Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thành ủy TP.HCM bị đánh vào kinh tế?

​Hàn Lam

 

(VNTB) – Saigon Petro là thương hiệu độc lập trực thuộc quản lý của Thành ủy TP.HCM.

 

Ngày 31-8, Thanh tra Bộ Công Thương đã có văn bản số 752 về việc thực hiện quyết định xử phạt hành chính đối với 5 doanh nghiệp xăng dầu: Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa; Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM – Saigon Petro ; Công ty cổ phần dầu khí Đông Phương.

Thanh tra Bộ đề nghị các đơn vị khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện đầy đủ các quy định của Quyết định xử phạt với các thủ tục: Ký xác nhận ngày, giờ nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Ban hành văn bản thông báo gửi đến các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để giám sát, xử lý việc thực hiện theo quy định.

Thực hiện bàn giao giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu cho Thanh tra Bộ Công Thương.

Cú đổ domino trong ngành xăng dầu?

Saigon Petro cho biết, việc Bộ Công Thương tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của công ty sẽ gây ra hàng loạt hậu quả. Đó là hệ thống phân phối của Saigon Petro bị mất nguồn cung trên 50.000 m3/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể sẽ phải đóng cửa.

Theo Saigon Petro, việc trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thị trường, gây hậu quả tiêu cực tới hoạt động kinh tế xã hội khu vực mà hệ thống này cung cấp. Cạnh đó, công ty sẽ bị phạt hợp đồng với Công ty lọc hoá dầu Bình Sơn, Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn trong tháng 9 với số lượng hợp đồng 40.000 m3 xăng dầu.

Công ty cũng sẽ bị phạt hợp đồng nhập khẩu đối với khách hàng nước ngoài đã ký hợp đồng giao hàng trong tháng 9 và đồng thời hàng đã và đang trên đường về cảng Cát Lái. Công ty sẽ bị phạt tàu do không thể mở tờ khai nhập hàng để nhập hàng lên bồn và thông quan hàng hoá…

Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, trực thuộc UBND tỉnh Đồng Tháp cũng có văn bản khẩn gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương với nội dung kiến nghị tương tự.

Tình tiết vụ việc cho biết trong quyết định xử phạt hành chính, Bộ Công Thương cho rằng Saigon Petro đã có các hành vi vi phạm hành chính như gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối; không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định; duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định.

Các tình tiết tăng nặng gồm: Vi phạm nhiều lần đối với các hành vi vi phạm hành chính “Gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Các tình tiết giảm nhẹ với ba hành vi này: Công ty đã tự nguyện khai báo, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính. Công ty đã ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm và tự nguyện khắc phục hậu quả.

Với ba hành vi trên, Saigon Petro bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 250 triệu đồng. Saigon Petro cũng bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung với hành vi thứ hai (không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định) là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Thời hạn thực hiện hình thức xử phạt bổ sung là 1 tháng.

Cái lý của Saigon Petro

Phản ứng quyết định trên, Saigon Petro cho biết nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối xăng dầu tối thiểu “10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp, tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân”.

Tuy nhiên, năm 2021 công ty không có tổng đại lý và đại lý bán lẻ mà có 73 thương nhân nhượng quyền bán lẻ, vì vậy đoàn thanh tra Bộ Công Thương kết luận công ty có hành vi vi phạm hành chính “không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định”.

Về kết luận này, Saigon Petro cho rằng hai hình thức đại lý bán lẻ và nhượng quyền bán lẻ là tương đương nhau, đều nằm trong hệ thống phân phối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đầu mối.

Theo nghị định 95 (sửa đổi nghị định 83, có hiệu lực từ 2022), có quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối xăng dầu với một trong những điều kiện là “tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân”.

Do đó, Saigon Petro khẳng định với quy định này (tức nghị định 95) Saigon Petro đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hệ thống phân phối, vì Saigon Petro luôn có trên 40 thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. “Như vậy đến thời điểm hiện tại, Saigon Petro đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định” – văn bản của Saigon Petro nêu.

Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro Co.,Ltd.) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, đại diện chủ sở hữu là Văn phòng Thành ủy TP.HCM. Tiền thân Saigon Petro là Xí nghiệp Liên doanh chế biến Dầu khí được thành lập theo Quyết định số 82/QĐ-UB ngày 19.6.1986 của UBND TP.HCM.

Đến năm 1993, Công ty Dầu Khí TP.HCM và từ tháng 7-2005 chuyển thành Công ty TNHH một thành viên Dầu Khí TP.HCM theo quyết định số 117/QĐ-UB ngày 10-1-2005 của UBND TP.HCM.

Theo giới thiệu, sản lượng sản xuất bình quân hàng năm nhà máy của Saigon Petro đạt khoảng 300.000 tấn thành phẩm. Đồng thời, đơn vị cũng nhập khẩu và cung cấp cho thị trường từ Nam Trung bộ trở vào với sản lượng hàng năm trên 1 triệu tấn xăng dầu.

Nhờ tập trung xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm, hiện nay hệ thống phân phối xăng dầu của Saigon Petro khá rộng từ các tỉnh Nam Trung bộ đến các tỉnh miền Tây với số lượng 35 tổng đại lý với trên 1.000 đại lý bán lẻ.

Ở mảng kinh doanh gas, Saigon Petro hiện đang cung cấp cho thị trường trên 1 triệu vỏ chai gas các loại, với hệ thống 70 nhà phân phối với gần 5.000 đại lý từ Đà Nẵng trở vào, sản lượng kinh doanh hàng tháng của Gas Saigon Petro là trên 6.500 tấn, chiếm khoảng 15% thị trường cả nước.

Giữa lúc xăng dầu đang căng thẳng như hiện tại thì xem ra dư luận có quyền hoài nghi về “động cơ thiếu trong sáng” trong các lệnh “tước giấy phép một tháng” của Bộ Công thương.


Tin bài liên quan:

VNTB – Cơ hội cuối của gỡ thẻ vàng IUU

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Đấu giá xong, bỏ cọc: chuyện bình thường!

Phan Thanh Hung

VNTB – Chủ tịch Ngân hàng Sacombank và trò đùa Cá tháng Tư

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo