Khánh An dịch
(VNTB) – Vào ngày sinh nhật thứ 100, ĐCSTQ tự hào rằng chế độ chuyên quyền tốt hơn chế độ dân chủ phương Tây.
Với tất cả những ai tin rằng ai cũng được hưởng những quyền bất khả xâm phạm như quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, và chính phủ công bằng có được quyền lực nhờ sự đồng thuận của người dân, thì thật đáng báo động khi nghe thấy những tràng pháo tay và tiếng hò reo chào đón Tập Cận Bình. Ngày 1 tháng 7, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Phát biểu tại Quảng trường Thiên An Môn, nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết rằng bất kỳ nước ngoài nào cố gắng bắt nạt Trung Quốc sẽ “húc đầu vào Vạn Lý Trường Thành bằng thép, được rèn từ máu thịt của hơn 1,4 tỷ người Trung Quốc”. ĐCSTQ bóp chết quyền tự do cá nhân bằng sự tàn nhẫn chuyên chế. Tuy nhiên, lãnh đạo TQ chắc chắn rằng họ điều hành quốc gia với sự đồng thuận của đại đa số dân chúng. Kết quả là họ tuyên bố được hưởng nhiều tính chính đáng như bất kỳ nền dân chủ nào.
Nếu gạt bỏ sự cổ vũ ở quảng trường như một buổi biểu diễn không người sẽ là tình trạng tự mãn nguy hiểm. Đúng như vậy, đám đông đã được tuyển chọn và tập trung hàng giờ trước khi Tập đến. Hầu như mọi thông tin chi tiết của sự kiện này đều được giữ bí mật cho đến phút chót. Nhưng như với sự hoang tưởng thường lệ của quan chức Trung Quốc, điều đó có lẽ không cần thiết. Không cần nhắc nhở, rất nhiều dân thường bày tỏ sự ngưỡng mộ chân thành và sẽ đích thân cổ vũ Tập nếu có cơ hội.
ĐCSTQ nhìn thấy rất nhiều nguồn sức mạnh đến cùng một lúc. Sau 40 năm tiến bộ về kinh tế, công nghệ và quân sự, ĐCSTQ đã sẵn sàng được hưởng công trạng vì là một nguồn trí tuệ không thể thiếu, dẫn dắt sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đồng thời, một cuộc khủng hoảng niềm tin bao trùm phần lớn thế giới dân chủ. Quan chức thích so sánh chế độ chuyên quyền của họ với những gì được cho là sự hỗn loạn phương Tây. Họ thích chĩa mũi dùi vào nước Mỹ, chế giễu Hoa Kỳ là địa ngục trần gian với tử vong do COVID-19, chính sách phân biệt chủng tộc, bạo lực súng đạn và tình trạng tê liệt đảng phái.
Trên thực tế, lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng đưa ra các định nghĩa đã có về chính phủ đại diện và sửa đổi cho phù hợp với ĐCSTQ. Khi Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ kêu gọi con người tự do tự mưu cầu hạnh phúc, truyền thông Trung Quốc nói rằng ĐCSTQ mưu cầu “hạnh phúc cho người dân” —một nỗ lực từ trên xuống không nao núng. Thay vì lặp lại lời kêu gọi của Abraham Lincoln về việc xây dựng chính phủ, do dân và vì dân, các bài phát biểu của ĐSCTQ ca ngợi Tập Cận Bình là một “nhà lãnh đạo của nhân dân” với những năm tháng phục vụ quên mình đã đạt được “tư duy phát triển lấy con người làm trung tâm” để tập trung vào “lợi ích cơ bản của đa số áp đảo”.
Hệ thống chính trị phương Tây dành nhiều suy nghĩ về việc chính phủ phải giành lấy và duy trì sự ủng hộ của dân chúng ra sao, cho dù thông qua bầu cử hay dưới sự giám sát liên tục của báo chí tự do, các đảng đối lập và một cơ quan tư pháp độc lập. ĐCSTQ lập luận rằng họ xứng đáng được cầm quyền vì những điều ấn tượng đã làm, và chịu trách nhiệm bằng tự kỷ luật.
Trung Quốc tuyên bố tính chính danh dựa trên kết quả, sử dụng biệt ngữ của các nhà khoa học chính trị, thường rất chi tiết và không có gì đặc biệt về mặt ý thức hệ. Trong suốt mùa hè, các tổ chức đảng đã ca ngợi Tập Cận Bình vì đã đem đến một nền giáo dục tốt hơn, thu nhập ổn định và thỏa đáng hơn, các khoản an sinh xã hội đáng tin cậy hơn, dịch vụ y tế chất lượng cao hơn, nhà ở tiện nghi hơn và môi trường đẹp hơn. Sự tập trung vào giải quyết vấn đề trong thế giới thực này được gọi là bằng chứng cho thấy “nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”, hay sự cai trị của các nhà kỹ trị không được bầu chọn, là “thật” hơn các hệ thống chính trị phương Tây. Khi các quan chức Trung Quốc nói về điều đó, chính trị gia phương Tây chỉ lo lắng về lợi ích của một số người trong vài năm một lần vào thời điểm bầu cử.
Mặc dù là một người độc tài khắc khổ, đòi hỏi đảng viên lẫn quần chúng phải chăm chỉ, kỷ luật và hy sinh, Tập Cận Bình cũng có một khía cạnh dân túy. Tập và dàn cố vấn cẩn thận củng cố những danh sách thành tích khô khan bằng những câu chuyện xúc động về những đảng viên anh hùng lao động, kể cả những người đã hy sinh như liệt sĩ trong thời chiến tranh hoặc khi phục vụ ở những nơi gian khổ và nguy hiểm. Buổi dạ tiệc kỷ niệm một trăm năm thành lập đảng tại sân vận động Olympic Bắc Kinh có một loạt phim truyền hình nhỏ công phu, chẳng hạn như một bộ phim về bác sĩ và y tá chiến đấu chống COVID-19.
Khi Chaguan (phóng viên viết bài này) lần đầu tiên được chuyển đến Bắc Kinh khi là phóng viên, cách đây 23 năm, quan chức có phần phòng thủ về chế độ độc đảng. Họ cho hệ thống chính trị của họ đang trong quá trình xây dựng, phù hợp với một Trung Quốc vẫn còn nghèo. Khó có thể phát hiện ra ĐCSTQ khi các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa cải cách ve vãn doanh nhân nước ngoài. Những nhân vật tai to mặt lớn đến thăm thường sẽ gặp các bộ trưởng chính phủ, thị trưởng thành phố và hiệu trưởng các trường đại học, hơn là những ông chủ thực sự tức các bí thư đảng ủy. Bây giờ quan chức cấp cao công khai nói về niềm tin đối với đảng giống như linh mục mô tả một ơn gọi. “Đông, tây, nam, bắc và trung tâm; Đảng lãnh đạo tất cả,” Tập Cận Bình tuyên bố.
Trước lễ kỷ niệm, ông Tập đã đi thăm các địa điểm cách mạng và thúc giục nghiên cứu lịch sử đảng. Việc nghiên cứu không có những tội ác thời Mao, vốn đã bị loại bỏ phần lớn ra khỏi suy nghĩ trăm năm qua của ĐCSTQ. Những người khăng khăng ghi nhớ hàng triệu cái chết do những sai lầm tồi tệ nhất của đảng gây ra có nguy cơ bị cáo buộc là những người theo “chủ nghĩa hư vô lịch sử“, hoặc tội vu khống các anh hùng của đảng.
Khi đa số im lặng
ĐCSTQ ngày càng không muốn chấp nhận bất kỳ lời chỉ trích có tính nguyên tắc nào về chế độ chuyên quyền trong thế kỷ 21, mà họ cho là ngang bằng với bất kỳ nền dân chủ nào về mặt đạo đức. Thực tế, tuyên bố đó chưa được kiểm chứng. Có điều, các nhà kiểm duyệt, tuyên truyền viên và các cơ quan an ninh dành cố rất nhiều để che giấu sai sót và bịt miệng những người chỉ trích đến nỗi không thể nói rằng sự đồng thuận của công chúng dựa trên thông tin đầy đủ. Mặt khác, mọi hệ thống chính trị và kinh tế cuối cùng đều mắc phải những sai lầm quá lớn để che giấu, chẳng hạn như sụp đổ tài chính hoặc bại trận.
Như nhiều chuyên gia phương Tây có thể chứng thực, danh tiếng năng lực là tài sản nặng ký cho đến khi hết thời. Trung Quốc đã tránh được một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, gây chấn động xã hội kể từ cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989. Nhưng khủng hoảng sẽ diễn ra và tại thời điểm đó, các hình thức chính danh khác sẽ là cần thiết. Ngay cả việc đảng tập trung vào việc phục vụ lợi ích của đa số cũng là một vấn đề. Điều đó liên quan đến việc chà đạp các nhóm có hàng triệu người, từ những người Hồi giáo ở Tân Cương đến những người ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông. Ở tuổi 100, đây vẫn là bữa tiệc không phải tất cả mọi người đều được mời tham dự.
Nguồn: The Economist