cựu diễn viên, anh Tuấn quá đề cao thành tích của điện ảnh “cách mạng” Việt Nam, nhằm “đánh” vào tình cảm của Nguyễn Xuân Phúc vốn là khán giả cũ của điện ảnh chiến tranh. Các vị quên rằng bây giờ ông Phúc đã là thủ tướng kinh tế rồi. Ông ấy còn phải lo túi tiền cho Đảng sống còn chứ.
Quả là một nhà thơ lãng mạn, trong thư ngỏ, anh gọi Xưởng phim truyện là “một ngôi đền nghệ thuật cách mạng lừng danh trong nước và thế giới”, “từng được Hồ Chí Minh đến thăm”.
Đồng thời đạo diễn cũng kể khổ theo chủ nghĩa hiện thực và đe doạ thẳng thừng:
Xưởng phim truyện Việt Nam bây giờ xảy ra cảnh thương tâm nhục nhã:
“Các nghệ sĩ bị bắt đi cửa sau chui lủi, không được đi cổng trước”…“Không thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra ở số 4 Thuỵ Khuê khi các nghệ sỹ bị dày xéo trắng trợn sôi sục căm thù vì bị xúc phạm thô bạo”, “Đã có lúc các nghệ sỹ thấy đạn xuyên qua cửa kính chỗ họ ngồi.”,.. “Đã có dấu hiệu sắp xảy ra một vụ án hình sự lớn từ sự phản ứng quyết liệt tức nước vỡ bờ của các nghệ sỹ…”.
Kết
Hùa theo cảm hứng tự hào của TBT Nguyễn Phú Trọng, tôi muốn kêu lên “Nền văn học nghệ thuật nước ta bao giờ được thế này chăng ?”.
Than ôi, sĩ khí văn nghệ sĩ nước Nam ngàn năm văn hiến đi đâu mất tiêu hết cả rồi?

Tin bài liên quan:

VNTB – Tư tưởng nghệ thuật đặc sắc của “Nỗi buồn chiến tranh” (kỳ II)

Phan Thanh Hung

VNTB – Cô tiên tặng quà năm mới

Phan Thanh Hung

VNTB – Sáng tạo và tự do trong sáng tạo

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo