Phạm Lê Đoan
(VNTB) – Phải từ ngày 30-3-2024 trở đi thì phạm nhân mới được quyền bày tỏ niềm tin tôn giáo qua kinh sách.
Tại Nghị định số 95/2023/NĐ-CP, từ đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, theo thẩm quyền, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký ban hành quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Tại Mục 1, Điều 4 của Nghị định bắt đầu có hiệu lực từ cuối tháng 3-2024, thì phạm nhân, người bị giam giữ được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là người bị quản lý, giam giữ) được sử dụng kinh sách xuất bản dưới hình thức sách in, phát hành hợp pháp để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân và được bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo bằng lời nói hoặc hành vi của cá nhân theo quy định của pháp luật về nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là cơ sở quản lý, giam giữ).
Nghị định 95/2023, cũng tu chỉnh việc cho phép việc quyên góp qua nội dung của Điều 25 về hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Theo đó, thứ nhất, người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tổ chức quyên góp để thực hiện hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước.
Thứ hai, trước khi thực hiện quyên góp, phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó nêu rõ mục đích, địa bàn, cách thức, thời gian quyên góp; phương thức quản lý và sử dụng tài sản được quyên góp.
Việc thông báo cũng phải tuân thủ theo trình tự như sau về thẩm quyền tiếp nhận: Trước khi tổ chức quyên góp 05 ngày làm việc, thông báo bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi tổ chức quyên góp đối với trường hợp quyên góp trong địa bàn một xã; Trước khi tổ chức quyên góp 10 ngày, có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến UBND cấp huyện nơi tổ chức quyên góp đối với trường hợp quyên góp ngoài địa bàn một xã, nhưng trong địa bàn một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;
Trước khi tổ chức quyên góp 15 ngày, thông báo bằng văn bản đến UBND cấp tỉnh nơi tổ chức quyên góp đối với trường hợp quyên góp không thuộc quy định trên.
Hoạt động quyên góp phải có sổ sách thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch. Tài sản được quyên góp phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích đã thông báo, phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.
Với những gì nêu ở Nghị định số 95/2023/NĐ-CP, là một minh chứng cho thấy lâu nay các phạm nhân hoàn toàn không được quyền gọi là “bày tỏ niềm tin tôn giáo” qua kinh sách. Ngoài ra với Nghị định 95/2023 cũng luật hóa về việc mở rộng quyền tham gia các hoạt động từ thiện của cơ sở tôn giáo trong một hành lang hẹp của những thủ tục hành chính được phân chia nhỏ trong quản lý.
Nghị định số 95/2023/NĐ-CP được ban hành để thay thế Nghị định 162/2017/NĐ-CP ban hành trước đó.