VNTB – Quyết tâm chính trị” không mua được thuốc, không chữa được bệnh

VNTB – Quyết tâm chính trị” không mua được thuốc, không chữa được bệnh

Hồng Dân

 

(VNTB) – Dường như “quyết tâm chính trị” đã không giúp ngành y tế giải quyết được chuyện khủng hoảng thuốc men điều trị, đặc biệt là trong tình hình dịch tay chân miệng đang đe dọa.

 

Hiện tại, theo nhận xét của bác sĩ chuyên khoa 2 – Ông Huy Thanh – Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ thì nơi đây tiếp nhận bệnh tay chân miệng  tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, bệnh có khuynh hướng diễn biến chuyển độ nhanh và đã có trường hợp tử vong.

Trong hai tuần đầu tháng 6, bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ (nơi tiếp nhận bệnh nhi khu vực đồng bằng sông Cửu Long) điều trị gần 400 ca mắc tay chân miệng. Trong tháng 5, số ca là 490, tăng 140% so với tháng 4. Tính từ đầu năm, số ca điều trị là hơn 2.400 đến từ địa phương và các tỉnh lân cận.

Bác sĩ Ông Huy Thanh cho biết tính đến trung tuần tháng 6, nơi này còn 11 trường hợp mắc bệnh mức độ 3, 4 rất nặng đang được điều trị tại khoa Hồi sức Tích cực; 5 trẻ khác tại khoa Nhiễm được theo dõi sát. Lý giải nguyên nhân số ca tăng đột biến, ông Thanh nói đây là thời điểm bệnh vào mùa, đồng thời nhiều em nhiễm virus tay chân miệng nhóm E71, khiến bệnh trở nặng nhanh.

Tuy nhiên, đơn vị này gặp khó do Immunoglobulin – thuốc có tác dụng tăng miễn dịch để điều trị tay chân miệng đang cạn dần. Đây là thuốc mua qua đấu thầu, nhưng do số lượng bệnh nhi nặng tăng đột biến, nên các nhà cung cấp xoay xở chưa kịp. “Vì thế, trong 1-2 tuần tới, ca mắc tiếp tục tăng mà chưa có nguồn thuốc thì rất khó khăn cho việc tiếp nhận, chữa trị”, bác sĩ Thanh cho biết về lo lắng đó của y tế Cần Thơ.

Một số liệu khác ghi nhận từ Sở Y tế Cà Mau cho biết, số ca mắc tay chân miệng đang xuất hiện trên khắp các địa bàn trong tỉnh. 5 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã ghi nhận hơn 332 ca mắc tay chân miệng, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ ghi nhận 7 ca.

Tuy chưa có trường hợp tử vong nhưng số ca nặng gia tăng đáng ngại. Ngành y tế Cà Mau cũng đang gặp nhiều khó khăn khi một số thuốc điều trị đặc hiệu như Phenobarbital, Immunoglobulin truyền tĩnh mạch (để điều trị từ độ 2b trở lên) đã cạn kiệt do hết thầu và vẫn đang phải chờ làm thủ tục đấu thầu.

Tại Bạc Liêu, số liệu thống kê ghi nhận cho biết bệnh viện đa khoa Bạc Liêu hiện bình quân mỗi ngày ghi nhận từ 10 – 20 ca tay chân miệng, có 4 – 5 ca nặng từ độ 2b, độ 3, 4. Đặc biệt gần đây, bệnh viện tiếp nhận và điều trị 2 ca độ 4 phải lọc máu, thở máy.

Ở An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh…, số ca tay chân miệng ở trẻ em cũng đang gia tăng đáng báo động. An Giang ghi nhận 380 ca tay chân miệng từ đầu năm đến nay, tăng 14% so với cùng kỳ. Dự báo trong thời gian tới số ca mắc có khả năng tiếp tục tăng, đặc biệt vào thời gian học sinh trở lại trường cho năm học mới.

Trước đó, từ đầu tháng 6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã phát cảnh báo khẩn cho biết số ca mắc bệnh tay chân miệng đang có khuynh hướng gia tăng ở khu vực miền Nam cũng như TP.HCM trong 2 tuần lễ cuối tháng 5-2023, chủ yếu là trẻ từ 1-3 tuổi.

Cùng với việc phát hiện vi rút Enterovirus 71 (đặc tính lây lan nhanh, dễ gây bệnh nặng) là tác nhân gây bệnh nặng cho các trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP.HCM, các chuyên gia cảnh báo bệnh tay chân miệng năm nay diễn biến phức tạp.

Một nguồn tin khả tín cho biết hiện nay có 13 thuốc chứa Immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Theo báo cáo của các cơ sở nhập khẩu, số lượng thuốc Immunoglobulin tồn và có kế hoạch nhập khẩu về Việt Nam.

Đối với thuốc Human normal immunoglobulin 100mg/ml do Công ty Zuellig Pharma Việt Nam nhập khẩu, tính đến đầu tháng 6-2023 còn 2.344 hộp loại 250ml và 215 hộp loại 50ml. Dự kiến phải đến giữa tháng 8-2023 nhà sản xuất mới có thể tiếp tục cung ứng cho Việt Nam 2.000 hộp loại 250ml.

Đối với loại thuốc Immunoglobulin người 5% do Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Duy Anh nhập khẩu, tính đến đầu tháng 6-2023, bệnh viện Chợ Rẫy còn tồn 300 lọ. Dự kiến đến cuối tháng 7-2023 nhà sản xuất sẽ cung ứng cho Việt Nam 5.000 – 6.000 lọ.

Đối với thuốc Phenobarbital thì hiện chỉ có một loại thuốc Phenobarbital do Công ty cổ phần Dược Danapha sản xuất được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.

Ngoài ra, Cục Quản lý dược đã cấp phép cho Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương CPC1 nhập khẩu thuốc Barbit là thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt. Theo báo cáo của công ty sẽ có 21.000 ống thuốc (Phenobarbital 200mg/ml) về Việt Nam vào đầu tháng 7-2023.

Như vậy với tình hình trên cho thấy việc thiếu thuốc cho điều trị bệnh tay chân miệng đang là một cảnh báo minh chứng về việc hô hào “quyết tâm chính trị” chỉ dừng lại ở mức là những mỹ từ trang sức cho thể chế.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)