Cửu Long
(VNTB) – “Tại sao chúng tôi buộc phải mua theo giá 470.000đ/kit test mà Việt Á đưa ra ư? Chính Bộ Y tế đã giới thiệu giá này cho các tỉnh chúng tôi.”
Cơ quan công an vừa khởi tố, bắt tạm giam một số đối tượng có dính líu tới việc nâng giá kit xét nghiệm Covid-19. Thông tin ban đầu cho thấy vụ án diễn ra trên bình diện khá rộng, liên quan tới nhiều địa phương trong cả nước.
Vấn đề ở đây là vụ việc tham nhũng y tế này không hề mới mẻ.
Tháng 4-2020, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng phòng, chống tội phạm, trong đó lực lượng Cảnh sát kinh tế làm chủ công nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ thông đồng, nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội).
Theo cách tường thuật của báo chí, thì dư luận cả nước rúng động khi Giám đốc CDC Hà Nội và các đối tượng liên quan bị khởi tố, bắt giam.
Với sự tham mưu, đề xuất của Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ khi ấy là ông Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Y tế khi ấy Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiêm nhiệm việc điều hành bộ này, cùng UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định, thanh tra việc thực hiện mua sắm các gói thầu thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh phục vụ phòng, chống dịch.
Trung tuần tháng 12-2020, vụ án nói trên mang ra xét xử.
Theo nhận định của hội đồng xét xử, trên cơ sở lời khai của các bị cáo cũng như những tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra đã cho thấy từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.
Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỉ đồng, gấp 3 lần giá nhập.
Trong vụ án này, cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm có trách nhiệm chính trong việc mua sắm hàng hóa, thực hiện đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu theo quy định của pháp luật. Cáo trạng nhận định bị cáo đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi, trực tiếp thỏa thuận, thống nhất giá mua sắm các máy, thiết bị y tế với các bị cáo khác, trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với bị cáo Nguyễn Trần Duy (Tổng giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá Nhân Thành) để Duy giả mạo hồ sơ, ký ban hành chứng thư thẩm định giá theo mức do CDC Hà Nội yêu cầu…
Sai phạm xảy ra khi CDC Hà Nội mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19, tại gói thầu số 15 với số tiền là 9,54 tỉ đồng. Sai phạm của các bị cáo tại gói thầu số 15 gây thiệt hại cho Nhà nước là hơn 5 tỉ đồng…
Và 6 tháng sau đó, chiều tối ngày 24-6-2021, kết thúc tranh luận, nghị án, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã bác đơn xin giảm nhẹ của ông Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) và tuyên y án 10 năm tù với bị cáo về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vụ án trên tưởng rằng có thể tạo ‘rúng động’, là cơn địa chấn cảnh báo cho tất cả các vị giám đốc CDC những tỉnh, thành khác trên toàn quốc, trong đó có cả những đảng viên quyền cao chức trọng ở Bộ Y tế…, song với vụ án nâng giá kit xét nghiệm Covid-19 mới bắt đầu, cho thấy vấn nạn tham nhũng trong bộ máy công quyền của Việt Nam dường như cũng bất trị như con cúm Vũ Hán bên tận xứ Tàu.
Hãy thử nhớ lại giá kit xét nghiệm Covid-19 hỗn loạn thế nào trong những ngày cách ly xã hội căng thẳng nhất. Nơi này khác nơi kia, không nơi nào giống nơi nào, giá cả chênh lệch nhau với khoảng cách rất xa. Trong khi đó, có những tài liệu đáng tin cậy trên khắp thế giới gián tiếp công khai tố cáo không ở đâu kit xét nghiệm Covid-19 lại đắt đỏ như ở Việt Nam.
“Tại sao chúng tôi buộc phải mua theo giá 470.000đ/kit test mà Việt Á đưa ra ư? Chính Bộ Y tế đã giới thiệu giá này cho các tỉnh chúng tôi. Thử hỏi trong lúc buộc phải lệ thuộc vào nguồn vắc-xin phòng Covid độc quyền từ Bộ Y tế, thử hỏi ai dám trái ý của bề trên?” – một giám đốc CDC, là bạn của người viết bài này, uất ức nói.