Nguyễn Nam
(VNTB) – Gần như tất cả các ngôi sao cải cách mang tên PCI như Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai,… và nay là Quảng Ninh đều có số phận tương tự nhau: vào lò.
Họ tỏa sáng rực rỡ, phát triển ngoạn mục, vượt lên tất cả bằng những cải cách khác biệt. Và rồi nhiều người vô lò, hào quang của ngôi sao lịm dần. Họ đã đục trần như thế nào? Có đục trần không? Không đục thì có phát triển vậy không?
Những câu hỏi đó và hơn nữa cần được lý giải, nhất là khi nhiều người bị kết luận là vi phạm “rất nghiêm trọng”.
Hay cứ nhô là xén?
Chỉ số PCI là tên viết tắt tiếng Anh của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index) – Chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Chỉ số PCI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để đánh giá.
Hôm 5-10 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Bộ Chính trị và Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Theo đó, Tổng bí thư đưa ra kỷ luật Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015 – 2020, và ‘án tuyên’: cách chức tất cả chức vụ trong Đảng của nguyên bí thư Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc.
Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các ông Nguyễn Đức Long, Đặng Huy Hậu, Vũ Xuân Diện, bà Vũ Thị Thu Thủy, Nguyễn Ngọc Thu, Trần Văn Hùng vốn là những quan chức đầu tỉnh Quảng Ninh.
Khoan bàn trúng – trật ở đây cho nghi vấn phe cánh chính trị triệt hạ nhau, nếu quả tình các quan chức kể trên đã sai phạm vậy thì cần lý giải ra sao khi 6 năm liên tiếp tỉnh Quảng Ninh giành quán quân PCI.
“Liên tục trong 7 năm (2016-2022) Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10%. Riêng năm 2022 tăng trưởng GRDP đạt 10,28%, quy mô GRDP của tỉnh đạt gần 270.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc). Tổng thu ngân sách nhà nước, nhất là thu nội địa của Quảng Ninh luôn đứng trong TOP đầu cả nước.
Quý I/2023 dù trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức Quảng Ninh vẫn giữ vững đà tăng trưởng GRDP 8,06% của địa phương là một cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc” – trích phát biểu tại Lễ công bố Chỉ số PCI năm 2022 của ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh.
“Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước đến nay 6 năm liên tiếp (từ 2017-2022) giữ vị trí Quán quân PCI và 10 năm liền (từ năm 2013-2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Duy trì tính liên tục theo trật tự tuyến tính trên trục thời gian suốt 10 năm qua, chỉ số PCI của Quảng Ninh hàm chứa trong đó là lòng tin chiến lược của nhà đầu tư, của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh về thành tích.
Vẫn theo ý kiến của ông Nguyễn Xuân Ký, thì Chỉ số PCI được công bố là những “con số biết nói”, ẩn chứa đằng sau là các động lực thúc đẩy bởi các tác nhân thể chế, thiết chế tổ chức, chuyển đổi số, nhân lực, nhưng tất cả đều hội tụ ở nhân tố con người.
Ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh rằng bằng sự nêu gương, làm gương của người đứng đầu qua hành động thực tế, “nhiệt huyết và truyền lửa” nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. “Đó là chính sách thu hút, lựa chọn đúng người thực đức, thực tài trong bộ máy lãnh đạo, quản lý, mạnh dạn bố trí, sử dụng ở các vị trí phải chịu trách nhiệm “đứng mũi chịu sào” trong bối cảnh đầy khó khăn, thử thách như năm 2022” – ông Ký diễn giải.
Giờ thì với ‘mức án’ mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ‘tuyên’, liệu sắp tới đây các quan chức có còn mặn mà việc cải cách theo các Chỉ số PCI để rồi lại là phiên bản X.Y.Z của Quảng Ninh hôm nay?
Tham khảo
https://pcivietnam.vn/du-lieu-pci