Hạ Mi (VNTB) Chỉ trong chiều 3/7, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra nhiều chỉ đạo đáng chú ý. Trong đó có 3 chỉ đạo nhằm giải quyết tâm điểm của dư luận xã hội gồm: Tân Sơn Nhất, chất lượng hải sản ở tầng đáy (sau thảm họa Formosa) và vụ “biệt phủ” Yên Bái.
“Nghiêm và nhanh chóng” là hai yêu cầu nổi bật liên quan xử lý các sự kiện nêu trên.
Thực tế, nếu như chỉ đạo của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi vào thực tế, tức là được cấp dưới làm theo một cách nghiêm túc nhất, theo đúng mẫu “làm cho ngô ra ngô, khoai ra khoai” thì nó làm tăng vị trí của Chính phủ trong hệ thống Chính trị; gia tăng niềm tin của người dân vào thể chế; và tạo cơ sở cho một thể chế phát triển công bình hơn.
Nhưng đó là khi “yêu cầu” được thực hiện một cách nghiêm túc nhất, công tâm nhất, chứ không phải là một chiêu trò để tạo tính màu mè trong xử lý và chỉ đạo hay là cách thức để xoa dịu dư luận tạm thời.
Bởi từng có thời điểm, “phép vua thua lệ làng” ngay trong hệ thống Chính trị Việt Nam. Trong đó các yêu cầu/ chỉ đạo từ trung ương bị địa phương từ chối bằng cách thực hiện kéo dài hoặc tạo ra tính không hiệu quả trong xử lý. Như việc Đà Nẵng liên tục từ chối yêu cầu T.Ư, hoặc phản kháng lại trong vấn đề bảo tồn khu sinh thái Sơn Trà cũng phần nào cho thấy tính không hiệu quả của sự “chỉ đạo”.
Vụ yêu cầu làm rõ và nghiêm vụ Yên Bái cũng là một sự “yêu cầu, chỉ đạo” khác liên quan đến bổ nhiệm vấn đề người nhà. Vào tháng 8/2016, ông Nguyễn Xuân Phúc trong lễ nhậm chức đã nhấn mạnh không để chính phủ tai tiếng vì công tác cán bộ, theo đó tuyển chọn và bổ nhiệm là để tìm người tài, chứ không phải người nhà.
Thế nhưng, một tháng sau (9/2016), bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái, lại ký quyết định bổ nhiệm chức Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường cho em bà là ông Phạm Sỹ Quý, dưới mác “quy trình bổ nhiệm cực kỳ chặt chẽ”.
Tương tự cho vụ việc Formosa, có hẳn một Ban chỉ đạo giải quyết bồi thường cho người dân sau sự cố Formosa, có sự chỉ đạo của ông Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vềị bồi thường cho người dân vào trước 30/6. Thế nhưng kết quả phũ phàng, khi mà nhiều người dân (đặc biệt là tại vùng Hà Tĩnh) chưa nhận đủ hoặc thậm chí là chưa nhận được một đồng bồi thường nào! Trong lúc đó, những người không ảnh hưởng bởi Formosa lại được nằm trong danh sách nhận tiền bồi thường và được nhận đầy đủ tiền bồi thường như sự vụ xảy ra ở xã Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh). Và vấn đề là khi có người dân tố cáo, thì “lãnh đạo xã đến vận động rút đơn”.
Và sân golf Tân Sơn Nhất cũng không ngoài lệ, vẫn là ý kiến đưa vào 2 , rút ra 1 từ phía Bộ quốc phòng cũng như chính quyền Tp. Hồ Chí Minh. Đến nay, phương án định hình cho việc mở rộng Tân Sơn Nhất vẫn đang trong diện giữ nguyên sân golf (theo đề án mới nhất do ông Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo).
Thế nên, không ai dám chắc 3 “yêu cầu” đầy tính quyết liệt trên có được thực hiện theo đúng tinh thần “nghiêm ngặt” hay không? Hay chỉ đơn thuần là những loạt bắn “chỉ thiên”, như cách ông Thủ tướng từng thừa nhận trước đó. Và rõ ràng, việc “thành lập tổ công tác theo dõi kết luận của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng thực hiện đến đâu” là một cách thức để giám sát, do đó nếu 3 yêu cầu trên vẫn không thực hiện thêm đúng thời hạn, yêu cầu đặt ra thì đồng nghĩa giá trị “yêu cầu, chỉ đạo” của Thủ tướng bằng 0, dẫn đến sự công bình là một điều hoàn toàn không thực tế trong bối cảnh có “tiếng mà không có miếng”.
1 comment
TT Phúc cũng chỉ là một vua trong tập thể 19 vua mà thôi.