Anh Khoa dịch
(VNTB) – Tập Cận Bình nhận thấy sự hỗn loạn kinh tế toàn cầu hiện nay do virus gây ra là một cơ hội để khôi phục các mối thương mại, xây dựng lại ảnh hưởng quốc tế của Trung Hoa.
Những người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khao khát làm cho quốc gia này trở nên vĩ đại và tham vọng này đang được Tập Cận Bình tiếp tục thực hiện. Khi trình bày Giấc mơ Trung Hoa tại Đại hội Đảng lần thứ 18 và 19, Tập Cận Bình đã mạo hiểm gắn sinh mạng [chính trị] với giấc mơ ấy.
Tuyên bố của Tập Cận Bình là một tác nhân gây ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Hoa, mà ngay từ đầu đã nhắm vào lĩnh vực công nghệ cao Trung Quốc để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Virus corona xuất hiện tại Trung Quốc vào giữa tháng 11 ở Vũ Hán, đã làm gián đoạn nghiêm trọng việc sản xuất, chuỗi cung ứng, khiến hàng triệu nhân công thất nghiệp và gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, Tập Cận Bình nhận thức được rằng, quyền lực và uy tín cá nhân và cả tính hợp pháp của ĐCSTQ phụ thuộc vào ‘tầm nhìn’ của chính y, thế nên Tập Cận Bình vẫn kiên trì thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế và đối ngoại.
Vừa mới thoát ra khỏi dịch bệnh, Bắc Kinh nhận thấy sự hỗn loạn kinh tế toàn cầu hiện nay do đại dịch gây ra là cơ hội để khôi phục các liên kết thương mại và xây dựng lại ảnh hưởng quốc tế. Các yếu tố quan trọng khác là sự chỉ trích công khai của người dân Trung Hoa đối với cách xử lý sai lầm của Tập Cận Bình và ĐCSTQ với dịch bệnh; vấn đề Hồng Kông và câu hỏi về tính hợp pháp của ĐCSTQ, cũng như Đài Loan không chịu sát nhập vào Trung Quốc,… Những vấn đề này có thể gây nguy hiểm cho giấc mơ Trung Hoa.
Giấc mơ Trung Hoa hứa hẹn rằng vào năm 2021: người dân Trung Hoa sẽ có thu nhập gấp đôi vào năm 2020, Trung Hoa sẽ thịnh vượng và mạnh mẽ, và sẽ trẻ hóa được quốc gia vĩ đại. Cuối cùng là phục hồi chủ quyền đối với các lãnh thổ Trung Quốc bị mất do các hiệp ước bất bình đẳng trước đó với các thế lực thù địch nước ngoài, một cách diễn giải thường thấy ở các nhà lãnh đạo Trung Hoa. Đại tá Quân đội Trung Quốc về hưu Liu Mingfu, đồng tác giả cuốn sách ‘Giấc mơ Trung Hoa’, cho biết vào tháng 5 năm 2019 rằng bản đồ được chính phủ Trung Quốc hiện tại sử dụng là tiêu chuẩn rõ ràng về chủ quyền và lãnh thổ Trung Hoa.
Tại Đại hội Đảng lần thứ 19 năm 2017, Tập Cận Bình đã đưa ra một thời khoá biểu đầy táo bạo và tham vọng. Y nhấn mạnh năm 2021 Trung Quốc sẽ đạt được Giấc mơ Trung Hoa. Đến năm 2025, sẽ đưa Trung Hoa thành cường quốc công nghệ tiên tiến nhất thế giới, và năm 2049, nhân 100 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Bắc Kinh sẽ trở thành một cường quốc thế giới với sự ảnh hưởng toàn cầu, có nghĩa Bắc Kinh sẽ có thể tạo ra hoặc ảnh hưởng đến các tổ chức thế giới! Tập Cận Bình cũng đề cao ý tưởng về một cộng đồng có chung tương mệnh với hệ giá trị riêng thay thế cho nền dân chủ của Hoa Kỳ và phương Tây.
Bất chấp những thiệt hại và gián đoạn kinh tế do đại dịch gây ra, Tập Cận Bình vẫn tập trung vào nền kinh tế Trung Quốc và hai mục tiêu trung tâm của mình, bao gồm cả giấc mơ Trung Hoa. Nói chuyện với hơn 170.000 quan chức vào ngày 23 tháng 2, Tập nhấn mạnh, cần phải bảo đảm hoạt động trơn tru của chuỗi cung ứng thương mại nước ngoài và ổn định thị phần [Trung Quốc] trên thị trường quốc tế. Tuyên bố trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị sau đó vào ngày 4 tháng 3, Tập cho biết tình hình dịch bệnh trên cả nước đã được cải thiện và các hoạt động kinh tế được nối lại, Tập Cận Bình thúc giục tăng cường sâu hợp tác quốc tế với Bắc Kinh đóng vai trò cường quốc có trách nhiệm.
Vào ngày 2 tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Hoa Vương Nghị đã nêu bật những điểm mạnh của chính phủ Bắc Kinh trong việc chống lại dịch và đề cập mục tiêu trung tâm và tầm nhìn của một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại. Đồng thời, một nhóm chuyên gia của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc tiết lộ rằng họ đang tìm kiếm khả năng lập một tổ chức y tế toàn cầu do Bắc Kinh lãnh đạo để cạnh tranh với Tổ chức Y tế Thế giới!
Bắc Kinh đã nhanh chóng hỗ trợ y tế cho các quốc gia khác để chống lại đại dịch corona, với hy vọng sẽ lấy lại được ảnh hưởng quốc tế vốn bị thiệt hại vì che giấu dịch bệnh trong gần hai tháng. Trung Quốc đã gửi các thiết bị y tế và phụ trợ cho Hy Lạp, Ý, Pháp, Bulgaria, Slovenia, Luxembourg, Na Uy, Iran, Pakistan và các nước ở châu Phi. Bắc Kinh cũng đã tặng Ukraine, một đối tác chiến lược của ĐCSTQ, thiết bị và vật tư y tế có giá trị 80 triệu USD.
Bắc Kinh cũng bắt đầu phản bác các báo cáo cho rằng virus có nguồn gốc từ một trong hai phòng thí nghiệm sinh học ở Vũ Hán. Nhân viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, vào ngày 12 tháng 3, đã nhấn mạnh rằng các quân nhân Hoa Kỳ khi tham gia Thế vận hội quân sự ở Vũ Hán vào tháng 10 đã mang virus vào nước này. Lời cáo buộc này nhanh chóng được truyền tải trên các phương tiện thông tin chính thống của Trung Hoa bao gồm cả Thời báo Hoàn cầu.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Hoa, Cảnh Sảng tuyên bố một ngày sau đó rằng Hoa Kỳ và các quốc gia khác có những ý kiến khác nhau về nguồn gốc của virus và điều này đòi hỏi sự đánh giá chuyên nghiệp và khoa học. Mười ngày sau, Đại sứ Trung Hoa tại Hoa Kỳ cho rằng, tuyên bố về nguồn gốc virus của Triệu Lập Kiên là có hại và đó nên là công việc của các nhà khoa học không phải của ngoại giao. Vị Đại sứ này cũng từ chối làm rõ những bình luận có liên quan khác. Các cáo buộc bị Washington bác bỏ, nhưng nó tiết lộ sự leo thang giữa quan hệ Hoa – Mỹ, trùng với thời điểm áp lực trong nước đặt lên Tập Cận Bình.
Tác giả là Jayadeva Ranade, cựu quan chức trong nội các Ấn Độ, hiện là Chủ tịch Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Hoa.
Nguồn:https://www.sundayguardianlive.com/opinion/xi-jinping-striving-achieve-china-dream