Hiền Vương
(VNTB) – Công an TP.HCM đề xuất từ năm 2023 trở đi, thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí điều trị mắt cho công dân tham gia nghĩa vụ quân sự.
Thượng tá Huỳnh Tấn Lê, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ Công an TP.HCM, cho biết năm 2022, Chính phủ giao chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là 4.759 công dân, trong đó chỉ tiêu công an là 959 nam, nghĩa vụ quân sự là 3.800 nam.
Căn cứ theo tiêu chí được giao, Công an TP.HCM đã vận động 1.182 công dân đăng ký. Trong đó có 725 trường hợp đạt tiêu chuẩn tuyển quân; 322 trường hợp cận mắt. Với công dân tham gia nghĩa vụ bị cận, thượng tá Lê cho biết Công an TP.HCM chủ động chỉ đạo công an địa phương xin ý kiến, hỗ trợ một phần kinh phí. Đơn vị đang hoàn tất hồ sơ tuyển quân năm 2022 theo luật nghĩa vụ quân sự.
Thượng tá Lê cho biết khó khăn nhất hiện nay của TP.HCM là hoàn thành chỉ tiêu được giao và hỗ trợ điều trị phẫu thuật mắt cho công dân mắt cận, dự kiến trung bình 30 triệu/ca phẫu thuật mắt.
“Để tạo điều kiện cho công dân gia đình hoàn cảnh khó khăn, Công an TP.HCM đề xuất từ năm 2023 trở đi, TP.HCM sẽ hỗ trợ kinh phí điều trị mắt cho công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ”, thượng tá Lê nói.
Thông tư 148/2018 của Bộ Quốc phòng quy định công dân sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt, tức cận trên 1,5 độ, viễn thị các mức độ; người nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS hoặc tình trạng sức khỏe trung bình, kém, rất kém (theo Thông tư 16 Bộ Quốc phòng) sẽ không được gọi nhập ngũ.
Số liệu khảo sát của Sở Y tế TP.HCM cho biết tỷ lệ học sinh trên địa bàn bị tật khúc xạ gồm loạn thị và cận thị khá cao, trong đó, phần lớn bị cận thị. Qua nhiều năm, học sinh bị cận thị chiếm 20 – 30%, tuỳ cấp học.
Các lập luận của những bên liên quan như nêu ở trên đều đưa ra viện dẫn để thuyết phục cho đề xuất, tuy nhiên ở đây dường như đã quên mất đến các quyền của người dân được ghi trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh, phiên bản sửa đổi 2017:
“Điều 12. Quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Được từ chối xét nghiệm, sử dụng thuốc, áp dụng thủ thuật hoặc phương pháp điều trị nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc từ chối của mình, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật này.
- Được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa kết thúc điều trị nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của người hành nghề, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật này”.
“Điều 66. Bắt buộc chữa bệnh
- Các trường hợp bắt buộc chữa bệnh theo quy định của Luật này bao gồm:
- a) Mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
- b) Bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác theo quy định của pháp luật.
- Việc bắt buộc chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về hình sự và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này”.
Tài liệu y khoa về chuyện “mổ cận thị” được đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế), tác giả là bác sĩ chuyên khoa II Lê Hồng Hà đã đưa ra những khuyến cáo như sau về kỹ thuật phổ biến nhất Việt Nam trong các ca mổ mắt cận thị: https://suckhoedoisong.vn/sau-phau-thuat-mat-bang-lasik-rui-ro-nao-co-the-xay-ra-169143445.htm
Trong các phương pháp mổ mắt cận thị, phẫu thuật LASIK là phương pháp được nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ sử dụng nhiều nhất vì ưu điểm diễn ra nhẹ nhàng nhanh chóng khoảng 2-5 phút mỗi mắt. LASIK viết tắt từ Laser Assisted in Situ Keratomileusis, là phương pháp phẫu thuật tiên tiến sử dụng laser excimer điều chỉnh bề mặt cong của giác mạc để điều trị các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị và loạn thị.
Khô mắt sau phẫu thuật LASIK là một trong những biến chứng thường gặp với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Đa phần bệnh nhân sẽ gặp phải chứng khô mắt kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm sau khi phẫu thuật.
Phẫu thuật LASIK tác động lên trên bề mặt của giác mạc và làm giảm tính nhạy cảm của các dây thần kinh thị giác. Chính vì vậy, tuyến lệ không nhận được tín hiệu để sản xuất đủ lượng nước mắt cần thiết cho sự bôi trơn và duy trì độ ẩm trên bề mặt giác mạc. Nếu không được khắc phục kịp thời, khô mắt sẽ trở thành một hội chứng mạn tính gây kích ứng mắt, tăng phản ứng viêm, thậm chí là để lại sẹo ngay trên bề mặt giác mạc.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, LASIK còn làm tăng nguy cơ ở những người chưa từng có tiền sử bị khô mắt và tình trạng này xảy ra với tỷ lệ khoảng 25% số bệnh nhân sau 6 tháng phẫu thuật LASIK. Đồng thời, nguy cơ tiến triển bệnh khô mắt có tương quan mật thiết với mức độ cận thị trước phẫu thuật và độ sâu của chùm tia laser khi điều trị. Chính vì vậy, mọi bệnh nhân cần được tư vấn kỹ về nguy cơ sau phẫu thuật LASIK, đặc biệt là những người bị cận thị nặng.
“Bệnh nhân có giải phẫu mắt không phù hợp: Phẫu thuật LASIK không phù hợp cho những người có mắt sâu, giác mạc quá mỏng, cấu trúc giác mạc bất thường như rất mỏng và phình ra theo dạng hình nón hay những vấn đề về giải phẫu mắt khác. Bệnh nhân có thị giác không ổn định: Bạn sẽ không thể phẫu thuật LASIK nếu áp lực trong mắt quá cao hoặc thị lực không ổn định” – bác sĩ Lê Hồng Hà nhấn mạnh.
Như vậy, trường hợp thanh niên bị cận thị có trình độ đại học nhận được lệnh gọi nhập ngũ kèm theo chỉ định điều trị mổ mắt, thì khi người ấy trong vai trò là bệnh nhân được bác sĩ tham vấn đầy đủ về phác đồ chữa trị, để rồi đưa đến việc bệnh nhân từ chối phẫu thuật, liệu khi ấy có bị coi là “cố tình chống lệnh nhập ngũ”?