Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thắng cuộc – thua cuộc – bỏ cuộc – ngoài cuộc

Khánh Hòa


(VNTB) -Nhà báo Huy Đức viết “Bên thắng cuộc” kể về hậu trường chính trị của nhà nước cộng sản. Dần về sau, người ta lần lượt có các cụm từ “thua cuộc – bỏ cuộc – ngoài cuộc” để viết tiếp câu chuyện của nhà báo Huy Đức, cả ở thì quá khứ lẫn hiện tại.

Xin ghi lại ở đây câu chuyện của một người từ ‘bên thắng cuộc’, sau đó đã tự nhận là giờ đã thuộc bên ‘ngoài cuộc’. Câu chuyện về miền Nam sau tháng tư 1975. Người kể xưng ‘tui’ theo đúng cách miền Nam, nơi ông một người lính Bắc Việt vào Sài Gòn, và từng là tổng biên tập một tờ báo của tỉnh ủy ở miệt đồng bằng sông Cửu Long.

Một

Cảnh xe tăng T54 húc đổ cổng dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 cho thấy cổng dinh đã thật sự bị hư đổ. Rồi sau đó, nó được sửa lại như thế nào?

Hồi tui ở Long An, thì ông Lưu Quang Tuyến phó chủ tịch tỉnh, nguyên đại tá ở văn phòng Ban quân quản Sài Gòn, vốn là người đứng ra lo vụ này. Ông nhớ lại: Một tối đầu tháng 5, nhóm anh em quân quản đang lúi húi bàn cách sửa cổng dinh Độc Lập cho kịp ngày 15 mít tinh lớn, thì trong đám đông dân chúng xúm coi, có một người tìm đến hỏi tên ông.

Hai bên nhận ra nhau. Người đó là Nguyễn Văn Vĩnh, đại tá lữ đoàn trưởng quân đội Sài Gòn bị bắt ở Lộc Ninh năm 1972. Tướng Trần Độ bấy giờ là Phó chính ủy Bộ tư lệnh Miền, đã cử ông Tư Tuyến xuống trại tù binh tranh luận thẳng thắn mấy ngày, giúp đối phương chịu khuất phục lý lẽ của cách mạng. Đến 1973 trao trả tù binh theo hiệp định Paris thì đại tá Vĩnh được thả.

Biết công việc mà ông Tư Tuyến đang lo giải quyết, ông Vĩnh nói: “Anh Tư đừng lo, để chúng tôi tính cho. Nội trong đêm nay sẽ xong”. Ông Vĩnh lập tức về Chợ Lớn đưa lên một ê kíp thầy thợ với đủ máy móc dụng cụ, và ngay đêm đó đã làm xong. Liền hai ngày sau, họ sửa nốt hai cánh cửa sổ tầng một và cửa dinh nữa, mà không lấy một đồng nào.

Sự chung tay của những ngày đầu 45 năm trước, hẳn còn chút ý nghĩa?

Hai

Hòa bình phải hơn một tháng, đơn vị hậu cần quân số C50 trở thành Đoàn 500 của Quân khu 7, mới kéo hết về xuôi. Nhiệm vụ mới: tiếp nhận các đối tượng “cải huấn” (lúc đó chưa gọi cải tạo) là sĩ quan chế độ cũ cấp bậc từ thiếu úy cho đến đại tướng.

Cùng vào tiếp quản quân trường Quang Trung gần xa lộ Đại Hàn, ban Tuyên huấn đóng trong khu nhà “nóc bánh ú”. Phía trước căn tụi tui ở còn ba chữ đắp nổi “ban quân lương”. Phải mất vài ba ngày mới dọn hết sổ sách cũ đưa ra sân châm lửa đốt. Tui tò mò đọc thấy danh sách phát lương cho lính quân trường từ những khóa huấn luyện 1955, 1956… Tất cả theo khói lên trời, chỉ còn lại những đống tro.

Ngoài ba phòng Tham mưu, Chính trị, Hậu cần quen thuộc, có thêm một phòng nữa, cùng ở dãy nhà bánh ú là Phòng Quản huấn, gọi tắt là Phòng 4, gồm những cán bộ mới đến làm nhiệm vụ mới. Không như đám tuyên huấn lo việc “cờ đèn kèn trống” bề ngoài tụi tui.

Khuôn viên khu doanh trại Bộ tư lệnh dành ra mấy dãy nhà đặc biệt cho các vị cấp tướng của Việt Nam Cộng Hòa (sau này có tài liệu nói là 28 vị), có bếp ăn riêng, hội trường riêng, có tivi để họ coi mỗi tối. Lính lác như tui chỉ ngó họ từ xa.

Các sĩ quan cấp thấp hơn thì vô các trại trực thuộc: Trảng Lớn (Tây Ninh), Thành Ông Năm (Hóc Môn), Long Giao (Long Khánh).

Riêng tại quân trường Quang Trung có hai trại dành cho nữ sĩ quan từ thiếu úy đến đại tá là cấp cao nhất. Hai trại này khá gần cổng chính, ở vị trí Công viên phần mềm hiện nay. Trại viên đa phần xuất thân trường nữ quân nhân Tân Bình, trình độ tú tài, nhiều người đẹp, đàn giỏi hát hay. Hằng tuần họ có những đêm diễn văn nghệ hát các bài ca cách mạng, tui thỉnh thoảng có qua “dự khán” để tuyên truyền thành tích cải huấn. Một thời gian sau, do xảy ra một ‘sự cố tình ái’ nghiêm trọng với nữ trại viên, nên toàn bộ bộ khung quản lý hai trại nữ này được thay thế hết bằng bộ đội nữ do bà Nguyễn Thị Sáu anh hùng lực lượng vũ trang chỉ huy. Bộ đội nam chỉ còn làm vệ binh canh gác vòng ngoài.

MQN cùng tổ tuyên truyền ban tuyên huấn với tui. Khi tui vô đại học Kiến trúc Sài Gòn thì N chuyển ra học khoa Văn đại học Tổng hợp Hà Nội, theo hẳn con đường chữ nghĩa ở tầm khá rộng. Tui từng điện hỏi N rằng ở ngoải đọc nhiều biết nhiều, thấy bên cách mạng có ai viết về đề tài “cải tạo sĩ quan ngụy” những năm sau 1975 hay không? N nói không.

Vậy có thể tạm khẳng định: trên sách báo công khai, phe thắng cuộc đã không ai viết gì về đề tài cải tạo sĩ quan Sài Gòn cũ – một đề tài lớn của rất nhiều cây bút Việt Nam Cộng Hòa từng trải qua thực tế đau đớn hàng chục năm này…

Ba

Chuyến công tác tiếp theo, lên trại Long Giao – Long Khánh. Từ Quang Trung theo xa lộ Đại Hàn, tui tiện ghé Biên Hòa thăm người chị họ làm ngân hàng vừa xong đợt đổi tiền, tức vào khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10/1975?

Chuyến đi này, để viết bài về tấm gương “nói lời hay, làm việc tốt”. Một chiều cuối tuần trước cổng trại cải huấn, người sĩ quan Sài Gòn là học viên cải tạo (đã lớn tuổi cỡ cha chú) xin đi ra cổng, ông này xưng “qua” và gọi anh bộ đội trẻ gác cổng là “chú em”.

Anh gác cổng nghiêm giọng: “Tôi tuy ít tuổi hơn ông nhưng tôi là đại diện cho người chiến thắng, ông không được xưng hô như thế!”. Chuyện nghe qua họp giao ban từ dưới báo cáo lên, sếp khoái quá bèn cử tui đi tìm gặp trực tiếp. Nhưng đến nơi thì nhân vật gác cổng đang kỳ nghỉ phép về quê xa. Điện thoại liên lạc thời bấy giờ là thứ không tưởng.

Một lần khác, tui cầm giấy giới thiệu về Thành Ông Năm ở thị trấn Hóc Môn, đến ban quản giáo trại xin gặp một học viên cải tạo tốt, có thể trả lời phỏng vấn đăng lên số báo mừng xuân hòa bình đầu tiên. Người học viên ấy khi nghe tui chào giọng Bắc liền tự giới thiệu tên mình là Trần Đông A và giải thích: các cụ đặt cho cái tên này để ghi nhớ gốc gác quê hương Nam Định với hào khí nhà Trần.

Là thiếu tá, bác sĩ quân y sư đoàn, ông nói năng nhỏ nhẹ, lưu loát, giúp cho tôi – với cây bút máy Trường Sơn, kỷ vật miền Bắc đem vô chiến trường – không mấy khó khăn ghi lại những lời tốt đẹp về chuyển biến nhận thức của người đang “học tập cải tạo”. Ông bác sĩ xong khóa được về, sau này rất nổi tiếng vì đã phát huy năng lực chuyên môn y khoa trong thời kỳ đất nước đổi mới.

Bấy giờ, cái tự ái tự tôn như của anh chàng gác cổng là rất phổ biến. Chính tui đang ghi lời phỏng vấn Trần Đông A bằng bút máy Trường Sơn, nửa chừng bị tắc mực phải loay hoay sửa. Ông A đưa cây viết bic gài túi ngực của ông cho tui dùng thế. Nhưng tui không nhận. Mình là “nhà báo thắng cuộc”, phải dùng ngòi bút vũ khí của mình chứ! Huhu…

Tui là thằng hay ngó nghiêng quan sát. Lúc về tiếp quản thấy bên bờ rào quân trường có một tấm bìa pa-nô rách, song còn đọc rõ những dòng nội dung quảng cáo đại nhạc hội ở Sài Gòn với hình vẽ một đầu con ó thật lớn. Cứ nghĩ bụng tại sao trong doanh trại nhà binh lại có tấm pa-nô lạ? Sau này nhờ internet, biết Trung tâm huấn luyện Quang Trung từng có ban văn nghệ với hai nhạc sĩ nổi tiếng là Trần Trịnh và Nhật Ngân – cả cái tên ghép Trịnh Lâm Ngân – thì tui được giải đáp.

Lại còn có một khu nhà để máy in offset, một kho giấy trắng nhiều cuộn lớn để in tự động, cùng một số hóa chất chế bản. Ấy là sau này mới biết, chứ tụi tui ở rừng Tây Ninh khá gần nhà in Trần Phú, “tân tiến” lắm cũng chỉ biết kỹ thuật in typo với máy pédale. Cho nên tha hồ rọc phá giấy in, các chai nhựa đựng hóa chất thì đổ xuống cống, súc cho sạch chia nhau đem đựng đường cát trắng.

Báo mừng xuân Bính Thìn 1976 là nói cho oai, thực ra chỉ là tờ tin cấp sư đoàn, bốn trang A3 như khổ báo thông dụng ngày nay. Chẳng biết do ai chỉ dẫn mà các sếp đặt in số báo này tại một xưởng tư nhân cũng in typo, địa chỉ gần cổng xe lửa trên đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận.

Tui làm maquette, vẽ các vignette minh họa cho nhà in khắc gỗ và làm cliché ảnh. Số lượng in 500 bản, hôm đi nhận báo, xe jeep chở theo mấy cuộn giấy trong kho doanh trại để trả công nhà in. Một kỷ niệm hãi hùng khó quên: MQN được nghỉ phép ra Bắc, trước khi đi viết một bài điểm thơ báo tường của các sĩ quan trại viên. Bản thảo nét bút to đậm, chữ viết rộng thoáng, có câu ý nói các trại viên học tập cải tạo tin tưởng vào “ngày mai đang tới”. Thợ nhà in Saigon sắp chữ thành “ngày mai đen tối” [bây giờ theo thuyết âm mưu thì họ cố tình xếp sai!?]. Quy trình dò sửa morasse chưa rành, khi báo in ra thầy trò mới tá hỏa, phải làm thêm hai chữ rời “đang tới”, rị mọ đóng chồng lên như đóng mộc hết tất cả 500 tờ để sửa sai.

Cái ấn phẩm đáng nhớ ấy, có đăng lời phỏng vấn bác sĩ Trần Đông A và một nữ quân nhân khác cũng đang học tập cải tạo. Bây giờ ai còn giữ được, cho tui xin để làm… di vật bảo tàng?

*Ảnh do tác giả cung cấp, kèm chú thích: khi chưa in typo, tui đang phải ‘cày’ giấy sáp để in ronéo.

Tin bài liên quan:

VNTB – “Đánh tư sản” ở miền nam sau 1975

Phan Thanh Hung

VNTB – Truyện cười: Kẻ nghiệp dư

Phan Thanh Hung

VNTB – Giá bán lẻ thịt heo vẫn cao: có nên cách chức bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo