Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quyền được lãng quên

Tử Long

 

(VNTBB – “Quyền được lãng quên” là một khái niệm quyền con người mới chỉ được biết đến nhiều trong khoảng hơn một thập niên gần đây.

 

Từ một đoạn clip

Trong tham luận “Hậu quả của việc bị báo chí xâm hại đời tư”, MC Đan Lê kể: “Từ ngày 21-3-2008, trên các trang web, blog đen xuất hiện một vài đoạn phim đồi truỵ, được lén lút phát tán, chuyền tay nhau. Tuy nhiên, báo điện tử Người đưa tin đã cố tình khai thác nguồn tin thất thiệt để đưa tin một cách chính thức trên trang thông tin điện tử của họ.

Mặc dù họ đã nhận được những thông tin phủ nhận của tôi nhưng vẫn cố tình đưa các tin thất thiệt đó lên trang báo để giật gân, câu khách và xuyên tạc câu trả lời của tôi nhằm “đánh lận con đen”, gây hiểu lầm cho độc giả. Việc làm đó đã vi phạm các quy định của Luật Báo chí.

Đặc biệt, báo điện tử Người đưa tin đã đăng tải hình ảnh của tôi và đặt bên cạnh là hình ảnh của cô gái trong đoạn phim đồi trụỵ tạo sự liên tưởng trực tiếp tới các hình ảnh xấu, là việc làm vi phạm nghiêm trọng quyền nhân thân của tôi, đã được quy định tại Bộ luật Dân sự.

Hơn nữa, việc làm này của báo điện tử Người đưa tin thực chất là tiếp tay, phát tán cho nguồn tin thất thiệt và văn hóa phẩm đồi trụy.

Cũng kể từ khi báo điện tử Người đưa tin, và một số báo khác cũng tham gia vào việc đăng tải các thông tin này làm sự bùng phát của thông tin này trên mạng gia tăng khủng khiếp, phát tán rộng rãi và phổ biến với tốc độ chóng mặt, gây ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến danh dự, nhân phẩm, cuộc sống và công việc của tôi.

Kể từ bài viết đầu tiên được đăng lên cho đến khi vụ kiện chính thức kết thúc, tôi mất trọn 3 tháng không làm bất cứ việc gì khác ngoài việc tập trung cho vụ kiện. Đó có thể coi là thời gian cứng. Còn thời gian mềm, tức là thời gian kể từ khi tôi bị báo chí lôi vào vụ việc bê bối cho đến khi người đọc, dư luận không còn xầm xì, dè bỉu, thậm chí công khai coi thường tôi thì cho đến nay vẫn không thống kê được.

Vì bản chất của truyền thông là thông tin trôi, người đọc chỉ quan tâm đến thông tin đầu tiên và nổi bật, không phải ai cũng theo dõi được một thông tin từ khi nó bắt đầu đến khi kết thúc nên đến tận ngày hôm nay, thi thoảng tôi vẫn bị lôi vào một vài bài báo có tựa để kiểu như “Những sao Việt vướng phải nghi vấn lộ clip phòng the”. Người làm trong giới truyền thông còn như vậy, nói gì đến công chúng.

Cũng như những ảnh hưởng về thời gian, phần thống kê được thiệt hại về vật chất là 3 tháng nghỉ không lương, kéo theo một loạt những chế độ của cán bộ công nhân viên nhà nước khi nghỉ không lương. Chi phí đi lại, in ấn, thuê luật sư… rất nhiều thứ mà tôi không còn nhớ đích xác nữa.

Và phần không thống kê được là những người làm công việc liên quan nhiều đến hình ảnh như tôi mà hình ảnh bị bôi nhọ thì cũng đồng nghĩa với việc sẽ hạn chế rất nhiều cho công việc cũng như thu nhập của mình? Dù khá nhiều lần phải né tránh do hoàn cảnh chưa thể công bố, nhưng tôi chính thức phải rời VTV với công việc đang ở thời điểm nhiều cơ hội, vì sự việc này.

Thiệt hại vật chất có thể tính được, còn những thiệt hại tinh thần mới thực sự là khủng khiếp. Đây là yếu tố bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tôi đã trải qua 3 tháng dài như 3 năm với vô vàn những bức xúc, tủi hổ và những cảm xúc bị dìm xuống đáy…” (dừng trích).

Kết cuộc thì với sự trợ giúp của luật sư Phan Thị Hương Thủy, nữ MC đã giành phần thắng với yêu cầu báo cải chính, xin lỗi theo quy định tại Điều 9 Luật Báo chí và bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo quy định tại Điều 611 Bộ luật Dân sự.

Lãng quên hay không còn tùy định hướng tuyên truyền

Câu chuyện về những ảnh hưởng của thông tin clip sex đối với nữ MC Đan Lê vẫn tồn tại trên mạng Internet, và các nền tảng lưu trữ dữ liệu trên mạng.

Xử trí những vấn đề như trên, là việc của “Quyền được lãng quên” (right to be forgotten) – một trong những quyền của cá nhân đối với các dữ liệu hay thông tin về bản thân mình, được đề cập nhiều trong khoảng hơn một thập niên gần đây, khi pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân được thừa nhận và ban hành rộng rãi trong các khu vực pháp lý.

Tuy nhiên thế nào là “quên” trên nền tảng mạng Internet cũng là một vấn đề đang tiếp tục được các chuyên gia công nghệ bàn cãi, và các nhà lập pháp ở các quốc gia đang tìm cách tiếp cận phù hợp dựa trên sự phát triển của công nghệ.

 Quyền được lãng quên bao gồm hai quyền cụ thể: một là quyền xóa dữ liệu (right to erasure); hai là quyền hủy niêm yết hoặc là quyền hủy tham chiếu (right to de-list/right to de-refer).

Theo báo cáo của tổ chức quyền thông tin Access Now, quyền được lãng quên là quyền trao cho chủ thể của thông tin (thông tin nhắc đến chủ thể, thông tin cá nhân chủ thể tự cung cấp…) quyền xóa bỏ, hoặc yêu cầu xóa bỏ toàn bộ thông tin liên quan đến mình khi họ rời bỏ một nền tảng hay một ứng dụng, hoặc bất kỳ thời điểm nào họ cho rằng các thông tin cá nhân đang bị xâm hại.

“Quyền được lãng quên” là tên thường gọi của một quyền được thiết lập lần đầu vào tháng 5 năm 2014 tại Liên minh Châu Âu theo một phán quyết của Tòa án Công lý Châu Âu.

Tòa án này phán quyết rằng luật bảo vệ dữ liệu của Châu Âu trao cho mỗi cá nhân quyền yêu cầu các công cụ tìm kiếm như Google xóa một số kết quả tìm kiếm cho những cụm từ tìm kiếm liên quan đến tên của một người.

Để quyết định nội dung nào cần xóa, các công cụ tìm kiếm phải cân nhắc xem liệu thông tin trong yêu cầu có “sai, thiếu, không phù hợp hay thừa” hay không và liệu phần thông tin còn lại không bị xóa trong kết quả tìm kiếm có đem lại lợi ích cho cộng đồng hay không.

Năm 2018, Liên minh Châu Âu đã áp dụng Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR). Điều 17 của Quy định GDPR quy định về “quyền yêu cầu xóa” tương tự như quyền được Tòa án Công lý Châu Âu công nhận theo luật cũ mà GDPR đã thay thế.

Tuy nhiên mối quan tâm của xã hội đối với một số thông tin nhất định thay đổi tùy theo trường hợp.

Nếu thông tin đó liên quan đến một nhân vật của công chúng, có sự ảnh hưởng nhất định trong xã hội, thông tin đó khó được xóa bỏ vì nhu cầu của công chúng để tiếp cận thông tin lớn hơn nhiều so với quyền riêng tư của cá nhân, hoặc những trường hợp tội phạm nghiêm trọng gây ra các hành vi tội ác dã man, khi đó nhân loại cần được nhắc nhở và ghi nhớ để lên án tội ác, đấu tranh cho các hành vi tội phạm không thể tiếp tục xảy ra trong tương lai.

Tính đến cuối tháng 3-2022, mặc dù Bộ Công an Việt Nam chỉ mới hoàn tất lần thứ hai về dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, song vẫn được đánh giá là đã thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của các nhà lập pháp Việt Nam trong việc pháp điển hóa quyền được lãng quên của cá nhân.


Tin bài liên quan:

VNTB –   Tự do tôn giáo có giới hạn không? (phần II)

Phan Thanh Hung

VNTB – Dân chủ, nhân quyền Việt Nam không kỳ vọng gì vào Nguyễn Phú Trọng.

Phan Thanh Hung

VNTB – EVFTA: sự hồ hởi của câu chuyện làm quà cho Tết con chuột

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo