Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quyền tự do chính trị

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – “Quyền công dân về chính trị” được nêu tại Điều 14.1, Hiến pháp 2013. Quyền chính trị này của công dân Việt Nam có tương đồng cách hiểu pháp lý của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 (ICCPR) mà Việt Nam tham gia từ ngày 24-9-1982? (1)

 


Bài viết xin bàn luận về quyền tự do chính trị nhìn từ các cáo buộc hình sự ở điều 117, Bộ Luật Hình sự đối với công dân Phạm Chí Dũng (2). Tham khảo (3).

Nhìn từ ICCPR

ICCPR, Điều 19 ghi: “1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.

2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.

3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội”.

ICCPR, Điều 20 ghi:

1. Mọi hình thức tuyên truyền cho chiến tranh đều bị pháp luật nghiêm cấm.

2. Mọi chủ trương gây hằn thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch, hoặc bạo lực đều phải bị pháp luật nghiêm cấm.

Như vậy, ‘quyền công dân về chính trị’ theo tinh thần của ICCPR, có thể tìm thấy ở Chương II Hiến pháp năm 2013.

Đơn cử, quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước (Điều 28). Đây chính là một điều khoản hiến định mà công dân Phạm Chí Dũng được bảo hộ, trong việc ông đã thể hiện quyền dân chủ trực tiếp qua hình thức các nội dung bài viết thể loại báo chí để “tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”, đúng như nội dung ghi ở Điều 28, Hiến pháp 2013.

Chương II Hiến pháp năm 2013 cũng đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của nhà nước và sự cam kết của nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân. Điều 28 xác định: “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội”.

Phản biện và thù địch

Từ góc nhìn qua lát cắt ở trên về luật hiến pháp, cho thấy quyền tự do chính trị nhìn từ các cáo buộc hình sự ở điều 117, Bộ Luật Hình sự đối với công dân Phạm Chí Dũng, rất cần các cơ quan hữu trách xem xét lại về nội hàm của dấu hiệu pháp lý; đặc biệt là với mối tương quan với Luật điều ước quốc tế trong thỏa thuận các FTA mà Việt Nam đã cam kết (4).

Trước hết, cơ quan tố tụng lâu nay vẫn thường lập luận về “Các dấu hiệu pháp lý của tội phá hoại cơ sở vật chất, kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, là việc cố ý đưa ra thông tin sai sự thật với dụng ý xấu. Thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân là thông tin, tài liệu, vật phẩm sai sự thật, bóp méo tình hình thực tế, được tạo ra với dụng ý nói xấu, bôi nhọ, vu cáo Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, gây ra sự ngộ nhận, hiểu lầm, mất hoặc suy giảm lòng tin cho đối tượng tiếp nhận, nghe, đọc, xem, nghiên cứu các thông tin, tài liệu đó.

Thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân là những thông tin, tài liệu, vật phẩm không đúng sự thật, được tạo ra với dụng ý gây sự hoài nghi, lo lắng, tâm lý bất an trong nhân dân.

Với cách hiểu quen thuộc ở trên, từ tìm hiểu các bài viết của công dân Phạm Chí Dũng còn lưu trữ trang trang web của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA – https://www.voatiengviet.com/z/4579), cũng như qua các hội luận video trực tuyến có sự tham gia của ông Phạm Chí Dũng, tư cách khách mời của Đài BBC (Anh Quốc), cho thấy chính thể hiện tại của Việt Nam tôn trọng quyền tự do chính kiến, tự do phát biểu trên cương vị cá nhân.

Cả VOA, BBC đều là kênh truyền thông được xác lập mối quan hệ ngoại giao với Hà Nội, nên đây không phải là kênh của ‘thế lực thù địch’.

Do vậy, bất ngờ việc bắt giữ và cáo buộc ông Phạm Chí Dũng về điều 117, Bộ Luật Hình sự, dễ tạo ngộ nhận về nhân quyền ở Việt Nam đang bị nhiều phe nhóm lợi dụng để ‘ra roi’ với nhau trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII. Điều này tương tự ở Hà Nội khi xảy ra ‘biến cố’ Đồng Tâm. Cả hai vị chủ tịch dân sự ở TP.HCM và Hà Nội dễ bị tai tiếng về vấn đề nhân quyền trong những cáo buộc hình sự kiểu đó.

Liệu có dấu hiệu của việc lập hội để tiến tới đảng chính trị?

Đây là vấn đề đặt ra trong trường hợp của người đứng đầu Hội nhà báo độc lập Việt Nam khi so sánh với Hội anh em dân chủ. Liệu có phải sẽ hệ lụy domino tương tự như vụ án từng xảy ra với Hội anh em dân chủ?

Những dữ liệu tổng hợp mà cá nhân người viết có được, cho thấy tôn chỉ của hai tổ chức hội đoàn dân sự này hoàn toàn khác nhau. Ở Hội nhà báo độc lập Việt Nam, tính đến thời điểm ngày 20 tháng 11 năm 2019, vẫn là hội đoàn thuần túy dân sự của hình thức vẫn hay được quen gọi là tổ chức phi chính phủ.

Quan niệm về tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam được diễn giải như sau trên trang web của Đoàn Luật sư TP.HCM (5): Là tổ chức tự nguyện của nhân dân, có tư cách pháp nhân: Tập hợp những cá nhân có cùng đặc trưng, cùng ngành nghề, giới, sở thích, nhu cầu v.v… Hoạt động một cách thường xuyên để thực hiện mục tiêu chung là không vì mục tiêu lợi nhuận. Hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật.

Theo quan niệm trên thì “đoàn thể nhân dân” bao gồm hầu hết các tập hợp tổ chức nhân dân như: Câu lạc bộ, Hội, Hiệp hội, Liên hiệp hội. Tổ chức phi chính phủ mang tính quốc gia National Non Governmental Organization. Gọi là NNGO tổ chức các thành viên đều mang một quốc tịch.

Hiểu nôm na, Hội nhà báo độc lập Việt Nam được thành lập với sự tham gia rộng rãi của bất kỳ ‘nhà báo công dân’, tương tự như miền Nam Việt Nam từ trước tháng tư, 1975 có Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, Hội ái hữu ký giả Việt Nam và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra: liệu có tham vọng về đảng phái chính trị đối lập từ các hội đoàn như Hội nhà báo độc lập Việt Nam?

Câu trả lời khá rõ ràng từ chính người đứng đầu tổ chức Hội nhà báo độc lập Việt Nam, là ông Phạm Chí Dũng không có bất kỳ bài viết nào đả kích người sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam. Trên trang Việt Nam Thời Báo, tính đến ngày 20 tháng 11 năm 2019, hoàn toàn không có bất kỳ bài viết nào đả kích, châm biếm hay phủ nhận về vai trò lịch sử của người khai sinh ra Đảng cộng sản Việt Nam, đồng thời cũng là người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đấu tranh cho dân chủ ngay trong chính nội bộ đảng chính trị

Ông Phạm Chí Dũng rất trung thành với cách nghĩ mà vị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến Hội nghị Versailles và Quốc hội Pháp vào năm 1919, bản yêu sách gồm 8 điểm. Bản yêu sách này khi đó đồng thời cũng được phát 100.000 bản trong Việt kiều và cho tất cả các báo chữ Pháp, chữ Quốc ngữ ở Sài Gòn. Gây tiếng vang lớn, ảnh hưởng lâu dài.

Cụ thể, 8 yêu sách mà Nguyễn Ái Quốc đưa ra và yêu cầu Chính phủ Pháp giải quyết là (khi đó Pháp đang đô hộ Việt Nam): 1- Ân xá toàn thể chính trị phạm Việt Nam. 2- Cải cách nền pháp lý Đông Dương, cho người Việt Nam cũng được bảo đảm về mặt pháp lý như người Âu, bỏ hẳn Tòa án đặc biệt, công cụ để khủng bố những người Việt Nam lương thiện nhất. 3- Tự do báo chí và tự do tư tưởng. 4- Tự do lập hội và tự do hội họp. 5- Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do ra nước ngoài. 6- Tự do học tập và mở các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp cho người bản xứ ở khắp các tỉnh. 7- Thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ luật pháp. 8- Phải có đại biểu thường trực người Việt Nam do người bản xứ bầu ra, ở bên cạnh Nghị viện Pháp để trình bày nguyện vọng của người bản xứ.

Có thể thấy, 8 yêu sách do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đưa ra là rất hay, đều hướng đến việc đòi quyền bình đẳng trong xã hội, đòi tôn trọng quyền con người, tôn trọng tù chính trị, tôn trọng quyền tự do báo chí, tự do tư tưởng… Và thế hệ tiếp nối là ông Phạm Chí Dũng, xem ra cũng đang cố gắng hướng đến việc góp ý để đảng chính trị hiện tại ở Việt Nam làm theo đúng các yêu sách đó của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Cái khác biệt lớn nhất giữa các bài viết ở Hội nhà báo độc lập Việt Nam với Hội anh em dân chủ, là Hội nhà báo độc lập Việt Nam phản ảnh thực trạng xã hội với yêu cầu cần có sự dân chủ, cạnh tranh công bằng trong chính nội bộ Đảng cộng sản, không chủ trương cổ súy đa đảng phái.

Cho đến nay, dễ nhận ra đường hướng đó của ông Phạm Chí Dũng tiếp tục được thể hiện qua các bài viết hiện tại trên trang Việt Nam Thời Báo.

________________________

Chú thích:

(1) https://moj.gov.vn/tttp/thongbao/Lists/ThongBao/Attachments/15/1.%20Cong%20uoc%20ICCPR%20-%20VN.pdf

(2) https://vietnamthoibao.org/vntb-chinh-phu-viet-nam-tra-loi-chuyen-gia-nhan-quyen-lhq-ve-viec-bat-giam-ong-pham-chi-dung/

(3) http://isee.org.vn/wp-content/uploads/2018/11/abc-ve-cac-quyen-dan-su-chinh-tri-co-ban..pdf

(4) http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpqen-toanvan.aspx?ItemID=11039

(5) http://www.hcmcbar.org/NewsDetail.aspx?CatPK=4&NewsPK=85

Tin bài liên quan:

VNTB – Về bài viết của báo CAND

Phan Thanh Hung

VNTB – Người dân Thủ Thiêm muốn trở về cất nhà đón Tết

Phan Thanh Hung

VNTB – Sự ngược đãi, bị cầm tù, sợ hãi?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo