Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tham nhũng chính trị thường là tham nhũng tập thể?

Đức Tính

 

(VNTB) – Bởi trong những nước có nạn tham nhũng khủng khiếp thì các quan chức có sự cấu kết chặt chẽ. Kiểu lợi ích nhóm “ông thò cân giò bà đưa chai rượu”, cùng hội cùng thuyền, dễ bề thao túng chính sách.

 

Tham nhũng và những ‘báo cáo nằm lòng’

Tham nhũng chính trị chi phối cả lập pháp, tư pháp, hành pháp. Hành vi này nhằm để thống nhất vây cánh, cố kết chặt chẽ để trục lợi cho nhau. Vì vậy có thể nói tham nhũng chính trị vô cùng nguy hại cho quốc gia, dân tộc. Hình thái tham nhũng này chỉ xảy ra khi thiếu sự độc lập, kiểm soát, chế ước giữa ba nhánh: lập pháp, tư pháp, hành pháp.

Nói một cách khác, trong bối cảnh đơn nguyên chính trị, thì vấn nạn tham nhũng chính trị ‘lợi ích nhóm’ càng khó trị tận gốc hơn, vì sự cấu kết chặt chẽ ngay trong cùng đảng chính trị mà lại không phải chịu bất kỳ cạnh tranh ‘soi mói’ nào từ những đảng chính trị khác. Chính điều này giải thích vì sao lâu nay người ta vẫn quen nghe các mẫu câu thành tích: “Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng ‘tham nhũng vặt’, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi”.

Rất khó để chứng minh nhận định này bằng định lượng, ngoài niềm tin vào các chỉ đạo được báo chí nhấn mạnh là quyết liệt của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, và việc một số vụ án lớn được đưa ra ánh sáng.

Rồi “việc kê khai tài sản, thu nhập đạt tỉ lệ 99,9% số người phải kê khai. Công khai bản kê khai đạt tỉ lệ 99,4%” – cũng như nhận định nêu trên, các số liệu này rất khó cảm nhận.

Người dân từ lâu đã quen với các khái niệm mang tính hình tượng cao nhưng lại dễ hiểu như “củi lửa”, “cho vào lò”. Lại nhớ trước thời điểm năm 2005, khi Quốc hội thảo luận dự án Luật phòng chống tham nhũng lần đầu tiên, nhiều đại biểu đã gay gắt coi tham nhũng là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” và cho rằng “đấu tranh này là trận cuối cùng”.

Những yêu cầu về nội luật hóa từ các công ước liên quan

Nếu chưa thể ‘vận dụng’ thuyết ‘tam quyền phân lập’, có lẽ Đảng và Nhà nước Việt Nam cần nghiên cứu nội luật hóa yêu cầu của Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) về hành vi làm giàu bất chính.

Việc quy định tội danh trên sẽ dẫn đến yêu cầu sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, theo đó chuyển một phần nghĩa vụ chứng minh từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan tiến hành tố tụng) sang cá nhân để họ chứng minh nguồn gốc tài sản của mình là hợp pháp hay không hợp pháp. Áp dụng có hiệu quả các biện pháp chống rửa tiền đã được quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.

Đồng thời, nghiên cứu nội luật hóa các biện pháp phòng, chống rửa tiền đã được quy định trong UNCAC, Công ước của Liên hiệp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC) và Sáng kiến thu hồi tài sản tham nhũng của Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hiệp quốc (UNODC). Theo đó các tổ chức tài chính áp dụng biện pháp kiểm tra thông tin khách hàng đối với tất cả những người có thế lực chính trị; yêu cầu kê khai về chủ sở hữu hưởng lợi; yêu cầu kê khai về thu nhập và tài sản; tiến hành rà soát định kỳ về các khách hàng là những người có thế lực chính trị và không giới hạn một cá nhân được coi là người có thế lực chính trị…

Hoàn thiện chế định phong tỏa, kê biên, thu giữ và trả lại tài sản do phạm tội mà có của Bộ luật hình sự, nhất là việc phong tỏa, kê biên, thu giữ và trả lại tài sản do phạm tội mà có có yếu tố nước ngoài, theo đó nghiên cứu bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục phong tỏa, kê biên tài sản trong trường hợp có yêu cầu của Tòa án nước ngoài. Tăng cường hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng. Gia nhập Nhóm các đơn vị tình báo tài chính (EGMONT), một tổ chức quốc tế của đơn vị tình báo tài chính (FIU) thành lập vào năm 1995.

Cuối cùng là cần tổ chức thực hiện nghiêm minh hệ thống pháp luật liên quan đến phòng chống tham nhũng, nhất là Bộ luật hình sự và nếu cần, có thể xem xét sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan như: Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự… để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng.

***

Trích nội dung cuộc họp báo quốc tế công bố kết quả kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV và trả lời các câu hỏi của báo chí.

Báo chí: Trong các phiên thảo luận của Quốc hội, có tình trạng một vấn đề, chính sách hoặc dự án được nhiều đại biểu cùng đề cập với tần suất dày, lặp đi lặp lại. Có ý kiến cho rằng một số đại biểu được lobby, nhận “đơn đặt hàng” để phát biểu theo chủ đích của một nhóm lợi ích. Tổng thư ký có quan điểm thế nào về vấn đề này?

– Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội: Đây là vấn đề khó, tôi cũng không rõ lắm. Nếu có phần mềm nào đấy có thể phân tích được rõ thì tốt. Đại biểu Quốc hội có quyền phát biểu. Đại biểu còn được cấp kinh phí để thuê chuyên gia viết bài.

Có thể có vấn đề được nhiều đại biểu cùng quan tâm, chuẩn bị bài phát biểu sẵn rồi, nên tuy trùng với người đã phát biểu trước nhưng họ vẫn trình bày ý kiến của mình. Theo tôi, không nên đặt vấn đề một cách nặng nề.

Báo chí: Lobby là một vấn đề được nhiều nghị viện quan tâm, nhiều nước đã có luật về hoạt động này để tránh tác động xấu đến quyết định cuối cùng. Ở nhiệm kỳ trước, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Nam Định Nguyễn Anh Sơn từng nói ông phát hiện tới 4 đại biểu phát biểu có những đoạn giống y chang nhau. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lúc đó cũng từng cảnh báo “đại biểu đọc bài của người khác”.

Tìm hiểu thì có chuyện bộ, ngành in tài liệu, phát biểu “gửi gắm” một số đại biểu “nói giúp”. Đây là thực tế cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến.

– Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Tôi nghĩ rằng trong quá trình làm việc, tiếp xúc với bộ ngành, các đại biểu có trao đổi, khó tránh chuyện tác động. Nhưng tôi cho rằng không vì thế mà có thể làm lệch lạc các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.

Khi xây dựng một dự án luật, Quốc hội thảo luận qua 2 kỳ họp, có cơ quan thẩm tra, với những vấn đề có quan điểm khác nhau còn lấy ý kiến các đại biểu trước khi thông qua. Cuối cùng, Quốc hội mới quyết định tập thể.


Tin bài liên quan:

Đừng để vọoc chà vá phải đu dây điện tại bán đảo Sơn Trà

Phan Thanh Hung

VNTB – Diệp Dũng có liên quan gì đến Hai Nhựt?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thành phố Hồ Chí Minh muốn trở lại chính mình

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo