Hoài Nguyễn
(VNTB) – Con người có quyền đi lại, quyền làm việc, quyền mưu cầu hạnh phúc.
“Hiến pháp 2013, Điều 3.
Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Vậy thì với những gì xảy, đưa đến câu hỏi: Ai có quyền đóng cửa quốc lộ?.
Luật Quốc phòng phiên bản năm 2018, nói rằng để đóng cửa Quốc lộ thì phải có tình trạng khẩn cấp về Quốc phòng, hoặc là tình trạng thiết quân luật. Chỉ thị 16 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giờ ông Phúc là Chủ tịch nước), đâu có giao quyền đóng cửa Quốc lộ này cho các chính quyền tỉnh, thành phố đâu kia chứ?.
Bình thường là… bình thường, không ‘mới’ hay ‘cũ’
Trong chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” để trả lời trực tiếp các thắc mắc của người dân về chủ đề “Khôi phục kinh tế trong điều kiện bình thường mới”, bắt đầu từ 20g ngày 8-10-2021, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã ‘chốt hạ’ rằng:
“Qua 8 ngày hoạt động vừa qua, lãnh đạo thành phố mong muốn bà con cô bác, doanh nghiệp giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng thành phố khôi phục, nhanh chóng tiệm cận vị trí trước đây. Từ đây đến ngày 15-10, nếu tình hình dịch ổn định thì sẽ tính toán thêm, để không nói “bình thường mới” mà là bình thường”.
Vậy thì có phải “bình thường mới” là thời gian người dân đành chịu hạn chế của quyền đi lại, chỉ đến khi gọi là “bình thường” thì Điều 3 của Hiến pháp 2013 mới ‘trở lại’ hiệu lực?
Tin tức cho biết, sáng 9-10-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua; bàn nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch phục vụ phục hồi phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quyết liệt chỉ đạo để việc lưu thông và giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, cả hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt.
Bộ Giao thông vận tải tham khảo ý kiến các địa phương nhưng người quyết định phải là Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ Giao thông vận tải, đồng thời tăng cường kiểm tra, không để mỗi địa phương làm một kiểu.
“Dứt khoát trong tuần này phải làm thuận lợi nhất cho người dân. Việc này không nói lại nữa, nếu các đồng chí không làm được thì báo cáo lại Ban Chỉ đạo”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Hãy ‘trị’ bằng pháp luật, không tiếp tục bằng ‘ý chí chính trị’
“Luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Điều 1. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ sức khoẻ.
1- Công dân có quyền được bảo vệ sức khoẻ, nghỉ ngơi, giải trí, rèn luyện thân thể; được bảo đảm vệ sinh trong lao động, vệ sinh dinh dưỡng, vệ sinh môi trường sống và được phục vụ về chuyên môn y tế.
2- Bảo vệ sức khoẻ là sự nghiệp của toàn dân. Tất cả công dân có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân để giữ gìn sức khoẻ cho mình và cho mọi người”.
Từ căn cứ pháp lý ở trên, cho thấy hình ảnh diễn tả tiếp theo đây đã cho thấy quyền được bảo vệ sức khỏe của người dân đã bị chính quyền nhiều địa phương xâm phạm – báo Tuổi Trẻ số phát hành ngày 7-10-2021, ở bài “Những đứa con chưa tròn tháng cùng mẹ vượt hàng trăm km về miền Tây”, có đoạn:
“Người phụ nữ đầu quấn khăn rằn của dân tộc Khmer, hai bên tai nhét bông gòn tránh gió. Chị yếu ớt chuyền đứa con cho chồng.
“Vợ chồng tôi gom góp những đồng tiền cuối cùng trong nhà để về quê lần này. Phí thuê xe 2 triệu đồng, phí test nhanh Covid-19 cho vợ chồng chị và đứa con 10 tuổi là 700.000 đồng, cộng với phí sinh con gần 10 triệu đồng. Mặc dù không còn tiền, nhưng chỉ mong được về đến nhà cho con một giấc ngủ an ổn, an toàn”, chị Néang Noi nói.
Dù khó khăn là vậy, chị Néang Noi vẫn chưa nguôi ý định được đi làm kiếm tiền lo cho hai đứa con. Đợi khi dịch bệnh qua đi, khi chị hết thời gian hậu sản sẽ quay lại Bình Dương làm việc tiếp
(…) Chị Tư tâm sự: “Tôi vừa sinh con đầu lòng được 15 ngày, sau đó thuê xe từ Đồng Nai về An Giang với giá 5 triệu đồng. Vì nếu bây giờ không về, sợ rằng sẽ không về được nữa, còn nếu ở lại cũng không còn tiền để đóng trọ. Con tôi chưa đầy tháng, đi về cũng nguy hiểm, khó khăn, nhưng cũng phải ráng thôi, thấy mọi người về thì mình cũng về theo”…
“Luật Trẻ em, phiên bản 2018, Điều 12. Quyền sống
Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển.
Điều 14. Quyền được chăm sóc sức khỏe
Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh”.
Một câu chuyện kể thay lời kết
Không còn tiền đưa vợ vào bệnh viện sinh con, người chồng đành gọi điện thoại nhờ mẹ hướng dẫn rồi tự mình đỡ đẻ cho vợ ngay tại phòng trọ. Sau đó, hai vợ chồng đem con về quê.
Câu chuyện bắt đầu từ 3g sáng ngày 13-9, Kha Thị Ngọc Ánh (27 tuổi, quê xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An) đau bụng. “Lúc này tôi nói với chồng có lẽ em sắp sinh rồi. Nghe vậy, anh ấy vội gọi điện thoại cho mẹ nhờ hướng dẫn. Mọi người ai cũng nói cố lên, cố lên con” – Ánh kể. Lúc này, Ánh càng đau dữ dội nhưng chỉ dám nghiến răng, nước mắt rơi vì quá đau chứ không dám la hét, sợ làm chồng thêm lo.
Qua điện thoại, Lương Văn Bách (28 tuổi) được mẹ hướng dẫn cách đỡ đẻ, cắt dây rốn, tắm cho con… cứ thế Bách làm từng bước một. Đến 6g30, “mẹ tròn con vuông” trong tiếng thở phào của người thân ở quê nhà. Đến tối 13-9, một số người cùng khu trọ biết chuyện đã hỗ trợ ít tiền để Bách mua sữa, cháo cho vợ.
Chiều ngày 4-10, Bách mượn được 2 triệu đồng của người thân, vội đưa vợ đi xét nghiệm Covid-19, rồi sửa lại chiếc xe máy, hai vợ chồng tức tốc đem con lên đường về quê. “Vì không biết đường nên tôi chạy xe ra ngoài chốt, thấy xe biển 37 hỏi họ rồi cứ thế chạy theo đoàn” – Bách kể.
Chiến tranh vệ quốc kết thúc thắng lợi, nhà chính trị ngồi trên lễ đài tươi cười nhìn cả đoàn quân đang hân hoan trong buổi diễu binh mừng chiến thắng, chẳng mấy ai để ý về những bà mẹ già hay những người vợ trẻ đang rơi nước mắt khi nghĩ đến con mình/ chồng mình đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường xa…