Hoàng Mai
(VNTB) – Bọc sách là để giữ cho sách mới, nhưng có những cái bọc, vô hình trung, thể hiện sự vô tình…
Không thể phủ nhận một điều, dạo quanh một vòng ở Sài Gòn, có không ít những nhà sách sẵn sàng “mở cửa” cho những độc giả được đọc sách, dĩ nhiên là với điều kiện quyển sách phải được nguyên vẹn sau khi đọc. Có những nơi còn trang bị những chiếc ghế cho người mê sách. Thế nhưng…
Cũng có những nơi, sách được bao bọc rất cẩn thận. Cẩn thận tới mức, mua về rồi, đem về nhà, để tự tay mở mà không có dụng cụ hỗ trợ, cũng thật khó khăn.
Thường xuyên đến nhà sách để lựa chọn những tác phẩm về đọc, bổ sung thêm kiến thức, sinh viên năm cuối Long Đức chia sẻ: “Đúng là có nhiều nhà sách cho bạn đọc thoải mái đọc, ưng ý rồi mua, hoặc đọc xong để lại cũng được. Nhưng cũng có những nơi, sách bọc rất kín. Mình muốn coi qua nội dung cũng không được. Đó là chưa kể bảo vệ mặt không chút cảm xúc, tò tò đi dòm dòm, coi khách hàng như ăn trộm, rất khó chịu.
Cá nhân tôi, không ủng hộ việc bọc sách. Vì sao? Vì theo tôi quan sát, có những bạn nhỏ, rất mê đọc sách, có khi mải đọc mà quên mất việc đang bán vé số luôn. Không có tiền, mấy bạn nhỏ thường vào nhà sách đọc ké. Nhà sách ở xa, cho đọc thì không đi bộ được. Còn nhà sách gần chỗ bán vé số thì không cho đọc, bảo vệ đi theo. Vậy làm sao mấy bạn nhỏ có thể đọc sách, làm giàu kiến thức được?”
Mục đích của những cái bọc sách thường là nhằm giữ cho sách được mới nguyên, được bảo quản cẩn thận hơn, hạn chế khỏi những va chạm dẫn đến hư hại sách, một kho tàng quý giá về kiến thức. Song, một vấn đề luôn tồn tại hai mặt của nó. Thiết nghĩ, việc bọc sách như vậy, không chỉ “hạn chế” những người không đủ tiền mua sách đến đọc sách mà còn “cản trở” người đi mua sách.
“Dù là một quyển truyện tranh, một tiểu thuyết hay bất kỳ một tác phẩm nào, người ta cũng cần phải coi sơ qua mới mua chứ. Cũng phải coi bên trong trang sách có bị dính không? Gáy sách có cứng không, có an toàn không, hay mới mua về đọc là bị bung gáy? Đó là chưa kể người ta phải coi sơ nội dung, coi lời đề bạt, lời giới thiệu này nọ, phù hợp với nhu cầu đọc, người ta mới mua.
Cầm lên một quyển sách được bọc kín mít, chỉ đọc được cái bìa 4, có những quyển bìa 4 không có gì ngoài hình minh hoạ thì biết có phù hợp với mình hay không? Sao mà mua được? Có những quyển giá tới mấy trăm chứ ít sao?”, cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Ngọc Minh chia sẻ.
Chợt nhớ lại câu chuyện về một ông chủ nhà sách mê sách mang tên Nguyễn Hùng Trương. Khai Trí khi đó là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam được bán theo kiểu “tự chọn”, khách vào có thể lấy sách đọc thoả thích rồi có thể đi ra dù mua hay không mua.
Và trên một trang báo viết về ông Khai Trí đã mô tả về nhà sách như sau:
“…hai căn nhà rộng thênh thang trên đại lộ Bonard của nhà sách Khai Trí luôn mở toang các cửa, sách được phân chia từng loại trưng bày rộng rãi trên các kệ sắt. Người mua tha hồ lấy xem, lựa chọn và dù khách mua hay không mua, khi ra về đều nhận được cái nghiêng đầu nhẹ nhàng và cụ cười cảm ơn rất thân tình, lịch sự của những cô nhân viên trẻ đẹp, mặc áo dài màu xanh dương thanh lịch…”