Một ngày trong giai đoạn Sài Gòn bị phong tỏa vì dịch bệnh, tôi nhận được lời nhắc mà anh Phạm Chí Dũng phó thác từ trại giam: Anh viết một bài thơ về niềm tin nơi Thiên Chúa, và mong được nghe nó vang lên như một bài hát.
Trong phiên xử Tháng Một 2021, Phạm Chí Dũng đã nhận bản án 15 năm và im lặng không kháng án – sự im lặng mà bà Renate Künast, dân biểu Liên bang Đức, mô tả là “bàng hoàng” khi nghe tin. Dường như thay vì dành thời gian kháng án, Phạm Chí Dũng đã tận dụng để nghiền ngẫm sáng tác thơ. Có lẽ xuân này, đó là bài thơ mà anh không chỉ hát cho mình mà cho cả những người đang chia sẻ không gian ngục tù cùng anh. Vậy thì tôi nghĩ mình cũng không được phép chậm trễ hơn để giới thiệu về bài hát này.
Có một Phạm Chí Dũng rất khác mà tôi biết, kể từ khi nghe tin anh bị bắt cho đến hôm nay, nhất là khi biết anh lặng lẽ chọn Thiên Chúa làm người dẫn đường tinh thần cho mình. Trong suy nghĩ riêng, tôi luôn thấy Phạm Chí Dũng là người duy lý. Điều đó khiến anh trở thành là một người tranh luận đáng gờm, từ khi anh còn làm công việc kiểm soát báo chí ở Sài Gòn, cho đến khi anh trở thành người phản tỉnh và đốt lên ngọn đuốc với việc thành lập một tổ chức truyền thông tự do ngay trong lòng một thể chế độc đảng.
Tôi nhớ thời còn làm báo, có lần thấy anh Dũng vào tòa soạn Tuổi Trẻ, tay mang theo chiếc cặp tài liệu và lạnh lùng chất vấn những người chịu trách nhiệm nội dung. Anh hỏi gằn, có lúc đập bàn lớn tiếng: “Các anh không thấy những điều này là dẫn đến nhà tù à?”. Cả đám phóng viên mới vào đều xanh mắt, thì thào về những điều cấm kỵ không thành văn của chế độ. Lúc đó, Dũng quả thực là một nhân viên cần mẫn, đắc lực, tận tụy phục vụ cho hệ thống báo chí một chiều.
Thế rồi Phạm Chí Dũng đột nhiên thay đổi với những bài viết bình luận không thuận đường lối quan điểm nhà nước độc tài cộng sản và sau đó còn tuyên bố ra mắt Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Điều này khiến không ít người nghi ngờ là “trò chim mồi”. Phạm Chí Dũng đã thể hiện bản lĩnh để đi qua những điều đó. Còn nhớ trong lần gặp mặt mừng Tân niên 2016 do Tổng Lãnh Sự Anh tổ chức tại Sài Gòn, tôi đến và gặp Phạm Chí Dũng (buổi họp mặt qui tụ toàn “thành phần phản động”, có giáo sư Hoàng Dũng, ông Hạ Đình Nguyên, ông Huỳnh Kim Báu, nhà báo Mạnh Kim…).
Tại cuộc gặp, Dũng hào hứng nói với mọi người về Hội Nhà báo Độc Lập và những dự kiến. Đột nhiên anh nhìn tôi, cười và hỏi nhanh: “Tuấn Khanh có nghe người ta nói gì về mình hay Hội Nhà báo Độc lập không?”. “Anh muốn em nói thật à?” – tôi hỏi lại. “Ừ, thì mình cần thông tin thật mà”. Tôi ngần ngừ rồi cười: “Không ít người nói anh giống như chim mồi trong cuộc chơi dân chủ thông tin này!”. Phạm Chí Dũng cau mày nhưng không nói gì. Chắc chắn anh đã nghe những điều này, nhưng để nghe trực tiếp như vậy, cũng không dễ chấp nhận. Dù vậy, anh không đặt lại câu hỏi chất vấn phủ đầu, cũng không đập tay dữ dội như trước. Anh đã thật sự bước vào con đường tôn trọng tiếng nói đa chiều và biết lắng nghe chứ không còn thói quen thể hiện quyền lực thị uy người khác.
Tôi bắt đầu theo dõi anh Phạm Chí Dũng nhiều hơn, từ những bài phân tích thời sự đến các cuộc trò chuyện trực tuyến… để có thể hiểu anh rõ hơn. Không thể không nhận ra ở Phạm Chí Dũng có ba điểm đặc biệt đáng nể: trí nhớ kinh khủng về các dữ kiện, lập luận phân tích tại chỗ với mọi vấn đề, và sự hiểu biết sâu sắc về hệ thống mà anh từng phục vụ và rời bỏ. Điều mà Phạm Chí Dũng làm được, gây khó chịu không ít với những người kiểm soát báo chí Việt Nam, là thực hiện loạt bài nhận dạng và bình luận đúng các vấn đề trọng yếu xảy ra ở Việt Nam, từ Luật An ninh mạng, Luật Xã hội Dân sự, đến Luật Công đoàn Độc lập… Tất cả đều xoáy thẳng vào vấn đề và trực tiếp chỉ thẳng vào hệ thống chứ không phản biện lan man.
Phạm Chí Dũng đã để lại giá trị gì từ những gì mình làm? Có lần nghe anh tâm sự: “Chính đảng viên là những người theo dõi thường xuyên nhất các bài viết của mình. Thậm chí cánh công an cũng vậy. Những công an về hưu tiết lộ cho mình biết như thế. Không đâu xa, ngay một sĩ quan công an về hưu ở phường mình cư trú cũng nói rằng ông theo dõi thường xuyên bài vở trên Việt Nam Thời Báo và đồng tình với những luận điểm khách quan của Hội Nhà báo Độc lập”.
Dù vậy, tôi có lần lại làm anh chựng một lần nữa khi nói với anh: “Có những kẻ hoặc tổ chức chọn cách phản biện để nhận được sự chú ý, sau đó tìm đến thỏa hiệp với chính quyền, khác biệt với những gì họ khởi đầu”. Tôi nhớ lúc đó anh chỉ cười rồi trả lời: “Sự chỉ trích mang tính ôn hòa không có nghĩa Hội Nhà báo Độc Lập đang tìm con đường thỏa hiệp với Đảng cộng sản. Hội Nhà báo Độc Lập không bao giờ có quan điểm đó”. Năm 2018, anh gọi điện mời tôi tham gia Hội. Tôi từ chối: “Để em đứng một mình đi, tính em điên điên kiểu văn nghệ và vô kỷ luật, lại hay nói thẳng dễ gây bất hòa. Cho nên để em ủng hộ anh từ bên ngoài thì tốt hơn”. Anh không vui nhưng cũng bày tỏ sự tôn trọng quyết định của tôi.
Đó là thời điểm mà cuộc đời cựu đảng viên Phạm Chí Dũng, xuất thân từ gia đình truyền thống cộng sản, bắt đầu gặp lao đao. Anh liên tục bị chặn cửa, ép quay về mỗi khi thành phố có biểu tình chống Trung Quốc, khi có hội họp, khi có các phái đoàn nhân quyền quốc tế đến Sài Gòn… Anh cũng không khác gì bạn bè tôi hay cá nhân tôi vào lúc đó. Anh là một phần của những người muốn cất lên tiếng nói khác biệt. Anh đã là một con người thật sự khác. Nói theo kiểu nhà văn Dương Thu Hương là “chọn ngồi bệt xuống cỏ với nhân dân và đối diện với chính quyền”.
Tôi tin vào những đổi thay và sự chọn lựa nên tôi thấy ở Phạm Chí Dũng một hình ảnh mới mẻ nhưng quen thuộc: quyết liệt và tự giành phần chủ động nơi suy nghĩ và lý tưởng mà mình chọn phục vụ. Lịch sử hiện đại Việt Nam đã cho thấy nhiều điều “khác” thú vị như vậy. Chẳng hạn trường hợp một số cán bộ tôn giáo cấp cao như ông Đỗ Trung Hiếu (với Phật Giáo) hoặc ông Nguyễn Hoàng Đức (với Công Giáo).
Nếu vài năm trước, nghe tin anh bị bắt, có lẽ tôi sẽ ngạc nhiên, bởi vẫn mơ hồ suy nghĩ ngớ ngẩn rằng sau lưng anh có “thế lực” nào đó chống đỡ. Nhưng Tháng Một 2021, khi biết cái án 15 năm tù mà anh không buồn kháng cáo, tôi thấy mình như hiểu anh nhiều hơn. Đến khi đọc được bài thơ mà anh chọn Thiên Chúa là người dẫn dắt đời mình, mọi thứ bắt đầu hiện ra như là điều diệu kỳ nhưng hợp lý của cuộc đời. Anh chọn Chúa làm lý tưởng, đối lập với con đường vô thần đã qua thì rõ ràng anh đang khát khao nối dài con đường mình đã thay đổi, đã chọn, với một niềm tin mới.
Tôi điểm lại, thấy mình cũng được dẫn vào một cung đường lạ lùng. Tất cả những cái tên như Trần Huỳnh Duy Thức, Tô Hải, Phạm Chí Dũng… đều gửi gắm tôi những tiếng hát không thành lời của họ. Lại nhớ Phạm Đoan Trang. Trước khi đi tù, cô ấy nói: “Em không sáng tác được nhưng anh có bài nào cho em thì đưa em hát với”. Tôi chưa kịp đưa thì Trang đã không còn ở bên ngoài. Tất cả những con người ấy, chẳng phải họ đã hợp thành một dàn hợp ca cất lên bài ca lớn, âm vang mỗi ngày, với khát khao thức tỉnh trong niềm hy vọng hay sao?
________________
Ghi chú:
* Đỗ Trung Hiếu: Cán bộ cấp cao thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, có trách nhiệm kiểm soát Phật Giáo sau năm 1975, trở thành người bất đồng sau khi chính quyền cộng sản hủy bỏ Giáo hội Phật Giáo Thống Nhất. Cuối cùng ông xin ra khỏi hệ thống vào năm 1990.
* Nguyễn Hoàng Đức: Cán bộ đặc phái Phòng Tôn giáo, Cục Chống Phản Động của Bộ Công an, người trực tiếp kiểm soát Đức Cha – Hồng Y Nguyễn Văn Thuận trong thời gian bị cầm cố ở miền Bắc (1976-1989). Ông đã được cảm hóa, xin theo đạo, và ra khỏi ngành.
Nguồn: Saigonnhonewss