Út Sài Gòn
Kỳ 1: Không biết đường, tui chỉ cho…
(VNTB) – Người dân họ nói, cái này làm nhà không à, không có bán, cũng không có nhiều để mà bán. Mà nếu mình thích, họ chiết cho mình một ít. Rồi cuối cùng, họ cho mình luôn hai chai lít rưỡi…
Theo thông tin lượm lặt từ trang Tuyên giáo An Giang, vùng đất Nam Bộ ngày xưa được gọi là Thuỷ Chân Lạp để phân biệt với vùng đất gốc Lục Chân Lạp của người Khmer. Từ nửa sau thế kỷ VIII (đến năm 802) cũng bằng chiến tranh vùng đất Nam Bộ ngày xưa nằm dưới quyền kiểm soát của nước Srivijaya (của người Java).
Từ đầu thế kỷ XVII, trong bối cảnh Chân Lạp không đủ sức quản lý vùng đất phía Nam, đã có lưu dân người Việt ở vùng đất Thuận – Quảng đến Mô Xoài (Bà Rịa), Đồng Nai (Biên Hòa) khai khẩn đất hoang, lập ra những làng người Việt trên vùng này.
Năm 1620, chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái cho Quốc vương Chân Lạp Chey Chettha II. Chúa Nguyễn trở thành chỗ dựa cho vua Chân Lạp để đối phó với nước Xiêm. Đồng thời cư dân Việt ở vùng đất Nam bộ tự do khai khẩn đất, làm ăn sinh sống.
Năm 1623, Chúa Nguyễn đã lập thương điếm ở vị trí tương ứng với Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) để thu thuế. Vào thời điểm đó, cư dân Việt đã có mặt hầu khắp miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn.
Theo thời gian, in lên địa hình vùng đất Nam Bộ đó là những bước chân của dòng người di cư. Phong tục, tập quán, lề thói, nếp nhà, lối sống… cũng từ đó dần dần được hình thành cho phù hợp với hoàn cảnh. Vô hình trung, tạo nên một nét tính cách đặc trưng rất riêng của người Nam Bộ.
Nếu nói về tính cách của những cư dân miệt Nam Bộ, ắt hẳn, đã tốn không biết bao nhiêu công sức, giấy bút của những nhà nghiên cứu, của những nghiên cứu sinh, của những sinh viên…, có lẽ, cũng khó có thể nào nói một cách đầy đủ và trọn vẹn. Nhắc nhiều nhất, chắc vẫn là những tính cách quen thuộc như phóng khoáng, thân tình, vui vẻ, hoà đồng, biết dựa theo con nước mưu sinh…
“Đặc thù là một phóng viên, mình có dịp đi đây đi đó ở nhiều nơi. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, may mắn, cháu đã được đi hết 13 tỉnh ở nơi đây. Đến với mỗi vùng, đời sống người dân có thể khác nhau, song, ai cũng vui vẻ, thân thiện.
Nhớ lại, trong một lần công tác vào thời điểm mùa nước nổi, do kiến thức mình cũng hạn hẹp, lần đầu tiên thấy nước mắm cá linh, lạ. Tình thiệt, mình thừa nhận nào giờ không có biết đến nước mắm này, chỉ có thấy nước mắm cá cơm ở Phú Quốc thôi.
Cũng hỏi mua về cho gia đình. Người dân họ nói, cái này làm nhà không à, không có bán, cũng không có nhiều để mà bán. Mà nếu mình thích, họ chiết cho mình một ít. Rồi cuối cùng, họ cho mình luôn hai chai lít rưỡi. Cảm động trước tấm chân tình của bà con miền Tây”.
Không chỉ hiếu khách, người Nam Bộ còn luôn sẵn sàng giúp đỡ những khách phương xa khi đến quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Dễ thấy nhất, có lẽ là chỉ đường.
Có thể nói, việc hỏi đường – chỉ đường là hoàn toàn không xa lạ ở các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ. Nếu không sử dụng google map để dẫn đường (nhiều khi nó cũng dẫn đường tầm bậy), chỉ cần tạt vào một lề đường, một cửa hàng, một nhà dân hoặc hỏi xe đang chạy kế bên bạn…, nếu họ biết, sẽ nhận được một sự chỉ đường vô cùng tận tình, bất vụ lợi.
Một người bạn của Út Sài Gòn thắc mắc, ông cứ nói quá, hỏi đường rồi chỉ đường, có gì đâu. Ừ thì bình thường đó, nhưng không phải lúc nào cũng… làm được…
“Chạy nhiều tỉnh, có khi mình không biết đường, ghé hỏi bà con, được chỉ dẫn tận tình luôn. Không chỉ ở trong Nam không. Tưởng đâu cũng như thế. Bữa có lần ra Hà Nội, hỏi đường một người dân. Cái ổng chỉ một cái quán, tưởng kêu lại đó hỏi, ai dè kêu lại mua bản đồ coi đi. Mua xong, ổng mới chỉ. Hỏi ra mới biết, cái quán đó là của vợ ổng bán. Bó tay luôn”, một tài xế đường dài đã chia sẻ với Út tui như vậy.
Có thế mới thấy, việc tưởng chừng như đơn giản, giúp đỡ người khác đơn giản.
Vậy mà…