Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quyền con người ở Việt Nam trong đại dịch Covid-19

Thới Bình

 

(VNTB) – Việt Nam đã không ‘thả’ bất kỳ ‘tù nhân lương tâm’ nào với lý do y tế là đề phòng dịch Covid lây lan cộng đồng.

 

Vấn đề trên không được đặt ra tại Hội thảo về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong bối cảnh dịch Covid-19 do Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hôm 15-12 nhân kỷ niệm ngày Nhân quyền 10-12.

Tại hội thảo, ông Phạm Quang Hiệu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nói rằng Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các chính sách, biện pháp hiệu quả, minh bạch, với ưu tiên hàng đầu là kiểm soát dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, bao gồm cả các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) mà Việt Nam chấp thuận.

Cơ chế UPR được ra đời từ năm 2008 và là một trong những thành công nổi bật của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc do được xây dựng trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, không phân biệt, thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia. Phía Việt Nam luôn tuyên bố rằng, “Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam đặc biệt coi trọng cơ chế UPR và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận”.

Trong chu kỳ trước, Việt Nam đã chấp thuận 80,2% số khuyến nghị nhận được, ban hành Kế hoạch tổng thể để thực hiện, và hoàn thành 96,2% trong số đó. Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn thực hiện và rà soát báo cáo cho chu kỳ tiếp theo, dự kiến bắt đầu năm 2023.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền năm 2019 của Việt Nam, công bố tháng 3/2020, cho biết như sau (trích):

“Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhà nước độc tài do một đảng duy nhất – Đảng Cộng sản Việt Nam – cầm quyền, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất được tổ chức vào năm 2016 đã diễn ra không tự do và không công bằng, mặc dù có sự cạnh tranh hạn chế giữa các ứng viên đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xem xét kỹ lưỡng.

Bộ Công an chịu trách nhiệm về an ninh trong nước và quản lý đội ngũ công an, một cơ quan điều tra an ninh quốc gia đặc biệt và các đơn vị an ninh khác trong nước. Quân đội nhân dân Việt Nam hỗ trợ các nhà chức trách dân sự cung cấp hoạt động cứu trợ vào những thời điểm xảy ra thiên tai. Chính quyền dân sự duy trì sự kiểm soát hiệu quả đối với các lực lượng an ninh.

Những vấn đề lớn về quyền con người ở Việt Nam bao gồm: việc tước đoạt sinh mạng trái luật hoặc tùy tiện của chính quyền; bị ép buộc đưa đi mất tích; tra tấn bởi nhân viên chính phủ; bắt và giam giữ người tùy tiện của chính quyền; tù nhân chính trị; những vấn đề lớn về tính độc lập của tư pháp; sự can thiệp tùy tiện hoặc trái luật vào đời sống riêng tư; những hình thức tồi tệ nhất của hạn chế tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do Internet, bao gồm bắt và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền, kiểm duyệt, đóng các trang mạng, ra các luật về hành vi phỉ báng mang tính chất hình sự; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do lập hội; hạn chế đáng kể tự do đi lại, trong đó có việc cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động; hạn chế sự tham gia chính trị; các hành vi tham nhũng lớn; cấm các tổ chức công đoàn độc lập; buôn bán người; sử dụng lao động trẻ em cưỡng bức.

Đôi khi chính quyền đã có hành động khắc phục, bao gồm việc truy tố đối với các quan chức vi phạm pháp luật; nhưng công an và các quan chức nhà nước thường vi phạm mà không bị trừng phạt” (xem đầy đủ tại *).

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có viết rằng, “Các đại diện ngoại giao của nước ngoài đã thực hiện các chuyến thăm tù nhân chính trị ở cả các trại tạm giam và trại giam. Các chuyến thăm này bị giám sát và không cho họ cơ hội đánh giá độc lập đối với các tù nhân hay đối với điều kiện trại giam”.

Năm nay là năm thứ hai Việt Nam triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam chấp thuận. Theo dự kiến, Việt Nam sẽ xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện về việc thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III vào cuối năm 2021 và Báo cáo UPR chu kỳ IV vào đầu năm 2024.

Tại Hội thảo về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong bối cảnh dịch Covid-19, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam và đồng Chủ trì nhóm công tác của Liên hợp quốc về Quản trị và Công lý – bà Caitlin Wiesen đã khuyến nghị trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục coi quyền con người và nhân phẩm là trọng tâm của mọi hành động; tiếp tục tập trung thực thi các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), các quy trình về công ước quốc tế về nhân quyền như là UPR, ICCPR, CRPD, CAT… (**)

_____________________

Chú thích:

(*) https://vn.usembassy.gov/wp-content/uploads/sites/40/2019-HRR-Vietnam.pdf

(**) UPR: The Universal Periodic Review, Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát.

ICCPR: The International Covenant on Civil and Political Rights, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.

CRPD: Convention on the Rights of Persons with Disabilities, Công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật.

CAT: United Nations Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment, Công ước chống tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác.

_______________________________________________________________________________________

Tin bài liên quan:

VNTB – Đóng góp tiền mua vắc xin: “kế hoạch nhỏ” kiểu mới!

Phan Thanh Hung

VNTB – Trung Quốc là tiền đồn của chủ nghĩa toàn trị

Phan Thanh Hung

VNTB – “Ai cũng có thể là F0!”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.