Việt Nam Thời Báo

VNTB- Tại sao cần luật biểu tình?

Quỳnh Hương


(VNTB) – Trong bối cảnh Việt Nam, có hai đối tượng có khả năng xây dựng luật, một là chính quyền hiện tại, hai là lực lượng dân sự xã hội (DSXH) hiện tại.

Dự luật biểu tình 2015 do Hội nhà báo Độc lập Việt Nam đưa ra trong tuần đã thu hút nhiều sự chú ý của giới dân sự xã hội, truyền thông bên ngoài.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ vì tính cần kíp của nó, nhưng bên cạnh đó, cũng tồn tại những ý kiến không ủng hộ.

Một trong số đó là blogger Nguyễn Hoàng Vi. Trong trả lời phỏng vấn RFA, cô cho biết: “Tôi không ủng hộ luật biểu tình vì trong hiến pháp đã công nhận biểu tình là quyền của công dân rồi mà ra luật biểu tình thì tôi nghĩ nếu ra luật sẽ hạn chế quyền của mình nên tôi không ủng hộ. Điều gì không cấm thì mình cứ làm.”

Luật để làm gì?
Có nhẽ, blogger Hoàng Vi đã chưa hiểu đúng về luật và quyền, vốn “khác nhau, cũng như nghĩa vụ khác với tự do, không thể coi là nhất quán trong một vấn đề.”

Trong “Thư phát động cuộc vận động luật Biểu tình” có ghi rõ “Tự do ngôn luận sẽ chẳng thế có nếu như công dân không có quyền sử dụng không gian công cộng để bày tỏ quan điểm của mình.”

Quyền là sự ghi nhận, nhưng để đưa vào đời sống cộng đồng, thì cần phải có luật. Luật đảm bảo sự diễn giải đúng quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp trên cơ sở điều chỉnh hành vi con người, chỉ ra nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân nhằm thực thi quyền đó một cách có trật tự, nhằm tránh sự hỗn mang thông qua lợi dụng, hoặc thực hiện thái quá một quyền bất kỳ trong đời sống xã hội.

Bởi rằng, luật tự nhiên (lex naturalis) không đủ đảm bảo duy trì những nguyên tắc cấm làm tổn hại cuộc sống, do đó Luật ra đời để xác định ràng buộc quyền tự do đó. [1]

Không phải ngẫu nhiên mà Điều 4 của Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp (1789) ghi rõ: “Tự do bao gồm quyền có thể làm mọi điều không gây hại cho người khác. Như vậy, việc thực hành các quyền tự nhiên của mỗi người chỉ bị giới hạn trong việc bảo đảm cho các thành viên khác của xã hội được hưởng các quyền đó, các giới hạn này chỉ có thể do luật pháp quy định.” Điều đó cho thấy, “tự do là quyền được làm tất cả những điều mà luật cho phép”.

Việc tiến hành xây dựng Luật biểu tình không làm “hạn chế quyền”, mà ngược lại còn gia tăng khả năng thực hiện quyền được bày tỏ chính kiến ở nơi công cộng của người dân, dưới sự đảm bảo thực thi quyền và nghĩa vụ giữa đoàn biểu tình và nhân viên công lực trên cơ sở luật đã đề ra (Điều 6, Điều 7). Ngăn chặn, hạn chế các hành vi lạm dụng quyền biểu tình để xâm hại quyền lợi của quốc gia, hay xâm hại lợi ích của người khác, cộng đồng (Điều 5, Điều 9). Về phía người dân, luật ra đời cũng ngăn chặn các hành vi xâm hại hoặc tìm cách xâm hại, trả thù hoặc tìm cách trả thù người biểu tình của nhân viên công lực đối với một quyền đã ghi nhận trong Hiến Pháp (Điều 8).

Đó cũng là vì sao trong khoản 3 Điều 3 (Phạm vi điều chỉnh) của Dự luật Biểu tình 2015 có ghi rõ “Quyền biểu tình của công dân chỉ có thể bị giới hạn bởi Điều 9 của Luật Biểu tình. Việc giới hạn cũng không làm mất đi bản chất của quyền này.” Tiếp đó, Điều 9 của Dự luật cũng đưa ra ba khoản giới hạn biểu tình nhằm ngăn ngừa hành vi chống lại xã hội thông qua cổ vũ khủng bố, tấn công dịch vụ công ích, kỳ thị sắc tộc, tôn giáo… Và để minh bạch về ngôn ngữ, nhằm tránh bị lợi dụng khi áp dụng luật vào thực tế, Điều 4 của Dự luật lại tiếp tục giải thích các từ ngữ có thể gây ra hiểu lầm.

Như vậy, luật càng quy định chặt chẽ và hợp lý bao nhiêu thì sự tự do càng tăng lên bấy nhiêu, đảm bảo không ảnh hưởng hay lạm dụng tự do cá nhân, nhóm người bất kỳ để tấn công vào tự do cá nhân, nhóm người khác. Không phải tự dưng mà mỗi bộ luật ra đời là một mốc tiến của quyền con người tại Việt Nam (nếu chỉ xét trên phương diện lý thuyết). Do đó, muốn thực thi quyền tự do ngôn luận, quyền được bày tỏ chính kiến nơi công cộng (biểu tình) thì cần phải có Luật Biểu tình ra đời!

Thứ hai, “Luật sẽ hạn chế quyền” chỉ đúng khi nó được soạn thảo với sự mập mờ các khái niệm, câu chữ, điều khoản, dẫn đến diễn giải sai lệch, làm lợi cho một cá nhân, nhóm người nhất định nào đó (như Điều 258).

Quyền sẽ khó được thực thi, thể hiện đầy đủ cũng như dễ bị lạm dụng để trấn áp hoặc xâm phạm lợi ích của người khác nếu như không có Luật ra đời để diễn giải và hướng dẫn thực thi quyền trong thực tế.

Cái khó thực thi đầy đủ quyền được ghi nhận đó chính là câu trả lời vì sao về chính quyền Việt Nam vẫn đang tìm mọi cách trì hoãn Luật Biểu tình và Luật trưng cầu dân ý, mặc cho nó được ghi nhận trong Hiến Pháp 2013 cũng như đòi hỏi cấp bách từ xã hội mà ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập chỉ ra. [2]

Để tránh tình trạng “hạn chế quyền” trong Luật, phải tiến hành xây dựng luật một cách chặt chẽ và dân chủ từ đầu, và liên tục sửa đổi, bổ sung theo thực tiễn xã hội trong những lần tiếp theo.

Cần hợp lực

Trong bối cảnh Việt Nam, có hai đối tượng có khả năng xây dựng luật, một là chính quyền hiện tại, hai là lực lượng dân sự xã hội (DSXH) hiện tại.

Vậy để cho ra đời Luật biểu tình dân chủ, chặt chẽ thì các lực lượng dân sự xã hội tại Việt Nam cần phải nắm quyền chủ động xây dựng bộ luật trên tinh thần dân chủ, sau đó tiến hành kiến nghị nhà nước xem xét và về phía các lượng lực DSXH cũng tiếp tục phản ánh nhằm xây dựng bộ luật dân chủ nhất.

Nắm quyền chủ động, đồng tâm hợp lực trong vận động, góp ý, thảo luật Dự luật Biểu tình 2015 của giới dân sự xã hội trong và ngoài nước, giữa các cá nhân người Việt Nam chính là cách để làm chủ quyền mà mình đáng ra được hưởng, không giao phó việc xây dựng Luật cho một nhóm người vốn có ý định duy trì sự độc tài, nhưng lại thiếu tinh thần độc tôn pháp luật nữa.

Chính dự luật Biểu tình 2015, một khi được áp dụng trong thực tế, sẽ xóa bỏ Điều 258 và các điều khoản phi lý đang tồn tại trong Hiến Pháp, trong các bộ luật khác của Việt Nam thông qua việc gây sức ép, biểu thị tiếng nói, kháng nghị dưới dạng tâp hợp tại chỗ, tuần hành của nhiều giai tầng trong cả nước.


[1] Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội, 2011. Tư tưởng về Quyền con người, Hà Nội.
[2]voatiengviet.com/content/xa-hoi-dan-su-xay-dung-luat-bieu-tinh/2661551.html

Tin bài liên quan:

Đại biểu hối thúc Luật Biểu tình khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền

Phan Thanh Hung

Chủ quyền đẻ ra nhân sự?

Phan Thanh Hung

Đại biểu Quốc hội Việt Nam hối thúc thông qua luật biểu tình

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.