VNTB – Người ở Sài Gòn là vậy thôi mà…

VNTB – Người ở Sài Gòn là vậy thôi mà…

Hiền Long

(VNTB) – Vậy là Sài Gòn tiếp tục ‘phong thành’…

 

Ngày trước, khi dịch chưa bùng phát, mọi người thường bận rộn với công việc của mình. Bây giờ do dịch nên mọi người ở nhà nhiều hơn, và cũng là dịp gắn kết tất cả các thành viên trong gia đình.

Bà Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu Y sinh – Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, là người khởi xướng ý tưởng nấu cơm gửi vào các y – bác sĩ đang cách ly. Cũng là một bác sĩ nên bà hiểu được cảm giác của các bác y – bác sĩ ở bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM lúc này.

“Các y bác sĩ mừng lắm. Con mình nói cơm trong căng tin bệnh viện ăn ngán lắm, mà không dám gọi ăn bên ngoài. Cháu ăn 1 tuần ngán tận óc” – bác sĩ Phạm Đăng Quỳnh, kể. Con trai của bác sĩ Quỳnh hiện làm việc ở bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, và tình trạng là ‘nội trú trong 1 tuần’ để hạn chế rủi ro lây nhiễm.

Kể từ ngày bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM bị phong tỏa, cứ mỗi buổi chiều, trước hàng rào ngoài cổng bệnh viện, bà Nguyệt Thanh cùng các thành viên trong gia đình hối hả chuyển hơn 300 phần cơm gửi vào các y – bác sĩ đang cách ly.

Là người trong ngành y tế, bà Nguyệt Thanh nói rằng đã lên thực đơn phù hợp với chế độ ăn của các hộ lý, điều dưỡng, bác sĩ – bởi họ trong bệnh viện làm việc rất mệt nên cơm phải thật ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng, và vì tính chất công việc nên đa phần các nhân viên y tế không ăn ngay, việc đóng gói cẩn thận sẽ giúp cơm và thức ăn bảo quản được lâu hơn.

Người ở Sài Gòn là vậy thôi mà!

Bạn tôi kể tôi nghe một chuyện thật 100%. Cách nay một tuần, từ trước 7 giờ sáng, anh ấy đã có việc phải đi ngang đường Ba Tháng Hai, khu nằm gần ngã tư Lý Thường Kiệt.

Nhìn thấy hai mẹ con nhà kia bán sữa đậu nành, đậu xanh, loại trong chai một lít mà ai cũng biết, nom họ nấu rõ là sạch sẽ, anh ngừng xe lại và hỏi mua 6 chai loại 25cl. Tất cả là 60.000 đồng.

Sẽ không có gì để nói khi lúc ấy chỉ mới 6 giờ 15 sáng. Bạn tôi đưa ra tờ 500.000, hỏi: “Chị có tiền thối giấy lớn này không?”.

Bà bán hàng lắc: “Em mới đẩy xe ra đây, anh là người mua đầu tiên đó. Tiền đâu em thối?”.

Bạn tôi lục hết túi quần, không có tờ tiền lẻ nào, đành: “Chị ơi, tôi chỉ có tờ này. Thôi cảm ơn chị”.

Lúc anh tính nhấn ga vọt đi thì bất ngờ, cô con gái nói xen vào: “Chú ơi, thôi chú cứ lấy hết 6 chai đi giúp con. Ngày mai quay lại, trả tiền con sau cũng được…”

Câu chuyện sau đó chỉ loanh quanh nhì nhằng có một nội dung, bạn tôi không chịu mua thiếu, “Mình đâu có thiếu tiền mà lại làm thế, vả chăng, đây cũng là lần đầu đôi bên biết nhau, làm sao mình có thể?” – Và phía bán, cứ kỳ kèo nhất định bán thiếu cho anh. Nhìn quanh chẳng có chỗ nào, hoặc chẳng có ai có thể đổi ra tiền nhỏ giúp mình, bạn tôi đành đi, sau một câu xin lỗi.

Nhìn cô gái ấy như muốn khóc vì gặp được người khách sộp đầu ngày mà không bán được hàng, bạn tôi kể, lòng anh ấy thấy bồn chồn kỳ lạ.

Cũng là câu chuyện hồi Sài Gòn ‘phong thành’ vào cuối tháng 5.

Chiều hôm ấy, người viết có việc phải đến giao dịch ở Hội sở Sacombank nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Sài Gòn. Lúc ra về cũng khoảng gần 16 giờ, đứa con đang chờ ở đó kể có một phụ nữ bán vé số dạo đã mời mua dùm, ‘vài tờ và ngày mai cậu trả tiền cũng được’… Người phụ nữ nói từ lúc dịch bùng đợt thứ tư, bên đại lý vé số buộc ‘mua đứt – bán đoạn’, không còn việc người đi bán dạo được trả vé ế trước 3 giờ chiều nữa.

“Buồn chứ cậu, nhưng thôi kệ, miễn mình còn được đi bán đồng ra, đồng vô cũng sống lây lất chờ mai này thôi cậu ơi…” – người phụ nữ bán vé số dạo nói.

Người ở Sài Gòn là vậy thôi mà!


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)