Thới Bình
(VNTB) – Vụ kít xét nghiệm virus SARS-CoV-2 là lũng đoạn nhà nước…
Trang Việt Nam Thời Báo đã có bài viết nhìn nhận vụ án liên quan kit test Việt Á là một bằng chứng cho thấy tham nhũng của Việt Nam đã tiến từ giai đoạn tham nhũng hành chính, và tham nhũng chính sách sang một giai đoạn mới, có tính chất hoàn toàn khác, là lũng đoạn nhà nước (state capture).
Tôi cho rằng lũng đoạn ở chính trường Việt Nam không phải là chuyện của “giai đoạn mới”, mà là “chuyện thường ngày ở huyện”, có mới chăng thì đó là những ‘biến chủng’ đã ‘lờn’ luôn sự đe dọa ‘củi – lò’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và biến ‘củi – lò’ thành nơi để triệt hạ nhau công khai trên chính trường.
Hàng loạt vụ án tham nhũng liên quan đấu thầu là minh chứng cho chuyện lũng đoạn nhà nước không còn mới mẻ gì với xã hội Việt Nam.
Ai là những ‘ông lớn’ đủ sức thao túng?
Lũng đoạn nhà nước là khái niệm được nêu ra lần đầu tiên bởi Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) trong một báo cáo công bố vào năm 2000 (1), trong đó phân tích tình hình tham nhũng ở một số nước Trung Á.
Trong ấn phẩm này, WB đã chỉ ra những đặc điểm của tham nhũng ở các nước đó là tình trạng bộ máy nhà nước bị khống chế/ thâu tóm bởi một số cá nhân/ nhóm lợi ích, và lý giải nguyên nhân là do những nước này đang trong quá trình chuyển đổi từ hệ thống xã hội chủ nghĩa theo kiểu Xô-Viết cũ sang hệ thống dân chủ.
Tại các quốc gia này trong thực tế, nhà nước không kiểm soát được bộ máy chính quyền, để xảy ra hiện tượng bộ máy chính quyền bị một số cá nhân/nhóm cá nhân thao túng (2).
Về bản chất, lũng đoạn nhà nước phản ánh mối quan hệ lệch lạc giữa nhà nước với doanh nghiệp, mà cụ thể hơn là giữa giới doanh nhân tham nhũng với tầng lớp lãnh đạo chính trị cấp cao. Lực lượng thâu tóm/ khống chế bộ máy nhà nước thường chỉ là một nhóm nhỏ cá nhân được gọi là oligarchs – tạm dịch: những kẻ đầu sỏ (3).
Các oligarchs thường đứng đầu một số doanh nghiệp tư nhân và có những quan hệ không minh bạch với các quan chức cao cấp của chính quyền. Đây chính là cơ sở khiến WB định nghĩa: “State capture là hiện tượng xảy ra khi giới doanh nghiệp thao túng quá trình ra quyết định chính sách của nhà nước và tạo ảnh hưởng lên “quy tắc của cuộc chơi” (luật, quy chế, quy định) nhằm trục lợi cho bản thân” (4).
Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) cũng đưa ra một khái niệm tương tự nhưng có “độ mở” lớn hơn, theo đó “state capture” đề cập đến tình huống mà các cá nhân, tổ chức, công ty hoặc tập đoàn kinh tế quyền lực trong hoặc ngoài quốc gia sử dụng những thủ đoạn bất chính để tác động lên chính sách, môi trường và nền kinh tế quốc gia nhằm thu lợi cho bản thân (5).
Với tính chất như nêu trên, có thể khẳng định ‘state capture’ cũng là một dạng tham nhũng, song khác biệt với những hình thức tham nhũng khác ở chỗ, đây là tham nhũng chính trị (political corruption).
Sự khác biệt giữa ‘state capture’ với những hình thức tham nhũng khác còn thể hiện ở chỗ nếu như các hình thức tham nhũng khác sẽ tìm kiếm lợi ích bất chính từ trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật bằng cách làm méo mó quá trình đó, thì ‘state capture’ thường thu lợi bằng cách tác động đến quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, để “lái” hay “định hướng” các chính sách, pháp luật phù hợp với ý chí và mong muốn của nhóm lợi ích.
Những ‘lỗ thủng’ cố tình?
Việc “định hướng” các chính sách là đến từ Bộ Chính trị. Còn tại sao chính sách có ‘lỗ thủng’ lại không ai chịu ‘vá’, thì cùng thử tìm hiểu qua vụ án liên quan Covid-19 mà một vài quan chức của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã ‘nhúng chàm’, song không vì thế mà người ta ‘vá lỗ thủng’.
Số là chỉ định thầu là một trong 06 hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu 2013. Do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn nên đây là hình thức được áp dụng tương đối phổ biến. Tuy nhiên, chỉ trong một số trường hợp nhất định mới được phép chỉ định thầu như việc mua máy xét nghiệm để phục vụ cho công tác chống dịch Covid 19 tại CDC Hà Nội thời gian đầu dịch giã.
Trong vụ án này, các quan chức CDC Hà Nội đã ‘vận dụng’ điểm a, khoản 1 của Điều 22 Luật Đấu thầu 2013: “Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách”.
Quy định chỉ định thầu là cần thiết trong trường hợp cấp bách, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Điều đáng nói ở đây là với quy định trên đồng nghĩa với gói thầu mua vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại CDC Hà Nội nói riêng không phải chịu sự ràng buộc đối với bất cứ điều kiện nào cũng như sự kiểm soát nào.
Cái gọi là ‘kẽ hở’ nêu trên, nói theo ngôn ngữ tố tụng, vô hình chung tạo điều kiện thuận lợi để cho các đối tượng – điển hình là các bị can trong vụ án CDC Hà Nội áp dụng hình thức chỉ định thầu để phục vụ cho động cơ trục lợi mà không phải thông qua sự kiểm duyệt của bất cứ tổ chức có thẩm quyền nào khác.
Thế nhưng khi vụ án kết thúc, những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng đã không thấy ai yêu cầu kiên quyết phải ‘vá’. Cụ thể hơn là vì sao đến nay pháp luật chỉ chú ý đến việc giám sát tổ chức, cá nhân thực hiện thầu, mà chưa tính đến việc phải giám sát cả chính cơ quan quản lý thầu?.
Nói thêm, pháp luật không chỉ thiếu những quy định để giám sát cơ quan quản lý đấu thầu, mà ngay cả những quy định về giám sát nhà thầu hiện nay còn nhiều bất cập. Điều này có thể thấy rõ qua hành vi chia nhỏ chuyển nhượng bán thầu thu phí trái quy định trong hai vụ án sau:
Trong vụ Gang thép Thái Nguyên, kết luận thanh tra chỉ ra rằng, công ty cổ phần Công nghiệp Việt Nam sau khi được giao thực hiện thi công Phần C của hợp đồng EPC số 01 thuộc dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – công ty Gang thép Thái Nguyên với giá trị tạm tính hơn 764 tỷ đồng đã không thực hiện cam kết, mà ký 40 hợp đồng giao việc và khoán nhân công với 29 nhà thầu khác với giá trị hơn 505 tỷ đồng và thu phí quản lý 5-10% giá trị hợp đồng.
Hay trong vụ án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, biên bản thanh tra của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải cũng chỉ rõ gói thầu A5 kéo dài từ Km 124+700 đến Km 139+204, giá trị gần 1.400 tỷ đồng, ban đầu được Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam giao cho công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd (Posco) thực hiện toàn bộ gói thầu.
Tuy nhiên khi đã có hợp đồng trong tay, công ty Posco không tổ chức thi công mà bán lại cho các đơn vị khác để hưởng tiền chênh lệch. Đáng chú ý là trong số các nhà thầu phụ ký hợp đồng với Posco có đến 4 nhà thầu phụ không đủ năng lực nên bị nhà thầu chính cho dừng thi công giữa chừng…
_____________
Chú thích:
(1) World Bank (2000), Anticorruption in Transition: Contribution to the Policy Debate, World Bank Publications, ISBN 9780821348024.
(2) Maira Martini (2014), State capture: An overview, Transparency International.
(3) Crabtree, John; Durand, Francisco (2017), Peru: Elite Power and Political Capture. London, United Kingdom: Zed Books Ltd. p. 1. ISBN 978-1-78360-904-8.
(4) Edwards, Duane C. (2017), Corruption and State Capture under two Regimes in Guyana. Research Gate. University of the West Indies.
(5) Transperency International: State Capture, https://www.transparency.org/glossary/term/state_capture.