Ngọc Lan
(VNTB) – Cải tạo – một trong những mỹ từ cao đẹp đã dọn đường cho sự trở lại của dự án lấp sông Đồng Nai.
Ngày cuối cùng của năm 2021 có một tin vui đối với giới làm ăn nhà đất: dự án lấp sông Đồng Nai để xây trung tâm thương mại, chung cư… tiếp tục được phép thực hiện sau 5 năm tạm ngưng. Theo dự án, sông Đồng Nai sẽ bị lấp hơn 7 ha để thực hiện dự án này.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: “Sau nhiều năm dừng dự án cải tạo cảnh quan ven sông Đồng Nai, tại buổi họp báo chiều 31-12-2021, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho hay một số bộ ngành trung ương đã đồng ý cho nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án này nhưng thu hẹp diện tích lấn sông.
Theo đó, ông Lê Mạnh Dũng – phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai – cho biết đã có kết luận của trung ương và các nhà khoa học về dự án này và cho phép nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án. Tuy nhiên, theo ông Dũng, dự án sẽ không thực hiện theo thiết kế trước đây mà sẽ điều chỉnh theo nhiều phương án và thu hẹp diện tích còn hơn 7 ha.
Cụ thể, ở một số vị trí lấn sông sẽ thu hẹp và ở nhiều vị trí dự án sẽ tăng diện tích hưởng lợi cho người dân như công viên, trường học, trung tâm thể thao… Dự án này sẽ tiếp tục làm nhằm tạo cảnh quan cho đô thị Biên Hòa như nhiều vị trí ven sông khác mà tỉnh Đồng Nai đang thực hiện. Trước khi tiếp tục làm dự án này, UBND tỉnh sẽ tổ chức họp báo để trả lời tất cả những thắc mắc mà dư luận quan tâm”. (dừng trích)
Thật ra thì mọi chuyện đã được dọn đường ‘tái kích hoạt’ từ tháng 4-2021 với chủ đề “Kiến tạo đô thị ven sông Đồng Nai” trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 46 năm ngày thống nhất đất nước.
Khi ấy, chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã thông báo trong quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2001-2030, ngoài thành phố Biên Hòa thì khu vực dọc sông Đồng Nai, dải hành lang ven sông từ phía Nam Biên Hòa đến các huyện Long Thành, Nhơn Trạch cũng sẽ xem xét quy hoạch để từng bước hình thành nên các đô thị ven sông, tạo nét riêng cho kiến trúc đô thị, tạo cảnh quan môi trường sinh hoạt để nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân đô thị, đồng thời thu hút các nhà đầu tư đánh thức những khu “đất vàng ven sông”, tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Và để tạo điểm nhấn trong cảnh quan kiến trúc ven sông, theo ông Cao Tiến Dũng, không thể không có các công trình cao tầng được xây dựng ven sông hoặc ở các cù lao như Cù lao Phố (phường Hiệp Hòa), Cù lao Ba Xê (thành phố Biên Hòa), hay Cù lao Ông Cồn (huyện Nhơn Trạch).
Việc quy hoạch, xây dựng các công trình cao tầng ven sông sẽ còn giúp tiết kiệm quỹ đất để làm công viên, tăng tiện ích cho cư dân của một thành phố công nghiệp như Biên Hòa và có tốc độ công nghiệp hóa – đô thị hóa nhanh như Đồng Nai, từ đó góp phần kiến tạo môi trường sống văn minh, hài hòa cho người dân, nhất là công nhân – người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp.
Những mỹ từ cao đẹp đã dọn đường cho sự trở lại của dự án lấp sông Đồng Nai.
Ngày 3-8-2017, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã chính thức ra kiến nghị yêu cầu dừng dự án lấp sông Đồng Nai của UBND tỉnh Đồng Nai, do công ty Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư.
Những lý do yêu cầu dừng dự án là: “Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án chưa làm rõ được những tác động của việc lấn sông đến các đặc tính tự nhiên của con sông, đến sinh kế của người dân trong lưu vực… Việc lấp sông Đồng Nai của công ty Toàn Thịnh Phát đã vi phạm các quy định của luật Tài nguyên nước, luật Bảo vệ môi trường, luật Phòng chống thiên tai, luật Giao thông đường thủy… nên cần phải được xử lý theo pháp luật…”.
Nói một cách dân dã, trên thế giới này, có thành phố nào “cải tạo cảnh quan thành phố” bằng cách lấp nửa con sông hiền hoà, xinh đẹp chảy qua lòng thành phố để thay thế bằng bê tông cốt thép?
Trái đất ngày càng nóng lên, dân số thế giới ngày càng tăng, tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp, nhiều lãnh thổ bị biến thành hoang mạc vì thiếu nước và cây xanh, thì Đồng Nai lại hân hoan biến thiên nhiên thành bê tông cốt thép, điều này quả thật quá hân hoan!
***
Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (hay còn gọi là dự án The Pegasus Riverside) được khởi công tháng 9-2014 thuộc phường Quyết Thắng, (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai), công ty Toàn Thịnh Phát là chủ đầu tư.
Quy mô được duyệt ban đầu là 8,4 ha, trong đó hơn 7,7 ha lấn sông Đồng Nai. Dự án có chiều dài 1,3 km; đoạn xa nhất lấn ra ngoài sông Đồng Nai là 100m. Tổng vốn đầu tư khoảng 3.200 tỷ đồng gồm các hạng mục như: trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khách sạn cao ốc văn phòng…
Sau khi dự án được triển khai và kể từ lúc chủ đầu tư tiến hành đem lượng đất đá khổng lồ đổ xuống sông Đồng Nai, đã vấp phải phản ứng của người dân và nhiều luồng dư luận trái chiều. Thời gian đó, nhóm phóng viên trang Việt Nam Thời Báo tại Biên Hòa đã có nhiều bài viết ghi nhận ý kiến phản đối của người dân bản địa.
Các nhà khoa học cảnh báo sẽ gây ảnh hưởng xấu, tác động đến dòng chảy, ảnh hưởng môi trường nước, sạt lở trên lưu vực sông Đồng Nai. Nhiều chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về mạng lưới sông ngòi cũng đánh giá tác động môi trường và nhận định, hệ lụy lấp sông sẽ gây hậu quả nặng nề đến việc xả lũ của cả khu vực.
Sau đó các Bộ, ngành và Chính phủ đã có quyết định dừng thi công dự án lấn sông Đồng Nai từ tháng 3-2015 cho đến nay.