Ngọc Lan
(VNTB) – Tỷ lệ tử vong vì Covid trong ngày 3-3 của TP.HCM tăng 100%.
Số ca mắc Covid-19 mới tiếp tục tăng cao trong ngày 4-3, cả nước ghi nhận 125.587 ca mắc mới, trong đó Hà Nội có 21.395 ca mới, TP.HCM trở lại mốc trên 3.100 ca. Nhiều tình thành hơn 3.000 đến hơn 6.000 ca.
Tử vong vì Covid ở TP.HCM hôm 3-3 là 2 ca, tăng 1 ca so với hôm trước đó.
Giờ này năm rồi, là thời gian bắt đầu các bài viết phản biện chính sách “zero Covid” trên mạng xã hội từ những bác sĩ làm việc ở các phòng mạch tư. Sau đó là giai đoạn bị “kỳ thị” khi người nào ‘thú nhận’ từng là F0 sẽ bị phía đối diện nhanh chóng tìm cách tránh né ngay tức khắc.
Hôm 3-3, con số nhiễm mới Covid trong cả nước đã lên trên 100.000 người/ngày, nhưng xem ra bầu trời vẫn tươi sáng, không còn u ám và đầy tử khí như trước, dù ở TP.HCM đang trở lại mốc trên 3.100 ca nhiễm mới về Covid.
Ngược dòng thời gian
Ngày 30-5-2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã họp khẩn với TP.HCM để triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19. Sau cuộc họp này là lệnh phong tỏa quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc của quận 12 theo nguyên tắc gia đình cách ly gia đình, khu phố cách ly khu phố, phường cách ly phường.
Cùng với phong tỏa là yêu cầu “cố gắng 1 ngày lấy ít nhất 50.000 mẫu đơn”, tức chọt ít nhất 50 ngàn người dân Sài Gòn mỗi ngày để tìm kiếm con Covid.
Ngày 6-7-2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, có Công điện số 914/CĐ-TTg “về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện mục tiêu kép”.
Công điện này yêu cầu, “Đối với Thành phố Hồ Chí Minh trong khi toàn bộ Thành phố chưa được coi là vùng dịch thì tất cả những trường hợp đến từ, đi qua các khu vực chưa được công bố là vùng dịch đều phải khai báo y tế bắt buộc; chính quyền địa phương nơi đến phải lập danh sách quản lý, điều tra dịch tễ và có quyết định cách ly, xét nghiệm, theo dõi sức khỏe phù hợp với kết quả điều tra dịch tễ”.
Diễn biến tiếp theo trong thực hiện Công điện 914 là kể từ tối 26-7, người dân TP.HCM tuyệt đối không ra đường sau 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.
Chiều 30-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay cập nhật đến thời điểm này, TP.HCM có tổng cộng 4.206 địa điểm phong tỏa trên địa bàn. So với 3 ngày trước đó, TP.HCM tăng thêm 608 điểm phong tỏa, từ 3.598 điểm lên 4.206 điểm.
Hơn một tháng sau Công điện 914, với viện dẫn: “Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 86/NQ CP ngày 6-8-2021 của Chính phủ, Chỉ thị số 12 – CT/TU ngày 22-7-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch số 2715/KH UBND ngày 15-8-2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố tiếp tục nâng cao các biện pháp với phương châm “mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch”, một lệnh tiếp theo được ban ra: Từ 0g ngày 23-8, TP.HCM sẽ tăng cường biện pháp chống Covid-19 với yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó”, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố…
Nhà chức trách giải thích, việc “ai ở đâu ở yên đó” lần này đồng nghĩa không còn các dịch vụ ‘shipper’ giao đồ tại nhà mà giao hết cho một lực lượng quân đội – dân quân tự vệ; một số lý do ra đường như trước đây được coi là “thiết yếu” cũng sẽ được các lực lượng công an, quân đội kiểm soát chặt hơn. Người dân sẽ phải ở yên trong nhà; mọi nhu yếu phẩm, thuốc men, chăm sóc sức khỏe sẽ do lực lượng công an, quân đội và y tế tiếp tế, xử lý.
Vấn đề nằm ở ‘cái đầu’ lãnh đạo?
Sau này, trong một lần ‘công khai’ vào trung tuần tháng 10-2021, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên kể khi đó, TP.HCM chưa có vắc-xin nên chỉ tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến. “Ai khỏe vượt qua, ai bệnh nằm viện, cái đó tạo ra căng thẳng cực lớn. Phải ngăn chặn nguồn lây, giữ F0 lại nhưng giữ không biết làm gì”, ông Nguyễn Văn Nên nói.
Với thầy thuốc thì “giữ F0 lại nhưng giữ không biết làm gì” đã được họ cảnh báo ngay từ đầu của cách làm khiến lây lan càng thêm dữ dội hơn, đặc biệt là tử vong vì cảnh ngăn sông cấm chợ.
Trên tài khoản facebook của bác sĩ Phan Xuân Trung rất nhiều lần phân tích về những sai lầm chồng chéo lên nhau, và ông lấy dẫn chứng từ chính sách cách ly tập trung và phong tỏa ở Việt Nam: “Có rất là nhiều sai lầm mang tính chất hệ thống, chồng chéo lên nhau. Đã ‘cách ly’ thì mang tính chất ‘cô lập’ bệnh ra khỏi cộng đồng, tuy nhiên có chữ ‘tập trung’ thì nó làm cho lây lan giữa những người không có bị nhiễm với nhau hoặc là tạo ra những phong tỏa kéo dài. Rồi có những chính sách làm cho cơ sở y tế bị phong tỏa khi mà có bóng dáng một F0 nào đó đi qua, nó làm cho tê liệt tài nguyên y tế…”.
Sau này khi nhớ lại thời gian đã qua của chuyện phòng chống dịch giã, ông Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM kể, giai đoạn đầu vào tháng 5-2021, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng ở cấp độ 1, tức là dưới 20 ca mắc/100.000 dân/tuần. Tuy nhiên, chỉ sau tuần, chỉ số lây nhiễm đã chuyển sang cấp độ 2, từ 20-50 ca mắc/100.000 dân/tuần. Số ca mắc trong tuần tăng nhanh từ 1.674 ca/tuần lên 3.317 ca/tuần, tử vong tăng từ 7 ca/tuần lên 20 ca/tuần.
Đến ngày 7-7, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng đã chuyển sang cấp độ 3, từ 50 đến dưới 150 ca/100.000 dân/tuần. Đây cũng là thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất, số ca mắc mới mỗi ngày vượt con số 3.000.
Sau đó, TP.HCM bắt đầu thực hiện chỉ thị số 16. Tuy nhiên, dịch bệnh lây lan rất nhanh, cho đến ngày 16-7, tình trạng dịch của TP.HCM tiếp tục chuyển sang cấp độ 4, trên 150 ca/100.000 dân/ngày. Số ca nhập viện tăng nhanh từ 3.317 ca/tuần đến 11.069 ca/tuần, số ca tử vong tăng nhanh mỗi ngày.
Tính đến ngày 17-8-2021, TP.HCM đã thành lập 25 bệnh viện dã chiến và chuyển công năng 54 bệnh viện nhưng tình hình tử vong vẫn tiếp tục tăng cao. Từ 18-8 đến 24-8, số tử vong tăng lên đến 2.105 ca/tuần.
Ngày cao điểm trong tháng là 28-8, số ca mắc mới lên đến 17.403 ca, cùng lúc đó TP.HCM phải chăm sóc cho hơn 104.000 F0, trong đó có gần 40.000 F0 nặng.
Đến 19-10, sau gần 3 tuần lễ không còn lệnh ngăn sông cấm chợ, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, số mắc mới mỗi ngày giảm dần sau ngày 1-10 đến ngày 19-10, TP.HCM chỉ còn 968 ca mắc mới, chăm sóc cho 28.000 F0.
Và chuyện bây giờ
Tính từ 16g ngày 3-3-2022 đến 16g ngày 4-3-2022, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19, ghi nhận 125.587 ca nhiễm mới, trong đó 19 ca nhập cảnh và 125.568 ca ghi nhận trong nước (tăng 6.788 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 79.992 ca trong cộng đồng).
Hà Nội dẫn đầu với 21.395 ca nhiễm mới, tăng 2.734 ca so hôm trước đó. TP.HCM đứng thứ 11 trong danh sách này với 3.126 ca – giảm 56 ca so với ngày 3-3 -2022 là ngày có số ca nhiễm cao nhất 5 tháng qua tính từ lúc thành phố này mở cửa lại các hoạt động kinh tế (ngày 4-10-2021 là 2.490 ca).
Trong 97 ca ghi nhận tử vong trong thời gian ghi nhận nêu trên, Hà Nội vẫn đứng đầu bảng với 20 ca. TP.HCM có 2 ca, tăng 100% so với những hôm trước đó chỉ có 1 ca tử vong.
Có lẽ cần ghi nhận trong chuyện bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, thì TP.HCM là hình mẫu mà cả nước cần ‘tham khảo’.