Phương Thảo
(VNTB) – Câu nói “Giặc ở sau lưng con đó!” đã không còn phù hợp nữa rồi, giờ giặc ở khắp nơi, trong mọi ngóc ngách, và vấn đề là chính quyền không chịu biết nó ở đâu để mà tránh, mà phòng cho dân …
Năm 2006, một học sinh lớp 12 ở Vĩnh Long đã xâm nhập vào trang web của Bộ Giáo dục và đào tạo. Trong đơn tường trình, học sinh trung học này cho biết đã phát hiện lỗi bảo mật, xâm nhập vào và để lại file cảnh báo vào tháng 7/2006. Nhưng khi quay lại vào 4 tháng sau thì lỗi bảo mật vẫn còn đó nên đã thay hình ảnh của bộ trưởng bằng chính hình ảnh của mình như một lời cảnh tỉnh.
Một số người Việt hải ngoại có lòng muốn giúp các nhà quản trị các trang mạng ở Việt nam khắc phục lỗi bảo mật khi họ phát hiện ra lỗi. Cùng thiện ý như học sinh trung học ở Vĩnh long là giúp các quản trị mạng khắc phục lỗi, những người Việt hải ngoại này nhận được thái độ phản ứng giống như những nhà quản trị trang mạng của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2006, đó là thái độ im lặng, phớt lờ lời cảnh báo. Những người giỏi thật sự và có tâm này đã một đi không trở lại khi thiện ý của họ đã bị vứt bỏ một cách không thương tiếc không phải chỉ một mà nhiều lần.
Năm 2015 Team Ghostshell đã công bố anh sách hàng trăm các trang mạng bị họ tấn công trong năm 20012-2013. Mục đích của nhóm này cũng nhằm để “chứng minh các an ninh mạng đáng trách ra sao và bảo mật trên internet đã không được cải thiện dù cho kỹ thuật và sản phẩm bảo mật tràn ngập gần đây”. Mục đích của họ không gì khác hơn là sự cảnh tỉnh. Trong số 450 trang mạng bị tấn công này có mặt cả các trang dulichvn.org.vn của Tổng cục Du lịch Việt nam cũng là nạn nhân. Nhưng Việt nam vẫn chưa chịu hiểu…
Mười năm không học…
Ngày 29/07/2016, Hacker tấn công làm tê liệt hệ thống check in của hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, màn hình hiện câu Biển Đông là lãnh thổ di sản của Trung Quốc mà báo chí lề phải chỉ dám nói là thông tin xúc phạm Việt nam. Lần này không chỉ là bản tin ngắn xuất hiện trên báo trong nước mà bản tin này được đăng tải trên nhiều báo chí ở nước ngoài vì một sự việc hi hữu trong một cơ quan tầm cỡ quốc gia cùng với sự chứng kiến của hàng chục ngàn người chờ làm thủ tục lên máy bay. Sự việc không thể còn bưng bít được nữa.
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines, sau cuộc tấn công mạng lại cũng cho rằng họ biết trước về cuộc tấn công 2 ngày trước và “ tất cả các giao dịch trực tuyến khách hàng đã thực hiện để thanh toán vé máy bay không bị ảnh hưởng.” Thêm vào đó, Vietnam Airlines còn thông tin rằng “ Các thông tin cá nhân bị lộ của 400.000 khách hàng chủ yếu là thông tin tên tuổi, điện thoại, đơn vị công tác…” như thể đây chỉ là tiểu tiết.
Sự việc thật sự không hề nhỏ và đủ nói lên cách nhìn nhận vấn đề còn hết sức nông cạn và hời hợt trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của người khác cũng như của chính bản thân mình. Không chỉ tài khoản Facebook, hộp thư điện tử, mà còn cả các thông tin liên quan vốn được nhiều người có kiến thức vô cùng hạn chế và ngây thơ về an toàn mạng tiết lộ công khai những chi tiết cá nhân như họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư ngụ, số điện thoại… Tất cả những thứ này có thể bị sử dụng để hack tài khoản cá nhân trên Facebook, xâm nhập hộp thư cá nhân để ăn cắp thông tin ngân hàng, thuế má, số an sinh xã hội… một cách dễ dàng, chưa kể đến việc có thể trở thành nạn nhân của danh tặc – identity theft.
Ngay cả những người trẻ đang sống trong môi trường điện tử hóa hoàn toàn ở nước ngoài còn phạm phải sai lầm đáng tiếc một cách ngờ nghệch chứ đừng nói những người ít sử dụng internet hay có zero kiến thức mạng thì sẽ còn có thể ngây thơ đến độ nào. Thậm chí không thiếu những người là dân công nghệ không chịu cầu thị, dám thừa nhận cái sai sót của mình cũng, chỉ vì cái tôi để bỏ lờ đi những lời khuyến cáo có ích trong quản trị mạng, hay chỉ vì sự thiển cận của các vị lãnh đạo mà chấp nhận một cái chết tuy bất ngờ có thể thấy trước được.
Cõng rắn cắn gà nhà…
Ở các cơ quan nhà nước trọng yếu ở các quốc gia Âu Châu, Mỹ không ai chọn mua máy tính có xuất xứ từ Trung quốc từ rất lâu trước khi Lenovo thừa nhận họ có cài malware trong máy tính.Các quốc gia này sử dụng máy tính sản xuất tại chính quốc vì lý do bảo mật thông tin và an toàn quốc gia cho dù giá việc sử dụng “ hàng tàu ” sẽ làm giảm giá thành khá lớn. Lý do? An ninh quốc gia là trên hết.
Trong khi đó ở Việt nam người ta vô tư sử dụng nhà thầu Trung quốc, thiết bị Trung quốc cho mạng viễn thông quân đội, các công trình trọng yếu như điện, nước, giao thông chỉ vì giá thầu thấp. Họ chỉ nhìn mức giá thấp mà quên đi việc bảo mật thông tin, công trình trọng yếu. Nếu có đi tới các công trình “ quan trọng” sẽ có bảng cấm chụp hình, nhưng họ không biết rằng vệ tinh có thể chụp mọi thứ rõ mồn một từ trên cao cũng như họ chưa bao giờ hình dung thật ra cuộc chiến trên mạng sẽ có dung nhan và tác hại như thế nào.
Từ đầu năm 2015 các chuyên gia đã cho biết các máy tính Lenovo được sản xuất tại Trung Quốc có cài malware – phần mềm có chứa virus, phần mềm gián điệp-spyware, sâu máy tính-worm hay trojan –có khả năng phá hủy dữ liệu trên máy tính, cho đến backdoor mà các phần mềm virus không thể phát hiện được vào cuối năm 2015.
Bao nhiêu người Việt trong nước thật sự biết phải tránh xa Lenovo, hay điện thoại Huawei- sản phẩm 100% made in China- giờ lại trở nên phổ biến vì có cô ca sỹ nổi tiếng làm đại diện trong khi chính quyền Việt nam trải thảm đỏ rước các nhà thầu và công nghệ Trung Quốc công khai từ ngõ trước vào nhà.
Cuộc chiến giờ đây không phải chỉ có ôm súng đánh nhau mà chỉ là những đòn cân não quyết định khi nào cần cú nhấp chuột hay những câu lệnh trên mạng ảo để có thể làm tê liệt cuộc sống thật một phần hay hoàn toàn. Việt nam sẽ làm gì khi hackers làm vô hiệu hóa các nhà máy điện và đường giao thông hay khi hackers làm tê liệt đài kiểm soát không lưu, hay tiền của các ngân hàng Việt nam bị đánh cắp do sự yếu kém về bảo mật?
Ai đoán biết thiệt hại sẽ tới dường nào khi thật sự có biến? Câu nói “Giặc ở sau lưng con đó!” đã không còn phù hợp nữa rồi, giờ giặc ở khắp nơi, trong mọi ngóc ngách, và vấn đề là chính quyền không chịu biết nó ở đâu để mà tránh, mà phòng cho dân …