Anh Quân
(VNTB) – Hoa Kỳ và đồng minh NATO đã bỏ ra rất nhiều tiền của để giúp Ukraine trong cuộc chiến này.
Tuần qua, đề xuất cung cấp máy bay chiến đấu cho quân đội Ukraine của Ba Lan làm cho nhiều người ủng hộ nước này vui mừng và những người ủng hộ Nga lo lắng. Tuy vậy, đến nay, có vẻ đề xuất này vẫn chưa được thực hiện. Tại sao vậy?
Theo báo chí, sự việc đổ bể sau khi Ba Lan đề nghị chuyển các máy bay này đến một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Đức. Chính phủ Đức cho biết họ không muốn liên quan (1). Chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ có thể bù cho Ba Lan bằng các chiến đấu cơ do họ sản xuất và không muốn là phía trao máy bay cho Ukraine (2).
Cả ba quốc gia, Hoa Kỳ, Đức và Ba Lan đều ủng hộ Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga và đã cung cấp các vũ khí khác cho Ukraine. Hoa Kỳ đã hoàn tất gói viện trợ quân sự trị giá 350 triệu Mỹ kim cho Ukraine (3). Quốc hội Hoa Kỳ cũng vừa thông qua gói viện trợ trị giá 13,6 tỷ USD. Trong đó, một nửa là viện trợ quân sự (4). Đức cũng đã trực tiếp gửi vũ khí sát thương cho Ukraine. Ít nhất 1.000 hỏa tiễn chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger đã được quốc gia này cung cấp cho phía Kiev (5). Vũ khí do các quốc gia thuộc khối NATO cũng được gửi qua ngả Ba Lan. Bản thân nước này cũng đã gửi nhiều đoàn xe chở đạn cho Ukraine. Ba Lan còn dự định gửi máy bay không người lái, hệ thống phóng hỏa tiễn cho quân đội nước này (6). Như vậy, có thể nói, cả ba quốc gia, Hoa Kỳ, Ba Lan, và Đức đều đang chủ động cung cấp vũ khí cho Kiev. Họ đang tham gia gián tiếp vào cuộc chiến này.
Tại sao Ba Lan không trực tiếp giao cho Ukraine? Nếu nước này rơi vào tay Nga, Ba Lan sẽ trở thành tiền tuyến của NATO trong một cuộc đối đầu có thể xảy ra với Nga. Nếu Warsaw đơn phương cung cấp phi cơ chiến đấu cho Ukraine và sau này, Nga viện cớ này để gây hấn với Ba Lan, liệu NATO hay Hoa Kỳ có bảo vệ họ không? Đây là một câu hỏi mà rõ ràng làm người Ba Lan phải lo lắng. Có lẽ vì thế, họ muốn có sự can dự của Hoa Kỳ và NATO.
Một trong những giải pháp để Hoa Kỳ chịu trách nhiệm chính là đưa các máy bay này đến một căn cứ quân sự của Mỹ và giao cho Ukraine từ đó. Căn cứ gần nhất là Ramstein Air Base, ở Đức (7). Để đến căn cứ này, các chiến đấu cơ này cũng không phải bay qua quốc gia nào khác. Do đó, làm cho việc chuyển giao dễ dàng hơn.
Tại sao cả Hoa Kỳ không muốn liên quan đến việc cung cấp máy bay này? Washington giải thích rằng việc cung cấp thêm khoảng trên 20 máy báy chiến đấu cho Ukraine không làm thay đổi đáng kể cán cân lực lượng giữa nước này và Nga. Họ cũng cho biết việc chuyển giao máy bay từ lãnh thổ của NATO cũng làm các nước trong khối này lo lắng (8).
Như vậy, có lẽ Ba Lan không muốn gánh trách nhiệm một mình và NATO không muốn leo thang có thể là những lý do tại sao yêu cầu gửi chiến đấu cơ của Ukraine chưa được đáp ứng.
Rõ ràng, ở một mức độ nhất định, NATO đã gián tiếp tham gia vào cuộc chiến Ukraine-Nga qua việc cung cấp vũ khí. Các vũ khí này đã gây tổn hại đáng kể cho quân Nga và có lẽ đã góp phần đáng kể trong việc ngăn Moscow giành được một chiến thắng thần tốc.
Tuy vậy, Hoa Kỳ và các đồng minh NATO đã bỏ ra rất nhiều tiền của để giúp Ukraine trong cuộc chiến này. Lẽ nào họ không muốn Kiev giành chiến thắng, đẩy quân đội Nga ra khỏi quốc gia của họ? Một mặt, phương Tây tin rằng trước hay sau gì, Nga cũng thua vì không được dân Ukraine ủng hộ. Cho dù có chiếm được nước này và lật đổ được chính quyền của Tổng Thống Zelensky, Nga cũng không đủ quân và nguồn lực để chiếm đóng lâu dài. Afghanistan là ví dụ rõ ràng cho cả Nga và Mỹ. Cả hai đều đã phải bỏ cuộc sau khi chiếm đóng nước này. Nga rút khỏi Afghanistan sau 10 năm chiếm đóng, hơn 14 ngàn quân Nga bị giết, hơn 50 ngàn bị thương (9). Tương tự, Hoa Kỳ cũng rút khỏi nước này sau 20 năm chiếm đóng, mất hơn 2 ngàn quân (10) và chi hơn 2.000 tỷ Mỹ kim (11). Theo một ước tính, lực lượng chiếm đóng cần khoảng 25 binh sĩ để quản lý 1.000 dân (12). Như vậy, để quản lý 43 triệu dân Ukraine, Nga cần 860 ngàn quân, gần như toàn bộ số quân hiện có của quốc gia này. Do đó, dù chưa xét tới vấn đề chi tiêu, Nga chắc chắn sẽ phải rút. Và khi họ rút, chính quyền bù nhìn mà họ lập lên cũng sẽ sụp đổ chóng vánh như chính phủ của Ashraf Ghani, năm 2021, và Mohammad Najibullah, năm 1992, ở Afghanistan.
Mặt khác, Hoa Kỳ cho rằng họ cần thận trong trong việc giúp đỡ Ukraine vì Nga là một cường quốc hạt nhân. Chính Tổng thống Putin cũng đã đe dọa sử dụng loại vũ khí này (13). Việc Nga có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không có lẽ chỉ được quyết định bởi một người và rất khó có thể xác định liệu xác suất xảy ra việc đó cao hay thấp và trong điều kiện nào nó sẽ xảy ra (14). Tuy vậy, nếu nó xảy ra, hậu quả sẽ rất khủng khiếp. Do đó, đây cũng là một lo lắng có cơ sở.
Kẹt ở giữa các tính toán này là dân tộc Ukraine anh dũng và yêu tự do. Xa hơn nữa, các quốc gia nhỏ đối diện với một trật tự thế giới mà các nước lớn sẽ quyết định theo ý chí của họ thay vì theo luật pháp quốc tế.
_______________
Tài liệu tham khảo
2. https://www.cnn.com/2022/03/09/politics/ukraine-russia-poland-fighter-jets/index.html
5. https://www.bbc.com/news/world-europe-60541752
7. https://www.europeafrica.army.mil/Garrisons/
8. https://www.youtube.com/watch?v=DYt9gqzwu74
9.https://en.wikipedia.org/wiki/Soviet%E2%80%93Afghan_War#Soviet_personnel_strengths_and_casualties
10. https://en.wikipedia.org/wiki/United_States_military_casualties_in_the_War_in_Afghanistan
11. https://watson.brown.edu/costsofwar/costs/economic