Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Dường như Bộ Công an đang muốn ‘đẽo cày giữa đường’…
Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 có một câu chuyện ngụ ngôn “Đẽo cày giữa đường”, kể về một anh nông dân, lúc đầu anh ta thiếu chủ kiến không làm chiếc cày theo ý mình mà nhờ sự góp ý của mọi người xung quanh, người nào đi qua góp ý và ai nói gì anh ta cũng làm theo, nghe theo sự phán xét của nhiều người nên cuối cùng cái cày ban đầu chỉ còn là một mẩu gỗ bé xíu, vừa mất thời gian, công sức mà lại bị thiên hạ chê cười.
Bài học này có lẽ hồi còn mài đũng trên ghế học đường, sách giáo khoa thời đó chưa đưa vào, hoặc cũng có thể cậu bé Tô Lâm lúc ấy… cúp cua nên giờ mới xảy ra chuyện hết cuốn hộ chiếu, giờ đến tấm thẻ căn cước đã phải tu chỉnh liên tục.
Mới đây khi Bộ Tư pháp công bố tài liệu họp thẩm định Luật căn cước công dân (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2024, đáng chú ý, trong hồ sơ dự thảo, Bộ Công an đề xuất bổ sung một số nhóm thông tin về sinh trắc học như mống mắt, ADN, giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước.
Như vậy, cơ sở dữ liệu căn cước tới đây có thể sẽ bao gồm 22 trường thông tin cá nhân của công dân gồm:
Họ tên khai sinh, số định danh cá nhân, ngày/ tháng/ năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, nhóm máu, số chứng minh nhân dân 9 số, ngày cấp và thời hạn sử dụng của chứng minh nhân dân/ căn cước công dân, họ tên, số định danh cá nhân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại.
Ngoài ra còn có đặc điểm nhân dạng, thông tin sinh trắc học là ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói, tên gọi khác, nghề nghiệp (trừ lực lượng vũ trang nhân dân), trình độ học vấn, trạng thái của tài khoản định danh điện tử (khóa, mở, mức độ…).
Bộ Công an cho rằng việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với một số người có tiền án, tiền sự phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Những thông tin sinh trắc học trên sẽ do các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc…) thu thập trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật và được chuyển cho cơ quan quản lý căn cước công dân để cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Theo dự thảo Luật căn cước công dân (sửa đổi), nhiều thông tin trên mẫu thẻ căn cước công dân gắn chip được đề xuất sửa như “quê quán” thành “nơi đăng ký khai sinh”, “nơi thường trú” sửa thành “nơi cư trú”…
Một trong những nội dung đáng chú ý khác của dự thảo là Bộ Công an đề xuất cấp thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi. Độ tuổi phải đổi thẻ căn cước công dân có sự thay đổi theo, gồm 14, 25, 40 và 60 tuổi thay vì 25, 40 và 60 như hiện nay.
Việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu chứ không bắt buộc.
Trước đó, chứng minh nhân dân 12 số được thay thế bởi căn cước công dân mã vạch. Tiếp đó, căn cước công dân mã vạch được thay thế bởi căn cước công dân gắn chip. Đến nay, căn cước công dân gắn chip được giữ nguyên, nhưng có thể lại có một số thay đổi như đề xuất trong dự thảo luật.
Nếu nội dung dự thảo luật kể trên được thông qua, chắc chắn tấm thẻ căn cước này sẽ còn có thể thay đổi dữ liệu cho cập nhật liên tục, như lúc thay đổi quan hệ vợ, chồng, có thêm bằng cấp, tôn giáo…
Đồng ý là năng lực – bao gồm yếu tố tầm nhìn, khả năng dự báo, tính hợp lý trong thiết kế chính sách và quy định pháp luật, khả năng thực thi của các bộ ngành trong lĩnh vực chính sách – không phải là câu chuyện dễ dàng và có thể cải thiện ngay trong một sớm một chiều (dù mấy mươi năm đã đi qua sau cuộc nội chiến Bắc – Nam).
Ở đây, chỉ muốn lên tiếng rằng, nhân danh quyền của một cử tri, “ngài Bộ trưởng Tô Lâm muốn thêm thông tin gì thì thêm một lần luôn để dân không phải vất vả đi đổi nhiều lần. Xin cảm ơn!”.