Nguyễn Nam
(VNTB) – “Ôn cổ tri tân” ở đây là xin được nhắc kể lại những câu chuyện mà các tác giả được nêu ở đây hiện đang phải ăn Tết nơi lao lý bởi Điều khoản hình sự 117.
Trong một lần họp mặt cùng một vài anh em hội viên Hội Nhà báo độc lập ở Sài Gòn, nhà báo Nguyễn Tường Thụy đến từ Hà Nội kể rằng ngoài quê của ông cứ vào những ngày Tết, bà con họ hàng hàn huyên đều tránh bàn chuyện chính trị.
Nhà báo Nguyễn Tường Thụy kể rằng đúng là Tết nay đã khác Tết xưa, những Tết thời bao cấp. Giờ thì vật chất không phải là việc phải lo lắng đầu tiên mỗi khi Tết đến hoặc khi nhà có khách.
Tuy nhiên, ở đây đó, vẫn có những đứa trẻ thơ không có Tết. Người về quê ăn Tết đã có xe hơi riêng để đi, hoặc có tiền thuê xe, tuy xe khách hay xe máy vẫn còn là phương tiện phổ biến.
“Trước sự thay đổi ấy, người ta thường cho rằng nhờ ơn Đảng, ơn Bác mới có công cuộc đổi mới. Chẳng ai để ý rằng, việc đưa nông dân vào hợp tác xã, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đã dẫn đến những năm đói kém kinh hoàng vào những thập niên 60, 70, 80 thế kỷ trước là do ai gây nên.
Họ cảm ơn Đảng đã “cởi trói” mà không nghĩ đến ai đã “trói” họ. “Bây giờ được như thế này còn kêu gì nữa” là câu cửa miệng của nhiều đầu óc bảo thủ hoặc u mê. Họ không hề nhìn ra ngoài biên giới. Không nhìn sang Âu Mỹ đã đành, ngay cả cái ao làng Đông Nam Á hay ở ngay bán đảo Đông Dương họ cũng không cần biết. Họ cũng chỉ biết so sánh miếng ăn đã khác trước, chứ không nghĩ đến an sinh xã hội, nghĩ đến quyền con người. Họ không biết những hạn chế trong phát ngôn, hành động mà họ phải tuân thủ đã đành mà còn tự kiềm chế tư tưởng, không dám nghĩ khác những gì Đảng nói” – nhà báo Nguyễn Tường Thụy trải lòng như vậy.
Trong một chia sẻ khác cũng của nhà báo Nguyễn Tường Thụy để thể hiện bằng bài viết đăng trên trang Việt Nam Thời Báo, hồi ấy có đoạn:
“Một lần tôi ngồi nghe mấy ông anh nói chuyện về vụ án Đinh La Thăng, chuyện ông Trần Đại Quang vừa chết. Nói mãi không sao, đến khi tôi vừa mở miệng ra để cải chính một chi tiết sai, một ông gạt ngay: “Không nói chuyện chính trị”.
Có lần mọi người đang nói về một vụ tai nạn giao thông, công an làm sai lệch hồ sơ. Tôi vừa xen vào hỏi thì bị một chú em gay gắt chẳng ăn nhập gì đến câu chuyện đang nói: “Anh không ra nước ngoài anh không biết đấy thôi, chứ Thái Lan nó đầy nhà ổ chuột ra đấy”. Tôi ngạc nhiên, chẳng lẽ chuyện Mỹ đưa người lên mặt trăng cũng không được nói vì tôi chưa lên mặt trăng bao giờ?
Chuyện tương tự còn nhiều nhưng hễ tôi xen vào là bị chẹn họng ngay: “Không nói chuyện chính trị”. Từ đó, tôi đoán ra, khuôn khổ ấy chỉ đặt ra khi có mặt tôi. Tuy “không nói chuyện chính trị” nhưng anh vẫn nhìn bộ comple tôi đang mặc, mai mỉa: “Bộ này đi Mỹ đấy à? Hồi tôi vừa mới đi Mỹ về, một ông anh khác hỏi: “Bao giờ thì chú mua ô tô?”. Lại có cô em bảo, anh theo Mỹ thì thiếu gì tiền. Tôi nói toạc ra: “Ý cô là phải theo Trung Quốc? Theo Mỹ thì sao? Anh còn muốn cả đất nước này theo Mỹ, người Việt Nam cũng được như người Mỹ kia.
“Không nói chuyện chính trị”, câu chuyện chỉ ồn ào xung quanh công việc làm ăn của mỗi người, tự hào về dòng họ mình đông đúc, có bao nhiêu người thành đạt (tướng tá hoặc chức sắc trong hệ thống chính trị). Chẳng ai nêu ra dòng họ mình có cụ nào sống khí tiết để mà noi gương.
Trong các buổi họp mặt, thanh niên vẫn là đông nhất. Không phải cháu nào đầu óc cũng u tối nhưng trước các bậc trưởng lão, không đứa nào dám ho he trong khuôn khổ định sẵn: “không nói chuyện chính trị”.
Có cháu bày tỏ sự cảm thông với tôi nhưng chỉ là câu chuyện riêng: “Việc chú làm là đúng nhưng cháu không theo được vì còn phải kiếm sống nuôi vợ con”. Có chú em họ thẳng thắn nhận tôi hèn. Có đứa chỉ dám thừa nhận chú can đảm nhưng không dám nói tôi đúng hay sai. Có đứa lại bảo việc chú làm là đúng nhưng chưa đến lúc.
Tôi nói, nếu ai cũng chờ “đến lúc” thì ai tạo ra cái “đến lúc” ấy để mà nói, để mà hành động. Có ông anh lọc lõi, khuyên tôi không được, bảo, thôi, chú viết gì cứ viết, nói gì cứ nói nhưng làm thì để cho đứa khác. Có ông anh bảo khi nào biểu tình có tiền thì chú gọi tôi đi với nhé. Tôi hiểu, anh muốn nhắc tôi phải thực tế, đừng làm những việc vô bổ, không thiết thực cho bản thân, đi lo những việc đâu đâu…”.
Cũng liên quan chủ đề “Tết không bàn chính trị”, với nhà báo Phạm Chí Dũng thì ông lại chia sẻ bằng cảm xúc rất cá nhân, rằng, ông muốn được ăn Tết đầm ấm bên hai đứa con trai. “Mấy cha con tôi bên nhau là đủ rồi anh ạ!” – Phạm Chí Dũng trải lòng như vậy với người viết trong buổi cà phê ngày đầu năm mới.
Thế nhưng cũng vì “chính trị” mà những đứa con của ông Phạm Chí Dũng lại thêm cái Tết của xuân này vắng cha…
1 comment
“Thế nhưng cũng vì “chính trị” mà những đứa con của ông Phạm Chí Dũng lại thêm cái Tết của xuân này vắng cha”
Rất đúng . Vì nếu ông Phạm Chí Dũng cứ theo truyền thống cách mạng của gia đình, đừng bàn đến chuyện chính trị thì cái Tết này, những đứa con của ông đã không vắng cha
Và yeah, Mỹ No Bueno