Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sinh viên khốn đốn với chuẩn đầu ra ngoại ngữ

Mai Lan

 

(VNTB) – Nhìn vào quy định, tin rằng khi sinh viên nhận được bằng tốt nghiệp, thì họ cũng có thể đủ sức ‘tám’ với thiên hạ bằng tiếng Anh trong phạm vi ngành nghề của văn bằng ấy…

 

Theo đó quy định chung là sinh viên học tập chương trình đào tạo chính quy tập trung, khi tốt nghiệp phải đạt năng lực ngoại ngữ bậc 3 theo khung 6 bậc của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định, tức tương đương với B1 khung châu Âu.

Chứng chỉ tiếng Anh B1 Châu Âu là trình độ Anh ngữ bậc ba trong khung năng lực tham chiếu Châu Âu (CEFR). Theo ngôn ngữ nói hằng ngày, thì cấp độ này còn gọi là “intermediate” là bậc trung cấp. Với trình độ B1 người học có thể hiểu những nội dung cơ bản, nhưng chưa đủ để có thể làm việc trong những môi trường tiếng Anh chuyên nghiệp.

Đơn giản một người có trình độ tiếng Anh B1 có kỹ năng ngoại ngữ cơ bản như như sau: Trình bày được những quan điểm, ước mơ của bản thân và trong công việc; Tham gia phỏng vấn cho lĩnh vực chuyên môn của mình; Nói về chủ đề sở thích xem truyền hình và chương trình bạn yêu thích; Nói, viết mô tả được kế hoạch của bản thân trong tương lai một cách thành thạo; Nói về sở thích, xu hướng âm nhạc của bản thân; Nói về việc duy trì lối sống lành mạnh và đưa ra và những lời khuyên về thói quen; Có thể giao tiếp, gọi món, trò chuyện lịch sự trong không gian nhà hàng…; Đàm phán trong lĩnh vực chuyên môn của bản thân.

Sinh viên có thể hoàn thành chương trình học của mình với bằng cấp chính quy nếu như đạt “chuẩn đầu ra ngoại ngữ” với một trong những chứng chỉ quốc tế tiếng Anh tối thiểu như (tùy trường), nhưng ‘bét’ nhất cũng là: TOEFL 450; TOEFL iBT 57; IELTS 4.5; PET 70; BULATS 40 còn thời hạn (3 năm) tính từ ngày được cấp chứng chỉ đến ngày xét tốt nghiệp.

Nhìn chung thì không hề dễ để nhận bằng tốt nghiệp đại học.

“Dù đã học hết các tín chỉ trên trường nhưng vì thi mấy lần đều trượt bằng B1 tiếng Anh nên em chưa đủ điều kiện để nhà trường xét tốt nghiệp. Thế nên các anh chị cùng làm mới đùa rằng trước đây thì đúng là sinh viên thật 100% nhưng giờ đã trở thành sinh viên giả” – Duy (đã đổi tên) cười buồn nói.

Kể về hành trình lấy tấm bằng tiếng Anh của mình, Duy chỉ biết tóm lại bằng chữ “khổ”.

“Em thi B1 2 lần đều không đủ 50/100 điểm để đậu. Đợt thi mới nhất em chỉ được hơn 40/100. Bài thi có 4 phần gồm: đọc, viết, nghe, nói thì cả 2 lần điểm nghe và nói của em đều không quá nổi 10 điểm” – Duy cho biết.

Lý giải về việc kém tiếng Anh, Duy kể, từ hồi học cấp 2, cấp 3 ở quê, em chỉ xem đây là môn học phụ nên không đầu tư nhiều. Lên đại học, việc học tiếng Anh lại càng khó do đã bị hổng một lượng lớn kiến thức ở cấp dưới. Hơn nữa, Duy cũng ít có thời gian luyện nghe, nói tiếng Anh vì thời gian rảnh chủ yếu dành cho việc đi làm thêm trang trải cuộc sống ngay từ năm nhất. Một lý do khác là việc thi nói bằng tiếng Anh thực sự là một vấn đề không hề nhỏ với Duy.

Còn với sinh viên Nguyễn Đức Long, Khoa Văn – Truyền thông của Đại học Văn Hiến, thì năm cấp ba do học hệ giáo dục thường xuyên nên môn tiếng Anh không được dạy, do vậy ngay niên khóa 2022/2023 này ở môi trường đại học, Long “choáng” khi biết tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc cho xét tốt nghiệp.

Những trường hợp sinh viên như Duy, Long được khuyên là hãy chọn đăng ký luyện thi chứng chỉ quốc tế tại các trung tâm ngoại ngữ. Song cái vướng ở đây lại là tiền học phí luyện thi trung tâm, cộng với lệ phí thi các chứng chỉ quốc tế (chưa kể thi chưa đạt phải thi lại) cũng tạo áp lực tài chính đáng kể đối với sinh viên.

Tuy nhiên, nếu không có chứng chỉ quốc tế thì sinh viên sẽ bị “giam” bằng tốt nghiệp. Ra trường, đi xin việc làm mà không có bằng tốt nghiệp đại học thì ai tin để mà tuyển dụng?


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Ông Phùng Xuân Nhạ nên từ chức bộ trưởng

Phan Thanh Hung

VNTB – Chuyến bay giải cứu: chỉ là tuyên truyền cổ động chính trị

Do Van Tien

VNTB – Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất ‘nhập khẩu’ gần 1.000 lao động Trung Quốc?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo