VNTB – Tập Cận Bình sẽ tiếp tục làm Tổng bí thư Đảng thêm nhiệm kỳ nữa như Nguyễn Phú Trọng

VNTB – Tập Cận Bình sẽ tiếp tục làm Tổng bí thư Đảng thêm nhiệm kỳ nữa như Nguyễn Phú Trọng

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Tập Cận Bình sẽ ngồi vào ghế Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng?

 

Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang có thực hiện một tập hợp dữ liệu cho rằng Tập Cận Bình có khả năng sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba, từ Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm 2022. Tài liệu cũng cho rằng, Tập Cận Bình sẽ khôi phục lại chức vụ Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương để ông có thể nắm vai trò lớn hơn tập thể trong việc đưa ra quyết định.

Xin được trích giới thiệu tài liệu này với bạn đọc trang Việt Nam Thời Báo.

Chủ tịch Tập Cận Bình thường được đề cập đến với vai trò là Chủ tịch nước. Tuy nhiên, vị trí thể hiện quyền lực tối cao thực sự của ông lại là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Từ năm 1993, Tổng bí thư có khuynh hướng đảm nhiệm thêm vị trí Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, củng cố sức mạnh quyền lực xuyên suốt trong Đảng, nhà nước và quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, vào năm 2002, khi Hồ Cẩm Đào nhậm chức Tổng bí thư, Giang Trạch Dân vẫn tiếp tục nắm giữ chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương cho đến năm 2004.

Không phải lúc nào Tổng bí thư cũng là người nắm giữ quyền lực cao nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cấu trúc quyền lực đã trải qua nhiều sự thay đổi trong 100 năm qua. Trần Độc Tú được bầu làm Tổng bí thư đầu tiên vào năm 1925, ba năm sau khi Joseph Stalin giới thiệu chức danh này cho chính ông ở Liên bang Xô Viết. Sau năm 1945, vị trí Tổng bí thư không còn quyền lực tối cao khi Mao Trạch Đông trở thành Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, bắt đầu một giai đoạn nắm giữ quyền lực không thể bị thách thức kéo dài hơn ba thập kỷ.

Thực chất, khác biệt giữa vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương là rất nhỏ.

Ở một góc độ nào đó, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương có vai trò cao hơn tập thể lãnh đạo, trong khi Tổng bí thư là một phần của tập thể đó.

Vị trí Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương càng có thêm sức ảnh hưởng khi vai trò của Tổng bí thư và Chủ tịch nước trở nên mờ nhạt trong những năm đầu tiên của Cách mạng Văn hóa, một thập kỷ đầy biến động bắt đầu từ năm 1966. Cũng trong năm đó, Đặng Tiểu Bình, khi ấy đang là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, mất đi sự ủng hộ và bị buộc phải rút lui.

Hai năm sau, Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, được xem là người kế nhiệm Mao Trạch Đông, đã bị khai trừ Đảng do bị xem là mối đe dọa đối với Mao. Từ đó, chức vụ Chủ tịch nước Trung Quốc đã bị để trống trong hơn một thập kỷ tiếp theo.

Vậy vấn đề đặt ra ở đây là quyền lực do chức danh hay tính cách của người lãnh đạo quyết định?

Có thể thấy rằng quyền lực của Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương phụ thuộc rất nhiều vào người nắm quyền.

Dưới thời Mao Trạch Đông, ông là người có tiếng nói sau cùng trong tất cả mọi vấn đề; có thể thực hiện các cuộc thanh trừng một cách dễ dàng, kể cả đối với Tổng bí thư hay Chủ tịch nước.

Tuy nhiên, người được chỉ định để kế nhiệm Mao Trạch Đông là Hoa Quốc Phong lại không nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của đội ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi nhậm chức vào năm 1976. Hoa Quốc Phong đã bị gạt ra trong vòng 5 năm vì không tham gia vào cải cách thị trường.

Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976 và chức vụ Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương cũng bị bãi bỏ vào năm 1982. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đồng ý rằng, quá trình đưa ra quyết định cần có sự tham gia của tập thể nhiều hơn để tránh rơi vào tình trạng bất ổn như giai đoạn cuối thời kỳ Mao cầm quyền.

Vào những năm 1980, chức vụ Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ yếu chỉ để chịu trách nhiệm thực hiện các chính sách của Đảng, đặc biệt là những chính sách của Đặng Tiểu Bình, người đã lấy lại quyền lực sau khi Mao Trạch Đông qua đời.

Chức danh Chủ tịch nước cũng mờ nhạt trong giai đoạn này, khi Đặng Tiểu Bình nắm giữ vai trò Tổng tư lệnh quân đội, Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ông nắm giữ vị trí này cho đến sau khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn vào năm 1989.

Cũng vào năm 1989, Giang Trạch Dân thay Đặng Tiểu Bình nắm giữ chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương, và thay Triệu Tử Dương nắm giữ chức vụ Tổng bí thư. Bốn năm sau, ông trở thành Tổng bí thư đầu tiên đồng thời kiêm nhiệm vai trò Chủ tịch nước, tạo thành một tiền lệ kéo dài đến ngày nay.

Vậy thì quyền lực thực sự thuộc về ai?

Về nguyên tắc, các quyết định của Đảng sẽ được thực hiện thông qua bỏ phiếu đa số trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, với số ủy viên luôn là số lẻ.

Giang Trạch Dân, người giữ chức Tổng bí thư từ năm 1989 đến 2002, từng có phát biểu nổi tiếng rằng “Dù là lãnh đạo, tôi cũng chỉ có một phiếu bầu”. Đến nay vẫn chưa có giới hạn nhiệm kỳ đối với Tổng bí thư và cũng không có quy định về lựa chọn người kế nhiệm. Từ đó, con đường dẫn đến vị trí Tổng bí thư của từng nhà lãnh đạo Trung Quốc trong những thập kỷ vừa qua tương đối khác nhau.

Vậy thì khi nào miễn nhiệm?

Không dễ trả lời vì việc miễn nhiệm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không được quy định cụ thể.

Giang Trạch Dân thôi giữ chức Tổng bí thư vào năm 2002, nhưng ông tiếp tục nắm giữ vai trò Chủ tịch Quân ủy Trung ương trong hai năm tiếp theo. Trong khi đó, Hồ Cẩm Đào kết thúc tất cả vai trò của mình vào năm 2012. Điều này tạo cơ hội cho Chủ tịch Tập Cận Bình nắm giữ đồng thời các vị trí tối cao trong Đảng, Nhà nước và Quân đội cùng một lúc.

Với việc chưa chỉ định người kế nhiệm cho vị trí Tổng bí thư, cũng như giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước đã được dỡ bỏ vào năm 2018, Tập Cận Bình có khả năng sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba, từ Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm 2022.

Có ý kiến cho rằng, Tập Cận Bình sẽ khôi phục lại chức vụ Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương để ông có thể nắm vai trò lớn hơn tập thể trong việc đưa ra quyết định.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)