Châu Nam Việt
(VNTB) – Việc 7 người Việt bị phát hiện nhập lậu tại cảng Newhaven, Anh gần đây đặt ra những câu hỏi sâu sắc về vai trò của Nhà nước và tình hình di cư bất hợp pháp hiện nay.
Tại cảng Newhaven, Anh vào ngày 16/02/2024, 7 người Việt Nam nhập lậu trong một thùng xe tải, gây xôn xao dư luận. Các nhân viên làm việc tại cảng Newhaven đã nghe thấy tiếng kêu cứu từ bên trong thùng xe và kịp thời phản ứng, phát hiện ra những người bên trong và đưa họ đi cấp cứu. May mắn, không có trường hợp tử vong nào. Sự việc này lại gợi lên những kỷ niệm đau buồn từ vụ 39 người Việt chết ngạt trong container tại Essex, Anh năm 2019.
Trong năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường ổn định, có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đức… . Một con số ấn tượng, nhưng đằng sau con số đó là một sự thật đắng lòng: gần 160 nghìn lao động Việt Nam đã rời quê hương để tìm kiếm cơ hội mới ở nước ngoài trong năm 2023.
Những con số trên mặt báo chính thức hẳn phải nhỏ hơn rất nhiều so với thực tế, bởi những chuyến xe chở lậu người trót lọt không phải ai cũng biết. Và chắc chắn những đường dây đó đã phải đưa được rất nhiều người đi nên người ta mới tin tưởng tới mức dù biết có thể bỏ mạng mà vẫn bước vào. Người Việt Nam đã và vẫn đang tìm mọi cách, đánh cược cả mạng sống của mình để đi tìm một ước mơ, một công việc có thể thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình.
Không chỉ qua việc nhập cư lậu hoặc tham gia lao động chính thức ở nước ngoài, người Việt còn tìm nhiều cách khác nhau để rời khỏi đất nước. Một ví dụ gần đây là quyết định của Sở Giáo dục bang Nam Australia tạm dừng việc tiếp nhận đơn đăng ký nhập học của các học sinh từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình vào các trường phổ thông công lập. Theo thông tin do Sở Giáo dục bang này chia sẻ quyết định được đưa ra sau khi kiểm tra và phát hiện một số học sinh đã rời khỏi nhà trọ mà không có sự cho phép. Mặc dù không có thông tin chính thức được công bố, nhưng ai cũng có thể đoán được lý do chính. Đó là học sinh du học trốn ra ngoài làm thêm, hoặc đi lao động lậu dưới mác “đi du học”.
Và dĩ nhiên, đằng sau những con số đáng kinh ngạc là những vấn đề đau lòng và đầy tranh cãi. Tại sao người Việt lại tiếp tục tìm mọi cách đi ra nước ngoài, thậm chí liều mạng trong những cuộc vượt biên đầy nguy hiểm? Đặc biệt, như vẫn được tuyên truyền là một đất nước đáng sống, thanh bình, đất nước Việt Nam với những tài nguyên thiên nhiên phong phú, du lịch phát triển, và con người thông minh, vẫn phải đối diện với tình trạng di cư khó khăn và rủi ro.
Việc nhập và di cư lậu là những biểu hiện của sự mất cân bằng trong phát triển kinh tế và xã hội. Điều đó không chỉ đặt ra câu hỏi về hiệu quả của chính sách và quản lý của Nhà nước mà còn yêu cầu một sự thay đổi sâu sắc trong cách tiếp cận vấn đề của toàn xã hội.
Đằng sau những con số và vấn đề là sinh mạng, và ước mơ của hàng ngàn người. Nhà nước đã làm gì trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh và làm việc thuận lợi cũng như một môi trường để làm việc và phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào việc làm ở nước ngoài của người lao động Việt Nam? Tại sao, sau mấy mươi năm phát triển như vũ bão, số người đi lao động ở nước ngoài không giảm đi mà ngày càng tăng lên?