Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thẩm phán phiên toà quyền uy đến đâu?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Thẩm phán ngộ nhận mình có luôn quyền “tuyên án” với luật sư đang tham gia bào chữa “nhân danh nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

 

Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là người được phép “nhân danh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”, lúc tuyên án, và có lẽ vì điều đó nên thẩm phán ngộ nhận mình có luôn quyền “tuyên án” với luật sư đang tham gia bào chữa.

Cả vú lấp miệng em?

Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An ra văn bản số 187/TA-VP về việc thông tin kết quả giải quyết đơn kiến nghị gửi đến Liên đoàn luật sư Việt Nam. Theo đó, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An nhận được đơn kiến nghị và một số tài liệu kèm theo của luật sư Hoàng Thị Phương và luật sư Vũ Quang Ninh do Liên đoàn Luật sư Việt Nam chuyển đến.

Đơn có nội dung kiến nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật của thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương – Chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đối với các bị cáo Lê Thị Dung. Căn cứ các tài liệu thu thập được, có căn cứ xác định thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương không vi phạm tố tụng tại phiên tòa như nội dung kiến nghị của các luật sư.

Đối với nội dung kiến nghị thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương vi phạm quy tắc đạo đức. Xét thấy, trong quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa do các luật sư đặt nhiều câu hỏi không đúng trọng tâm để làm sáng tỏ bản chất vụ án nên chủ tọa phiên tòa nhắc nhở nhiều lần đối với các Luật sư, nhưng các luật sư không hợp tác. Do đó, thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương đã dùng từ “cảnh cáo” để nhắc nhở các luật sư.

Theo giải thích, việc thẩm phán dùng từ “cảnh cáo” là chưa đúng từ ngữ pháp lý tại phiên tòa, đó không phải là biện pháp xử lý hành chính, mà do thẩm phán dùng từ ngữ chưa chuẩn xác khi điều hành phiên tòa, nên chưa đến mức vi phạm phải xem xét kỷ luật đối với thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương.

Tuy nhiên, qua các nội dung kiến nghị của các luật sư, thấy rằng đây là vụ án mà bị cáo Lê Thị Dung cho rằng mình không phạm tội, khi xét xử có nhiều người tham dự phiên tòa, quá trình tố tụng có nhiều tình huống phát sinh làm kéo dài thời gian xét xử, thẩm phán – chủ tọa phiên tòa “xử lý chưa tốt, áp dụng pháp luật có phần cứng nhắc khi buộc các luật sư bào chữa cho bị cáo rời khỏi phòng xử án. Đồng thời, do diễn biến phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương sử dụng cụm từ “cảnh cáo” đối với các luật sư là chưa chính xác”.

Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo, yêu cầu thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương làm giải trình và rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình xét xử, để nâng cao chất lượng tranh tụng trong thời gian tới.

Cãi không lại nên đành… “chuyên chính cách mạng”

Thật ra hai luật sư kể trên bị “tuyên” như vậy là nhẹ nhàng lắm rồi.

Ngày 23-7-2020, tại phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn xét xử 03 bị cáo Nguyễn Song Lý (sinh năm 1974, thường trú phường Tích Lương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), Trần Thị Minh Hằng (sinh năm 1968, trú tổ 2, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) và Lâm Văn Thông (sinh năm 1962, tổ 16, phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Luật sư Trần Quốc Toản là người bào chữa cho 02 bị cáo Nguyễn Song Lý và Trần Thị Minh Hằng, ngay từ khi phiên toà được mở lại, thẩm phán – chủ toạ phiên toà Chu Đức Quế “không cho” luật sư Toản tiếp tục với phần hỏi của mình; trước đó, chiều ngày 21-7, phiên toà đã phải tạm dừng khi trình chiếu xong bản ghi hình có âm thanh của bị cáo Trần Thị Minh Hằng cung cấp.

Luật sư Toản cho rằng, vụ án đang trong phần hỏi và còn nhiều điểm cần được làm rõ sẽ làm ảnh hưởng đến sự thật khách quan, nên yêu cầu Chủ toạ phiên toà chấp nhận để Luật sư tiếp tục với phần hỏi. Tuy nhiên, Chủ toạ phiên toà Chu Đức Quế không đồng ý và yêu cầu lập biên bản, đồng thời, cho lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp “xốc nách” áp giải Luật sư Toản ra khỏi hội trường xét xử.

“Chủ toạ phiên toà Chu Đức Quế đang làm trái với pháp luật, khi ngang nhiên “tước đi” quyền của luật sư được phép hỏi để làm rõ nhiều tình tiết còn “mập mờ” trong vụ án.

Đồng thời, bản thân chủ toạ phiên toà đang làm trái với quy định của pháp luật, khi quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 25/QĐXXHS – ST do thẩm phán Chu Đức Quế ký ban hành ngày 07-7, đang bị tôi khiếu nại nhưng chưa được Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo qui định tại khoản 2, Điều 477 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bên cạnh đó, thẩm phán Chu Đức Quế còn tự cho mình quyền được cho ai hỏi thì người đó được hỏi, mà quên mất là quyền hỏi thuộc về luật sư theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự” – luật sự Toản biện giải.

Những ông quan tòa như thẩm phán Chu Đức Quế không phải là “của hiếm”.

Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “đánh bạc” ở Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên diễn ra vào ngày 03-3-2020, luật sư Vũ Thị Nga – bào chữa cho bị cáo Phan Văn Rỵ (một trong số những người không nhận tội đánh bạc) cũng đã bị vị thẩm phán, chủ tọa phiên tòa buộc rời khỏi phòng xử án.

Cũng trong phần hỏi, luật sư Nga đặt một số câu hỏi đối với bị cáo Lò Văn Toản (cựu đại biểu hội đồng nhân dân xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, Điện Biên) thì bị hội đồng xét xử nhắc nhở về việc “tòa đang làm rõ hành vi phạm tội của từng bị cáo, do đó cần tập trung vào hành vi đánh bạc của Lò Văn Toản”. Sau đó, luật sư Nga nói tiếp nhưng bị chủ tọa cắt ngang, đồng thời đề nghị lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp đưa luật sư Nga ra khỏi phòng xử.

Về phần mình, luật sư Nga cho rằng: “Quá trình bào chữa cho bị cáo, luật sư không vi phạm bất cứ điều gì, chấp hành đầy đủ nội các nội quy phiên tòa. Khi tôi đang hỏi bị cáo Toản về việc có hay không thấy bị cáo Rỵ đánh bạc và đến phần bị cáo Toản trả lời “không thấy bị cáo Rỵ đánh bạc thế nào, đánh bao nhiêu,… thì bị ngắt lời nhưng không được chủ tọa hỏi vì sao và sau đó tôi bị mời ra ngoài…”

Trách nhiệm tối cao thuộc về ông Võ Văn Thưởng

Liên quan tới vụ việc của luật sư Vũ Thị Nga, ngày 08-4-2020, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có Văn bản số 87/LĐLSVN-UBBVQLLS gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trưởng Ban Nội chính Trung ương,… về việc xem xét chủ tọa phiên tòa có dấu hiệu lạm quyền, xâm phạm quyền hành nghề của Luật sư tại phiên tòa phúc thẩm tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên.

Như vậy, cá nhân người viết bài này cho rằng để “công lý được thực thi”, không kết tội oan, không bỏ lọt tội phạm thì điều cần thiết là các cơ quan tiến hành tố tụng cần tuân thủ, thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình điều tra, xét xử vụ án.

Quyền lực tối thượng trong xử trí “vấn nạn” trên, theo nguyên tắc quản trị quốc gia ở Điều 4, Hiến pháp, đó là thuộc về ông Trưởng ban cải cách tư pháp trung ương, tức chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ở hiện tại.


Tin bài liên quan:

VNTB – Loạn luân có phải là loại tội phạm nghiêm trọng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vụ án có 3.986 người ‘bị hại’

Do Van Tien

VNTB – Tranh chấp “bảo hiểm nhân thọ”: Những dzích dzắc văn bản (Bài1)

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo