Hoài Nguyễn
(VNTB) – Bị đơn của vụ án dân sự này lại là nguyên đơn của vụ án hình sự khác, và nguyên đơn dân sự cũng như bị đơn hình sự liên quan đều là một người.
Có vẻ mọi chuyện rối rắm và dễ nhầm lẫn về cách hiểu của quy trình tố tụng dân sự và hình sự.
Yêu cầu khởi tố hình sự
Sáng 17-11, ông Nguyễn Đức Hiển, phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, đã gửi đơn đến Viện Kiểm sát nhân dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương, yêu cầu khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi làm nhục người khác, vu khống, lợi dụng các quyền tự do dân chủ…
Bà Nguyễn Phương Hằng hiện là tổng giám đốc khu du lịch Đại Nam.
Theo đơn, ông Hiển cho biết ông và bà Nguyễn Phương Hằng từ trước tới nay hoàn toàn không có mối liên hệ, quan hệ nào. Sự việc chỉ bắt đầu kể từ khi ông trả lời phỏng vấn báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) về các phát ngôn thiếu chuẩn mực của bà Phương Hằng trên các nền tảng mạng xã hội, được đăng tải lại trên báo điện tử VOV với tiêu đề “Không thể cho mình quyền xúc phạm bất kỳ ai trên mạng”.
Nội dung chính của bài phỏng vấn là quan điểm, nhận định pháp lý của cá nhân ông đối với các phát ngôn trong các buổi phát sóng trực tiếp của bà Hằng mà ông đã trực tiếp theo dõi trước đó. Trong bài phỏng vấn nêu trên ông có nêu một số nhận định, đánh giá đơn thuần về pháp lý của một người có chuyên môn về pháp luật, thể hiện quan điểm khoa học của mình đối với hành vi diễn ra trong cuộc sống có dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Ông Hiển cho rằng nội dung phát ngôn của ông là đúng pháp luật, phù hợp với các quy phạm pháp luật dựa trên góc độ nghiên cứu, trao đổi học thuật và quy định của pháp luật báo chí.
Thế nhưng, bà Hằng đã cho rằng bài phỏng vấn trên của ông thể hiện sự công kích, gán ghép, quy buộc cho bà phải đi tù. Từ đó, bà Hằng sử dụng các ngôn từ bịa đặt, vu khống, nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông và vợ ông, báo Pháp Luật TP.HCM cũng như cả giới báo chí. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông cùng gia đình, xã hội và kéo theo nhiều hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng.
Bà Hằng đã sử dụng ngôn từ thô tục, vô văn hóa, thiếu chuẩn mực đạo đức, nguyên văn là: “Nhà báo hai mặt”, “thằng nhà báo Đức Hiển”, “nhà báo nói láo”, “thằng Hiển là phản động”; vu khống ông có mối quan hệ câu kết, là đồng bọn với ông Võ Hoàng Yên, nghệ sĩ Hoài Linh, Thái Văn Đường, ăn chặn tiền từ thiện, nhận 20 – 30 tỷ đồng của ông Trần Quý Thanh nhằm mục đích tìm mọi cách, mọi giá phải để bà Nguyễn Phương Hằng đi tù…
Ông Hiển cho biết từ sau khi các phát ngôn của bà Hằng được phát sóng, ông thường xuyên nhận được các lời chửi bới, đe dọa, khủng bố tinh thần từ những người xem bà Hằng là thần tượng, khiến ông và gia đình rất mệt mỏi, tinh thần sa sút, luôn trong trạng thái căng thẳng, cuộc sống bị đảo lộn.
Ông Hiển cho rằng ông là nhà báo, là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, là phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, việc bà Hằng xúc phạm, vu khống ông và các hoạt động nghề nghiệp của ông đã trực tiếp gây ảnh hưởng tới hoạt động bình thường và uy tín của các tổ chức mà ông là thành viên.
Nhiều tin nhắn, bình luận của người đọc, người xem dưới các bài viết và đoạn phim của bà Hằng đã thể hiện sự công kích, tiêu cực khi xỉ vả ông, cơ quan báo chí và các nhà báo, chính quyền… trong thời gian dài.
Từ đó, ông yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương xem xét khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhằm điều tra bà Phương Hằng về các tội làm nhục người khác, vu khống, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Về phần dân sự, ông Hiển yêu cầu được bồi thường về tổn thất tinh thần theo quy định của Bộ luật dân sự, buộc bà Hằng phải xin lỗi, cải chính công khai đối với những nội dung bà Hằng vu khống, làm nhục, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của ông.
Tòa thụ lý vụ bà Phương Hằng kiện ông Đức Hiển về bài phỏng vấn trên Đài VOV
Ngày 18-11-2021, Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết đã thụ lý vụ tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc công ty cổ phần Đại Nam) và bị đơn là ông Nguyễn Đức Hiển (phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM).
Theo đó, bà Phương Hằng yêu cầu tòa án buộc ông Nguyễn Đức Hiển xin lỗi và đăng xin lỗi bà trên báo Pháp Luật TP.HCM, buộc ông Hiển yêu cầu Đài tiếng nói Việt Nam rút bài viết “Không thể để bà Nguyễn Phương Hằng cho mình quyền xúc phạm bất kỳ ai trên mạng”.
“Theo khoa học pháp lý, đối với các nhận định tương tự như trên của tôi được gọi là “Định tội danh không chính thức”, tức là dựa trên cơ sở tính chất, dấu hiệu tội phạm có thỏa mãn, có khả năng bị điều tra, truy tố hay không. Điều này hoàn toàn khác biệt với “Định tội danh chính thức” – sự đánh giá chính thức từ Nhà nước về tính chất pháp lý hình sự về một hành vi phạm tội cụ thể do các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện” – ông Hiển nói và khẳng định nội dung trả lời phỏng vấn của ông trên VOV là không vi phạm quy định của pháp luật về phát ngôn, phỏng vấn trên báo chí.
Về nguyên tắc pháp lý, yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của ông Hiển có được đáp ứng hay không thì phải được viện kiểm sát phê chuẩn, và mục đích là để xác minh có tội phạm hình sự xảy ra hay không.
Lưu ý ở đây người bị yêu cầu khởi tố là bà Nguyễn Phương Hằng phải được “suy đoán vô tội”, nghĩa là được đối xử như chưa có tội cho đến khi có bản án kết tội có hiệu lực của tòa án.
Ngay cả khi ví dụ như bà Nguyễn Phương Hằng bị áp dụng những biện pháp hạn chế do luật định (như bị tạm giam chẳng hạn), thì bà Nguyễn Phương Hằng vẫn được “suy đoán vô tội”.
Sau khi có quyết định khởi tố hình sự, cơ quan điều tra hình sự tiến hành tìm kiếm, thu thập các tình tiết có thể là chứng cứ của hành vi tội phạm hình sự, và có thể kết luận là một, hoặc những cá nhân nào đó đã vi phạm pháp luật hình sự, cần phải truy tố hình sự. Qua điều tra, cơ quan điều tra hình sự cũng có thể kết luận là không có hành vi phạm tội xảy ra, hay có, nhưng không đến mức phải truy tố hình sự, mà chỉ xử lý bằng các chế tài khác (hành chính, dân sự…).
Về nguyên tắc, việc xác định hành vi có dấu hiệu tội phạm sẽ được ưu tiên hơn việc giải quyết yêu cầu về dân sự. Do vậy, tòa án Thủ Dầu Một cần chờ kết quả giải quyết của Công an tỉnh Bình Dương về yêu cầu khởi tố hình sự của ông Nguyễn Đức Hiển, trước khi giải quyết vụ việc dân sự của bà Nguyễn Phương Hằng.
***
Trích bài phỏng vấn của VOV của nhà báo Hải Quân mà bà Nguyễn Phương Hằng yêu cầu “rút”
PV: Có ý kiến nhận xét, nhiều báo điện tử đã bám vào hiện tượng Nguyễn Phương Hằng, vô tình tôn vinh những hành vi không hợp pháp. Xin hỏi quan điểm của ông?
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Cá nhân tôi cũng coi việc bà Phương Hằng livestream với lượng công chúng “khủng” như vậy, ở góc độ của người nghiên cứu về truyền thông, tôi cho đây là hiện tượng đáng nghiên cứu khi một nhân vật tay ngang thu hút được một lượng công chúng lớn. Nó cũng có một số chỉ dấu cho chúng ta thấy một sự dịch chuyển công chúng hoặc dịch chuyển phương thức tiếp cận công chúng của giới truyền thông.
Tuy nhiên, một số báo điện tử coi đây là đề tài và bám theo nó, đẩy lên, khiến cho bà Hằng bị nhầm lẫn, dẫn tới những lần livestream của bà này liên tục tăng cấp, với số người được nhắc tên nhiều hơn, kết tội mạnh mẽ hơn, và có vẻ như bà này đã trượt xa với ranh giới giữa việc thuật lại một sự thật với việc xúc phạm ai đó.