VNTB – Tách, nhập vụ án hình sự: tùy nghi vào cách nhìn nhận của tư pháp

VNTB – Tách, nhập vụ án hình sự: tùy nghi vào cách nhìn nhận của tư pháp

Hà Nguyên

 

(VNTB) –  Nếu bà Nguyễn Phương Hằng được “nhập án”, giả dụ như bà có tội khi tuyên án, thì khung hình phạt cao nhất chỉ là 7 năm.

 

Trường hợp bị can bị khởi tố bởi nhiều cơ quan điều tra về cùng một tội danh mà được nhập vụ án thì đối tượng sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng là “phạm tội nhiều lần”. Tuy nhiên điều này cũng sẽ có lợi như trường hợp bị can Nguyễn Phương Hằng chẳng hạn.

Công an TP.HCM đã ra lệnh tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng thêm gần 2 tháng. Song song đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố bà Hằng về tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ. Hiện cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án tới Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố đối với bà Nguyễn Phương Hằng.

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan bà Nguyễn Phương Hằng. Sau khi tiếp nhận hồ sơ từ Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra lệnh tạm giam bà Phương Hằng thêm gần 2 tháng. Lệnh này đã được Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM phê chuẩn.

Nếu có yếu tố “chạy án” trong vụ việc nói trên thì thân nhân của bà Nguyễn Phương Hằng sẽ “lobby” sau đó để “nhập vụ án” này làm một lúc xét xử.

Theo đó, nhập hoặc tách vụ án trong giai đoạn truy tố, tại Điều 242 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau: ‘‘1. Viện Kiểm sát quyết định nhập vụ án khi thuộc một trong các trường hợp: a) Bị can phạm nhiều tội; b) Bị can phạm tội nhiều lần; c) Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.

Viện Kiểm sát quyết định tách vụ án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây nếu xét thấy việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện và đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can: a) Bị can bỏ trốn; b) bị can bị mắc bệnh hiểm nghèo; c) Bị can bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”.

Viện Kiểm sát quyết định nhập vụ án khi thuộc một trong các trường hợp như trong giai đoạn khởi tố của cơ quan điều tra, khi nhập vụ án để truy tố cần lưu ý không được nhập các vụ án để truy tố nếu các vụ án đó là những vụ án riêng biệt, các tội phạm đã được thực hiện không có quan hệ với nhau hoặc hoạt động của các bị can trong các vụ án đó không có quan hệ với nhau.

Việc nhập vụ án trong các trường hợp nêu trên tạo điều kiện xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án, xác định đúng bị can có đồng phạm hay không đồng phạm, tiết kiệm chi phí, thời gian của người tiến hành và tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, luật tố tụng không quy định bắt buộc phải nhập hoặc tách vụ án, mà đây là quy định tùy nghi nên còn có những quan điểm cách hiểu áp dụng khác nhau, chưa thống nhất; có những trường hợp theo quy định phải nhập vụ án thì cơ quan điều tra lại tách vụ án gây bất lợi cho người phạm tội, có những trường hợp phải tách vụ án nhưng cơ quan điều tra lại nhập vụ án dẫn đến việc giải quyết vụ án không đúng thẩm quyền xét xử của tòa án.

Trong cụ thể trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng thì nếu bà được “nhập án”, có nghĩa lúc tuyên án, giả dụ như bà có tội, thì đó chỉ là khung hình phạt cao nhất mà bà nhận chỉ là 7 năm.

Còn nếu cả toà ở TP.HCM và toà Bình Dương xét xử độc lập và tuyên án thì sau đó sẽ tổng hợp hình phạt lại, lúc đó chắc chắn con số sẽ nặng nề hơn. Đương nhiên nếu toà tuyên bà Hằng không có tội thì cơ quan tố tụng phải xin lỗi bồi thường.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)