Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tăng lương một tay, lấy lại một tay

Châu Nam Việt

 

(VNTB) – Lương cơ sở tăng nhưng người dân nghèo vẫn nghèo thêm.

 

Mới đây, nhà cầm quyền Việt Nam đã đưa ra thông báo tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ theo mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu kể từ ngày 1/7/2024. Việc tăng lương cơ sở là một biện pháp của Nhà nước nhằm cải thiện đời sống của người lao động, nâng cao thu nhập, và giảm bớt áp lực tài chính.

Tuy nhiên đây có lẽ là chiến lược “thả con tép bắt con tôm” của nhà nước. Khi mà lương cơ sở được tăng lên vài trăm ngàn mỗi tháng thì kéo theo đó là các khoản chi phí khác cũng tăng theo chứ không hề giảm hay giữ nguyên. Vì vậy, người lao động dù có thu nhập cao hơn, vẫn phải chi nhiều hơn cho các dịch vụ cơ bản.

Điển hình là dịch vụ bảo hiểm y tế. Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng bảo hiểm y tế là một phần quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, giúp bảo vệ sức khỏe cho người dân và giảm bớt gánh nặng tài chính khi gặp rủi ro về sức khỏe ở các nước phát triển. Nhưng ở Việt Nam thì khác. Giảm gánh nặng đâu không thấy chỉ thấy gánh ngày càng nặng, bởi người lao động đang phải chi thêm một khoản tiền không nhỏ hàng tháng, nhưng việc được bảo hiểm y tế chi trả khi đau ốm thì vô cùng khó khăn.

Bên cạnh đó, việc tăng giá bảo hiểm y tế trong bối cảnh dịch vụ y tế không cải thiện tương xứng hiện cũng là một vấn đề gây ức chế cho người dân. Ví dụ khi tới bệnh viện, nộp thẻ bảo hiểm lên thì  bị phân biệt đối xử giữa “giường bảo hiểm” với “giường dịch vụ”, “khám bảo hiểm” và “khám dịch vụ”…  

Nhiều người đã phản ánh rằng mặc dù đóng bảo hiểm y tế với mức phí ngày càng cao, nhưng họ vẫn phải đối mặt với tình trạng quá tải tại các bệnh viện công như không có đủ giường để người bệnh nằm, thời gian chờ đợi lâu, và chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng được mong đợi.

Ngoài ra, việc thiếu hụt trang thiết bị y tế, thuốc men và đội ngũ y bác sĩ có tay nghề đã khiến người dân mất lòng tin đối với hệ thống an sinh xã hội Việt Nam. Theo báo cáo của 1.076 sơ sở y tế trên toàn quốc, trong tháng 10/2023, có 67,41% đơn vị báo cáo đã đủ thuốc cung ứng cho hoạt động khám, chữa bệnh và 38,59% đơn vị báo cáo có tình trạng thiếu thuốc cục bộ.(1) 

Thêm vào đó, Nhà nước tăng lương cơ sở nhưng lại không có các biện pháp cụ thể nào để kiểm soát giá cả và ổn định kinh tế thì sớm muộn gì cũng dẫn đến lạm phát. Khi lạm phát xảy ra, giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng, khiến sức mua của người lao động cũng giảm theo. Người dân nhận được mức lương cao hơn, nhưng thực tế thì cuộc sống của họ vẫn không được cải thiện, thậm chí còn khó khăn hơn do chi phí sinh hoạt tăng cao.

Mới nhất, giá xăng ngày 04/7 đã tăng 540 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ 4 liên tiếp. Như vậy, lương tăng 1 đồng, nhưng xăng và rất nhiều dịch vụ hàng hoá khác cũng sẽ tăng theo từ 2-3 thậm chí 10 đồng. Vậy thì cho dù có tăng lương nhưng người dân vẫn khổ hoàn khổ. Đó là đối với những người làm công ăn lương. Còn với những gia đình có thu nhập thấp với nhiều người lao động không có lương cơ sở thì tình hình còn khó khăn hơn như nông dân, và những người lao động tự do khác.

Quả thật, khi nhà nước đưa ra một quyết sách mới, thì cần phải coi lại toàn diện xem người dân được hưởng lợi bao nhiêu phần trong đó. Còn việc “tăng lương một tay, lấy lại một tay” này thì người dân đã quá quen. Nếu thật sự muốn tốt cho dân thì những người làm chính sách phải có những chiến lược đồng bộ và toàn diện hơn. 

_____________

Tham khảo:

https://baochinhphu.vn/bo-truong-y-te-giai-trinh-van-de-thieu-thuoc-vat-tu-y-te-102231101162124699.htm

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – ​Hồ sơ: Vụ án Tamiflu

Phan Thanh Hung

VNTB – Tham nhũng trong ngành y tế vẫn là tảng băng chìm

Phan Thanh Hung

VNTB – Bộ Y tế: bộ bảo thủ?!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo