Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sở Y tế TP.HCM cảnh báo không lơ là với dịch bệnh

Mai Lan

(VNTB) – Sở Y tế TP.HCM cho rằng cần tăng cường giám sát các biến thể của vi rút SARS-CoV-2

Trong bối cảnh thiếu vắc-xin cho tiêm chủng trẻ em kéo dài, cùng với cảnh báo sự đe dọa của biến thể EG.5, cơ quan y tế TP.HCM cho rằng cần gia tăng giám sát.

Báo cáo từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ tháng 7-2023 đến tháng 11-2023, đơn vị tiếp tục phối hợp với Tổ chức OUCRU (Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford), duy trì giám sát các biến thể của vi rút SARS-CoV-2.

8 mẫu bệnh phẩm có đủ tải lượng vi rút Covid-19 được giải mã gene, kết quả tất cả đều thuộc biến thể của Omicron. Cụ thể XBB.1.9 (4 chủng), XBB.1.16 (2 chủng), BA.2.75 (1 chủng), BA.2.86.1 (1 chủng). Như vậy, trong khi biến thể EG.5 là phổ biến nhất đang được ghi nhận tại 89 quốc gia thì biến thể này hiện vẫn chưa được phát hiện tại TP.HCM.

Trong lúc đó thì theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, biến thể phụ EG.5 của vi rút SARS-CoV-2 thuộc nhóm biến thể rất đáng quan tâm. Một điều đáng lưu ý đó là một biến thể của Omicron là BA.2.86 đã được WHO nâng cấp từ biến thể giám sát (VUM) lên thành biến thể được quan tâm (VOI). Tính theo thời điểm hiện nay, WHO đang theo dõi 4 biến thể VOI của SARS-CoV-2, bao gồm: XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5 và BA.2.86.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 đang tăng ở một số nước, nguy cơ số ca mắc tại TP gia tăng trở lại là khó tránh khỏi, nhất là vẫn còn một biến thể EG.5 chưa xuất hiện trên địa bàn trong khi lại là biến thể phổ biến tại các nước” – Sở Y tế lập luận, và cho biết thêm là kể từ ngày quyết định điều chỉnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (20-10-2023), trong hệ thống các bệnh viện của TP.HCM chưa ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 mới cần nhập viện điều trị.

Phòng Tổng hợp của Sở Y tế TP.HCM cho biết cơ quan chức năng Indonesia đã cho lắp đặt trở lại các máy đo thân nhiệt tại các cổng nhập cảnh ở sân bay ở Jakarta và đảo du lịch Batam để theo dõi. Bệnh viện đa khoa Philippines tái ban hành quy định đeo khẩu trang tại bệnh viện.

Trong thông báo ngày 13-12 về khuyến cáo đối với thành phần vắc xin Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói rằng Covid-19 vẫn đang lây lan rộng và vi rút SARS-CoV-2 tiếp tục tiến hóa đáng kể. “Với số ca Covid-19 đang tăng lên ở nhiều vùng trên thế giới, vắc xin càng trở nên quan trọng hơn”, WHO nhận xét.

Cũng trong một tuyên bố ngày 13-12, nhóm kỹ thuật TAG-CO-VAC của WHO khuyến cáo tiếp tục sử dụng vắc xin đơn trị XBB.1.5 làm thành phần chính cho các loại vắc xin chống những biến thể SARS-CoV-2 đang lưu hành. Khuyến nghị này dựa trên sự tiến hóa của vi rút hiện tại và phạm vi phản ứng miễn dịch được chứng minh bởi các loại vắc xin này chống lại các biến thể đang lưu hành.

Báo cáo của Sở Y tế cho biết tại TP.HCM trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid, đã ghi nhận trên 600.000 người mắc và trên 19.000 người tử vong. Đa số ca mắc tập trung trong giai đoạn từ cuối tháng 5-2021 đến tháng 12-2022.

Trong năm 2023, TP.HCM ghi nhận số ca mắc, tử vong giảm sâu, có nhiều tuần không ghi nhận ca mắc mới, đặc biệt tất cả các phường xã trên toàn thành phố đều đạt cấp độ dịch là cấp 1.

Hiện tại thì TP.HCM đang hoàn tất thủ tục tiến tới công bố hết dịch Covid-19. Tuy vậy, phía Sở Y tế TP.HCM cũng phát đi cảnh báo về lo ngại một số bệnh khác có thể bùng phát. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đến nay TP.HCM ghi nhận có 2.871 trẻ (dưới 1 tuổi) chưa được tiêm đủ 3 mũi vắc xin 5 trong 1, 3.362 trẻ chưa được tiêm mũi sởi thứ nhất. Đối với trẻ trên 1 tuổi, có 8.882 trẻ chưa được tiêm mũi sởi thứ hai, 18.084 trẻ chưa được tiêm mũi nhắc bạch hầu, uốn ván, ho gà vào thời điểm 18 tháng.

Hiện Viện Pasteur TP.HCM cũng đã thông báo tạm hết vắc xin uốn ván, huyết thanh uốn ván, vắc xin bạch hầu – uốn ván – ho gà (boostrix)… Dự kiến trong thời gian tới sẽ tạm hết các vắc xin: DPT4, VGB, sởi, IPV, MR, SII. Các vắc xin uốn ván còn lại dự kiến cũng sẽ hết trong vài ngày tới. Còn vắc xin viêm não Nhật Bản (Jevax) dự kiến sẽ hết vào đầu tháng 1-2024.


Tin bài liên quan:

VNTB – Liệu dịch bạch hầu có nguy cơ lan rộng ở miền Bắc?

Do Van Tien

VNTB – Đảng tham gia chống dịch virus Corona/Vũ Hán?!

Phan Thanh Hung

VNTB – ‘Cưỡng hôn’ môn lịch sử và địa lý?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.