VNTB – Sài Gòn bao dung: Qua Tết, có còn gặp lại?

VNTB – Sài Gòn bao dung: Qua Tết, có còn gặp lại?

Hoàng Mai

 

(VNTB) – Rồi mình hỏi ghe thì sao? Họ kêu bán cho mấy người mua chụm củi đi.

 

Những đợt bắt bớ con số cả ngàn người trong một đêm ở chợ Bình Điền; những mưu sinh gián đoạn; những ám ảnh lúc nào cũng có thể bị đi cách ly bởi con số F0 ngày càng gia tăng; những hồi hộp với tiếng xe cấp cứu, những hình ảnh các cỗ quan tài được chở đi ngoài đường… làm cho cái không khí ấy ngày một căng thẳng…

Có những cái gặp mặt trước ngày 9-7-2021, lại trở thành cuối cùng khi đầu tháng 10, tìm để gặp lại nhau… không còn nữa…. Càng đau xót hơn, khi đã cố gắng chèo chống vượt qua không chỉ là dịch bệnh mà còn là khó khăn trong cuộc sống những ngày tháng qua.

Tại con đường nằm nép mình bên bờ sông ở quận 8, Sài Gòn, có một xóm nghèo, sống quanh năm trên những chiếc ghe cũ kỹ, ọp ẹp.

Gọi là xóm, thế nhưng, không như làng xóm trên bờ, ở đây, chỉ độ tầm 7-8 ghe. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện hộ dân, có thể con số lên tới hơn chục.

Đa số họ đều là dân miền tây (An Giang, Đồng Tháp…). Họ “trôi dạt” từ Biển Hồ ở xứ Campuchia, quê hương không còn nhà ở, lặn lội gia đình lên Sài Gòn tìm đường sinh sống. Trải qua bao khó khăn từ cuộc sống, từ dịch giã, theo ghi nhận, xóm ghe không có người nào nhiễm bệnh Covid-19.

Niềm vui không nhiễm Covid ấy, niềm vui được đi làm lại chưa bao lâu thì giờ đây, họ lại phải đối diện trước một “con dao” vô hình lơ lửng: bị cưỡng chế.

Dựa trên lời kể của một người dân tại xóm ghe này, thuở ban đầu, họ sống ở khu chợ Bình Điền. Dần dà, quy hoạch, họ lại một lần nữa “trôi dạt” xuống khu vực này. Giờ đây, họ lại bị hăm he sẽ bị cưỡng chế di dời đến từ chính quyền địa phương. Và đi lần này, không biết, họ sẽ về đâu?

Ngậm ngùi trong chia sẻ, bà Mai kể: “Họ tính bứng mình đi trước dịch vài ngày. Cái rồi dịch bùng lên, họ không có thời gian để làm việc này. Khi mà ổn, họ mới trở lại đây cách đây vài ngày, đề nghị mình dọn đi, không thì họ sẽ cho máy xúc đến cưỡng chế di dời. Mình không phải không tuân thủ nhưng biết đi đâu bây giờ? Rồi mình hỏi ghe thì sao? Họ kêu bán cho mấy người mua chụm củi đi. Buồn chứ. Dù sao ngày xưa cũng mua hai cây vàng, rồi gắn bó bao lâu nay, nó cũng giống như cái nhà vậy. Đời mình, đời con rồi giờ đến cháu nữa, sinh ra và lớn lên”.

“Quận 2 có thể không thỏa đáng nhưng chí ít họ còn đền bù, còn tái định cư. Một số nơi tôn giáo, đền bù khoảnh đất khác để xây dựng lại. Dẫu biết rằng đúng là bà con xóm ghe không có hộ khẩu thật, nhưng dẫu sao cũng còn chữ tình mà. Cũng là người Việt Nam, cũng máu đỏ da vàng, và hơn hết, cũng là đồng bào cùng ở quận 8 mà”, ông Minh, một cư dân ở quận Bình Thạnh bức xúc.

“Cũng không biết được Tết này sẽ như thế nào? Qua Tết sẽ ra sao? Có còn gặp lại nhau nữa hay không? Rồi thằng cháu nội bị ung thư, không có điện, không hút đàm được, cũng không biết ra sao? Nay còn gặp, qua Tết chắc là…”, bà Hiếu, một cư dân xóm ghe cười trong nỗi buồn.

Dân gian có câu “an cư lạc nghiệp”. Dù chỉ là cái ghe cũ kỹ, có nơi phải chắp vá để sống qua ngày, song, đây chính là cái nhà của họ. Trong một tương lai gần, nếu như chính quyền quận 8 dùng áp lực để giải tỏa, không biết rằng, những con người ở đây sẽ đi về đâu? Rồi ngoài đường, gầm cầu, hay dưới mái hiên nhà, dưới trạm xe buýt, lại sẽ thêm nhiều hơn nữa những con người không nơi nương tựa.

Dẫu biết rằng có thể vì văn minh, vì đô thị, song, nếu như hành động cưỡng chế xảy ra mà không có bất kỳ sự giúp đỡ nào về tái định cư (như bên quận 2), có thể nói, đây là một hành động không còn tình người…

*Một vài hình ảnh xóm ghe trưa ngày 24-12-2021. Có thể đây là mùa Noel cuối cùng của những đứa trẻ xóm ghe tại vùng nước này.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)