(VNTB) – Sau hôm sáp nhập, số phận của những cái ghế chúng tôi thế nào quý vị đã biết… Nhưng nếu có người hỏi: “Các anh từng làm gì cho tổ quốc?”, chúng tôi – những cái ghế – chỉ biết im lặng. Nhưng nếu được nói, chúng tôi sẽ kể cả một thời huy hoàng và bệ rạc của những cái mông có chức có quyền.
Tôi là một trong hàng ngàn, có thể hàng chục ngàn cái ghế thuộc những trụ sở công quyền huyện bị xóa bỏ và tỉnh bị sáp nhập. Quý vị có thể tìm thấy anh chị em tôi ở đâu đó, trong một góc kẹt nào đó, hay bị cháy dang dở bên một cái bếp lò, nhưng xin hiểu tôi đã có một thời oanh liệt, một thời ai cũng phải kính trọng chúng tôi, và một thời chúng tôi có mùi thơm.
NHỮNG MÙI HƯƠNG CỦA CÁI GHẾ CÔNG QUYỀN
Tôi là một cái ghế của công quyền. Có thời, tôi đứng giữa phòng họp, đối diện bức tường treo khẩu hiệu và hai mảnh vải đỏ màu máu, bên cạnh là một bức tượng trắng nghiêm nghị và bí ẩn, phía dưới tôi là tấm thảm lông màu đỏ mận, và trên tôi là… một cái mông quyền lực. Tôi đã đỡ biết bao nhiêu phận người – người ngồi lâu, người ngồi lót, người ngồi thấp thỏm và người ngồi… chờ được ngồi tiếp.
Và khác với những cái ghế ở nhà, ở đình chùa, nhà thờ; lại càng khác với ghế công cộng ngoài công viên, trên xe buýt, xe điện; tôi có mùi. Mùi thơm của Ghế không chỉ phát ra từ chỗ thối nhất của con người mà trộn lộn với nhiều thứ khác, thành một hương thơm đặc trưng, mà chỉ những kẻ có cái mũi của quan mới ngửi thấy được.
Mùi thơm của quyền lực.
Quý vị có bao giờ ngửi thấy mùi thơm quyền lực từ tôi? Những người từng học lớp bồi dưỡng chính trị cao cấp trở lên đều ưa chuộng mùi ghế của tôi. Họ có những cái mũi rất thính, rất dài và khi đến với bất cứ lãnh đạo cấp trên nào họ đều hỉnh mũi đánh hơi anh chị em bạn ghế của chúng tôi để tìm ra mùi thơm họ ưa thích nhất. Dĩ nhiên, mùi nổi bật nhất của chúng tôi, mùi chung, mùi quyền lực, nhưng trong mùi chung quyền lực, lại có mùi riêng, có sắc thái riêng – loại “50 sắc thái”. Nói thế có thể nhiều người còn chưa hiểu sắc thái mùi của quyền lực. Cứ lấy ví dụ nước hoa hiệu Chanel, mùi chung của Chanel đấy, nhưng Chanel #1, khác #2, #5… Phải là người vô cùng sành điệu mới biết. Nếu quý vị chưa từng dùng Chanel thì thôi, tôi dùng… mùi chó làm thí dụ! Mỗi con chó có mùi riêng, mùi của chúng tiết ra từ nước tiểu, chúng tè vào đâu là đánh dấu lãnh thổ của nó đó, các con chó khác ngửi mùi nước tiểu của nó phải tránh ra xa. Ấy, đại loại là thế. Mỗi cái ghế trong công sở đều có mùi hương riêng.
Mùi ghế của bí thư chi bộ, mà đệ nhất đẳng hương thơm phải là của Ngài Tổng Bí thư. Thơm nhất, đặc biệt và quý phái nhất. Nó tổng hợp mùi quyền lực và mùi đô la, phải là mùi của tổng thống Mỹ chứ không thể mùi bác chủ tịch VN. Mùi này như mùi bùa ngải, thuốc mê, ai ngửi cũng thấy cấp trên của họ vừa gần gũi như người gia đình, vừa đáng kính như cha mẹ.
Ghế của thủ trưởng cấp trên còn thêm mùi. Mùi từ những thứ giấu kín từ dưới đáy mặt ghế tôi – để tránh sự lục soát, soi mói của phu nhân thủ trưởng bất thần đến kiểm tra. Mùi những phong bì đô la ngắt vội từ khoản dâng cúng của nhà thầu, công ty anh em, mùi cả từ những cánh thư tình ướp hoa hồng của những em chân dài, hay của vài cô giáo từng được mời đi tiếp tân cấp trên.
Ghế chúng tôi từng mang mùi người có thành tích, có khen thưởng. Nhiều ghế có mùi mồ hôi pha nước mắt. Nhưng dù là ghế của ai cũng vương vương mùi liên hoan, mùi của tiễn cựu, nghinh tân, chia tay, đón chức. Mùi bia, mùi gà luộc, lợn quay, mùi bánh kem và… mùi khói nhang lễ tạ ơn Bác. Tất cả ngấm vào chúng tôi, thành một bản giao hưởng mùi đặc trưng của xã hội quyền lực Việt Nam, không lẫn vào đâu được.
Sáp và xóa khiến đa số chúng tôi không còn mùi thơm nữa. Chỉ còn mùi gỗ ẩm, mùi bụi bặm và mùi tiếc nuối. Người từng ngồi tôi đã rời đi, không ngoảnh lại. Tôi bị bỏ trong nhà kho ẩm thấp, chung với vài cái ghế khác từng có một thời. Chúng tôi, dàn ghế quyền lực của một trụ sở công quyền, vừa bị vứt bỏ sau đợt sáp nhập, nhưng vài chiếc có số phận may mắn hơn được mang về nhà.
Ghế Bí thư (gỗ quý, chạm rồng)
Anh ghế từng có vinh dự nâng bi Bí thư suốt 3 nhiệm kỳ. Giờ này dù ông bị thất sủng, ông vẫn ưu ái mang anh ta về nhà để đặt giữa phòng khách, như một món gia bảo, ngầm nhắc khách đến chơi về cái thời oanh oanh liệt liệt, lãnh chúa một vùng của ông ta. Để các con ông nhìn vào ghế ông làm gương mà tiến thân kiểu con cán bộ; làm cán bộ là hồng phúc cả gia đình, gia tộc và cả quốc gia. Nhưng khi ông vắng nhà, con ông lại thường lôi anh ta ra ngồi làm ghế chơi game, “ghế này êm, ngồi chơi cả ngày không mỏi bàn tọa”.
Ghế của bà phó bí thư cũng được công kênh về nhà, lúc đầu cũng được để chính giữa nhà, ý như ngài bí thư, sau nhìn mãi bà mới tìm ra chân lý đau khổ; suốt cuộc đời đầy quyền lực và tiền bạc nhưng bị nguyền rủa bởi người này, kẻ khác. Bà bảo chính cái ghế này làm bà có bầu đẻ ra mấy đứa con khác cha, mà thằng thì đã bóng-lại-cái còn nghiện ma túy, con gái mất dạy, theo trai, thằng thì què quặt bẩm sinh thêm bại não. Thế là chiếc ghế, một buổi sáng xấu trời, theo cơn nổi tam bành lục tặc của bà, bay xuống từ ban công; tan tành cả lưng tựa, lẫn tay ghế, bốn chân, nệm bông bay tơi tả.
Ghế của chị thư ký hành chánh
Cái ghế của chị thư ký hành chánh là loại rẻ tiền, loại ghế xoay Trung Quốc, nhưng từng được chị lau chùi rất sạch sẽ bóng bẩy, chỉ sau ghế của bí thư, và phó bí thư mà chị tranh cả việc của chị lao công, tình nguyện lau lau chùi chùi không mệt mỏi. Ghế của chị không sang trọng, nhưng từng nghe hết các cuộc gọi nội bộ, đủ loại chuyện mà chị từng đem làm quà cho các đồng nghiệp, tạo xầm xì cho cả trụ sở. Chị tiếc mang về nhà, làm ghế chơi game cho con. Chỉ vài bữa, con chị lấy sticker dán khắp lưng ghế. Chị nhìn tưởng lại những nickname đồng nghiệp gán cho chị, nào là thần trùng, thần nanh mỏ đỏ, nào là đồ quạ mổ… mà tức ứa gan.
Ghế bảo vệ (ghế nhựa đỏ)
Có một ghế oanh liệt, chỉ thua có ghế của thủ trưởng bí thư, là ghế của ngài bảo vệ cơ quan. Ghế từng hiện diện ở cổng tòa nhà đầy quyền lực này để bảo vệ các vị quyền lực trong dân – Ghế của ông bảo vệ. Ông nguyên là cựu chiến binh bị cưa cụt một chân trong lần ban đêm, thủ trưởng nhà binh bảo mò tìm bắt gà dân về nấu cháo, dân phát hiện đánh gãy cẳng, thủ trưởng nhân từ báo cáo bị mìn địch. Ghế này, giống ông bảo vệ, từng kiêu hãnh khoe mình hy sinh tại cổng cơ quan; lúc trên bậc thềm, lúc bên vỉa hè, chống nắng, chọi mưa. Đời đen bạc! Khi cơ quan bị sáp, ông bực mình “Sáp cái con mẹ mày, chỉ làm khổ chúng ông. Vứt bố mày đi”. Chị đồng nát vớ được cái ghế bằng nhựa lăn lóc bên gốc cây vỉa hè, bán được vài ngàn.
Chúng tôi – những cái ghế – không có mồm, không có phiếu tín nhiệm. Nhưng chúng tôi nhớ. Nhớ mùi của chúng tôi, nhớ mùi hỗn tạp không thể tả được của ngài thủ trưởng tối cao, mùi chồn hôi của ngài chủ tịch nhân dân, mùi rắn rết của anh thường vụ và chị chủ tịch mặt trận tổ quốc…Tôi nhớ mùi nồng của chị thư ký, mùi mồ hôi của anh lao công. Tôi nhớ tiếng khóc uất ức, tiếng cười nham nhở, nhớ cả tiếng chửi nhau lúc họp kín trong trụ sở.
Chúng tôi từng nghe những khẩu hiệu rất to, chắc như bắp: “Một tấc không đi, một li không rời. Quyết không xa chiếc ghế này nếu chưa hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao.” Rồi ngay hôm sáp, số phận những cái ghế chúng tôi thế nào quý vị đã biết….
Nếu có người hỏi: “Các anh từng làm gì cho tổ quốc?”, chúng tôi – những cái ghế – chỉ biết im lặng. Nhưng nếu được nói, chúng tôi sẽ kể cả một thời huy hoàng và bệ rạc của những cái mông có chức có quyền.