Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tài nguyên dầu mỏ ở Việt Nam là con bò ‘cạn sữa’?

Ngọc Lan

 

 (VNTB) – Đại biểu quốc hội: cân nhắc, xem xét tăng sản lượng khai thác dầu  mỏ  để bù đắp, thu ngân sách.

 

Trước áp lực của ngân sách nhà nước khó khăn, kiến nghị mới đây tại Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Phú Cường cho rằng hiện giá dầu tăng lên 70 – 80 USD/thùng thì có thể cân nhắc, xem xét tăng sản lượng khai thác để bù đắp, thu ngân sách.

Tuy vậy, ông Hồ Đức Phớc – bộ trưởng Bộ Tài chính – cho hay cũng đã đặt vấn đề này nhưng qua làm việc với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), khả năng tăng sản lượng khai thác dầu thô trong năm 2022 là khó.

Nguyên nhân là tài nguyên tại các mỏ khai thác lâu nay suy giảm, việc gia tăng sản lượng tiềm ẩn rủi ro cho an toàn các mỏ, ông Phớc cho hay việc khai thác dầu thô ở mức 7 triệu tấn là phù hợp.

Đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau, ông Lê Mạnh Hùng – tổng giám đốc PVN – cho hay việc khai thác mỏ phụ thuộc nhiều vào việc đầu tư nhưng Luật dầu khí chưa sửa được, hiện Việt Nam chưa có mỏ mới, hợp đồng mới, cơ bản vẫn là các mỏ cũ. Vì vậy, muốn tăng khai thác mỏ phải phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, điều kiện kỹ thuật. Cụ thể, để tăng sản lượng với các mỏ đã khai thác, phải dùng giải pháp kỹ thuật song cũng chỉ là hỗ trợ, có thể thành công hoặc không.

Cũng theo ông Hùng, để có thể khai thác được mỏ dầu, cần phải đầu tư mất hàng chục năm, để thăm dò trữ lượng, tìm kiếm thăm dò, phát triển khai thác mới có sản lượng. Thời gian qua việc đầu tư bị hạn chế nên không có trữ lượng và không thể có sản lượng ngay được.

Thông tin thêm về vấn đề này, PVN cho hay hiện phần lớn các mỏ dầu khí đang khai thác ở nước ta đều được đưa vào khai thác trong giai đoạn từ 1986 – 2015. Nhiều mỏ đóng góp sản lượng lớn đều đã khai thác được 15 – 35 năm, đang ở giai đoạn cuối đời mỏ. Độ ngập nước trung bình của các mỏ này hiện đã ở mức 50% – 90% dẫn đến sản lượng suy giảm tự nhiên khoảng 15% – 25%/năm.

Trong khi đó, do hạn chế về cơ chế chính sách nên hoạt động tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng giảm nhiều so với trước. Nguồn bổ sung vào khai thác hằng năm cũng hạn chế, tất yếu dẫn đến đà suy giảm sản lượng. Ngoài ra, kế hoạch khai thác khí của PVN dự kiến cũng sẽ giảm do tình hình tiêu thụ khí hết sức khó khăn, đặc biệt là tiêu thụ khí cho điện giảm sút mạnh. Đơn cử, 9 tháng đầu năm, huy động khí cho điện chỉ bằng khoảng 72% so với cùng kỳ và bằng 70% kế hoạch, thấp hơn kế hoạch giao, làm ảnh hưởng chung khai thác các mỏ.

Ở góc nhìn khác, ông Lê Văn Nghiêm – cựu Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông – nhận định rằng chuyện khai thác dầu khí của Việt Nam luôn vấp trở ngại từ Trung Quốc, đơn cử như hoạt động mà Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam gọi là các tàu Trung Quốc hoạt động trái phép ở khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam nhằm ngăn cản các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam.

Ông Lê Văn Nghiêm diễn giải: Theo quy định của luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế, các nước có vùng biển hợp pháp chồng lấn nhau, thì có thể tiến hành khai thác chung, cùng chia sẻ lợi ích, trong khi chưa phân định được vùng biển chồng lấn.

Nhưng khai thác chung theo điều kiện của Trung Quốc về bản chất hoàn toàn khác. Trung Quốc đề nghị tiến hành khai thác chung tại vùng biển của Việt Nam, không hề có tranh chấp hay chồng lấn với vùng biển hợp pháp của Trung Quốc. Do đó, chủ trương khai thác chung do Trung Quốc đưa ra thực chất là cái bẫy chủ quyền, biến vùng biển hợp pháp của nước khác thành vùng biển tranh chấp, rồi từ đó chiếm đoạt vùng biển của nước khác.

Bước tiếp theo, nếu Việt Nam và các nước không chấp nhận phương án khai thác chung của Trung Quốc, thì Trung Quốc đe dọa sẽ đơn phương tiến hành nghiên cứu, thăm dò và khai thác tài nguyên dầu khí trong vùng biển Việt Nam và các nước.

Các bước đi này nằm trong chiến lược của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông, kiểm soát hoàn toàn tài nguyên trong Đường lưỡi bò, chiếm 80% diện tích Biển Đông.

Theo thống kê từ năm 2015 đến nay, sản lượng dầu trong nước liên tục sụt giảm, từ mức 16,9 triệu tấn năm 2015; xuống 15,2 triệu tấn năm 2016; 13,4 triệu tấn năm 2017; 12 triệu tấn năm 2018; 11 triệu tấn năm 2019; 9,7 triệu tấn năm 2020 và dự báo tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Vì vậy, cùng với giải pháp để đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng, PVN cho rằng cần giải quyết những vấn đề như xử lý các khó khăn vướng mắc liên quan đến sự đe dọa của Trung Quốc ở 2 dự án trọng điểm về dầu khí, là dự án khí Lô B và dự án khí Cá Voi Xanh để có thể đưa hai mỏ này vào khai thác theo kế hoạch.

Ngoài ra sớm phê duyệt cơ chế hoạt động cho một số lô dầu khí, thay đổi các điều kiện phân chia giữa nhà nước Việt Nam và nhà thầu ngoại quốc.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thế nào là hiểu đúng về vụ chính quyền sách nhiễu nhà thờ ở Kontum?

Do Van Tien

VNTB – Tăng mức đóng bảo hiểm y tế

Trương Thế Tử

VNTB – Nhân viên y tế nghỉ việc để đi đâu?

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo