VNTB – Thẩm phán mà gian dối thì làm sao mà ưu việt?

VNTB – Thẩm phán mà  gian dối thì làm sao mà ưu việt?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Thẩm phán mà gian dối thì lấy ai ra để bảo đảm sự công bằng của pháp chế xã hội chủ nghĩa mà “Đảng và Nhà nước ta” luôn tự hào là ưu việt?

 

Bài viết này mong được đôi điều bàn luận đến tân Trưởng ban Cải cách Tư pháp Trung ương – Nguyễn Xuân Phúc, về chức phận của người đang đứng đầu về ‘Cải cách Tư pháp Trung ương’.

Nền tư pháp thế giới có hai loại nhân danh chủ yếu về lý thuyết hàn lâm, là nhân danh quyền lực, và nhân danh công lý.

Một,

Nhân danh quyền lực thường được thể hiện một số danh xưng như nhân danh Hoàng Đế, nhân danh nhà vua, nhân danh nền cộng hoà, hay nhân danh nhà nước. Nguồn gốc của các loại nhân danh này là từ chế độ chiếm nô và phong kiến.

Đây là loại nhân danh luôn là hình thức tương ứng cho một nền chuyên chính nhất định. Bảo đảm cho nền chuyên chính này chính là bạo lực nhà nước, sức mạnh cưỡng chế nhà nước.

Chính vì vậy, nền tư pháp nhân danh quyền lực nhà nước cơ bản và trước hết nó bảo vệ chính quyền, bảo vệ giai cấp cầm quyền và sau đó mới đến lượt bảo vệ các trật tự, các quan hệ xã hội và người dân trên cơ sở bảo vệ tối đa lợi ích và sự tồn tại của chính quyền và đội ngũ quan lại, hệ thống công quyền.

Các nước có nền tư pháp mang danh này sụt giảm rất nhanh kể từ đầu thế kỷ XX và cho đến nay chỉ còn lại rất ít nước trên thế giới. Bởi loại tư pháp này nếu không có sự giám sát chặt chẽ, khoa học, thiếu công khai minh bạch thường dẫn đến tình trạng lạm quyền, độc tôn, chuyên chế, tự tung tự tác, bất chấp pháp luật…

Hai,

Nhân danh công lý, đây là loại tư pháp mà danh xưng của nó phản ánh nội dung, tính chất của một nền tư pháp hướng tới bảo vệ các giá trị con người và xã hội. Những giá trị khách quan phổ quát được thừa nhận chung không chỉ trong một quốc gia mà cả trên toàn thế giới.

Khi nhân danh công lý, toà án chỉ như là trọng tài, các thẩm phán hết sức vô tư và khách quan khi cầm cân soi xét các tranh chấp, mâu thuẫn hay tội phạm. Điều có ý nghĩa loại bỏ tính quyền lực ở đây là toà án không có quyền phán quyết, quyết định. Quyền này được giao cho xã hội, cộng đồng dân cư thông qua chế định bồi thẩm đoàn hoặc các thiết chế tương tự.

Bảo đảm cho cơ chế duy trì, bảo vệ công lý này chính là sự thượng tôn pháp luật và tính công khai minh bạch… với cơ chế tranh tụng dân chủ, công bằng, bình đẳng và trong mối quan hệ đối tụng giữa các thiết chế độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Ở Việt Nam với “Đảng và Nhà nước ta” thì sao?

Khác với lý luận chung về nhà nước và pháp luật của “Đảng và Nhà nước ta” xem pháp luật chỉ có 02 chức năng là điều chỉnh hành vitác động vào ý thức của con người.

Hầu hết các hệ thống pháp luật của các nước xem pháp luật có 04 chức năng, bao gồm: (1) Gìn giữ hoà bình; (2) Thiết lập hay thừa nhận các tiêu chuẩn xử sự; (3) Bảo đảm cho các dự định hay kế hoạch trở thành hiện thực; và (4) Bảo đảm sự công bằng.

Tư pháp luôn gánh toàn bộ chức năng thứ tư và làm cầu nối giữa pháp luật và công lý.  Quyền lực tư pháp luôn được các nước nhìn nhận là thuộc về các thẩm phán, bởi chính họ là người giải thích luật và đưa ra các phán quyết. Vậy không có lý gì hay thực tế nào khiến các thẩm phán bị thao túng để phải hành xử gian dối như bài báo Lạ lùng tòa án huyện lập gần 60 vụ án ‘ảo’ để… tự xét xử, đăng trên báo điện tử Dân Trí ngày 5-6-2021.

Người viết bài này cho rằng tư cách tân Trưởng ban Cải cách Tư pháp Trung ương, ông Nguyễn Xuân Phúc phải hết sức lưu ý rằng công bằng xã hội là sự khác biệt giữa xã hội xã hội chủ nghĩa so với xã hội tư sản theo lý luận của “Đảng và Nhà nước ta”. Bởi thẩm phán mà gian dối thì lấy ai ra để bảo đảm sự công bằng của pháp chế xã hội chủ nghĩa mà “Đảng và Nhà nước ta” luôn tự hào là ưu việt?

Nếu thực sự đủ khả năng trong vị trí là người đứng đầu của ban Cải cách Tư pháp Trung ương, ông Nguyễn Xuân Phúc cần kiến nghị Tổng bí thư Đảng tiến hành dứt khoát, đồng bộ, nhanh chóng và có hiệu quả thật về “cải cách tư pháp”, mà trước hết là xem xét lại việc quản lý các toà án và bổ nhiệm thẩm phán!


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)