Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thầy cô giáo không còn là… công chức

Nguyễn Cao (VNTB) Chuyện thầy cô giáo không là công chức đã được nêu ra từ năm 2007. Mười năm sau, vấn đề được xới lại hôm 12-5-2017. Tại buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phùng Xuân Nhạ cho biết, hướng tới Bộ sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên. Các thầy cô sẽ làm việc theo chế độ hợp đồng “có vào – có ra”.

Chuyện bên Mỹ
Thường thì những người làm giảng dạy có thu nhập thấp hơn những người đi làm kinh tế. Đổi lại, họ có một sự an toàn về công việc. Vấn đề thứ hai nữa là khi có biên chế, giáo sư đại học cảm thấy mình là người chủ của trường đại học.
Trong một trò chuyện trực tuyến mới đây, giáo sư Ngô Bảo Châu cho hay ở những trường đại học hàng đầu của Mỹ, ông hiệu trưởng không “dạy” được những ông giáo sư đâu. Hiệu trưởng không thể nói: “Ngày mai ông giáo sư nào đó làm gì cho tôi”. Bởi đơn giản ông giáo sư có biên chế. Chỉ trừ trường hợp ông ấy có vấn đề gì đó, hiệu trưởng mới có quyền đuổi việc giáo sư.
“Thế nên, có lẽ việc thay đổi viên chức rộng rãi cho cả giáo viên đại học và phổ thông, cá nhân tôi cho rằng nên hết sức thận trọng. Tất nhiên, chúng ta muốn một môi trường năng động hơn. Nhưng không lẽ, một giáo viên phổ thông đã 40 – 45 tuổi mà lại có thể bị ngừng hợp đồng làm việc một cách dễ dàng chỉ đơn thuần họ không đáp ứng được nhu cầu hay sao?”. Giáo sư Ngô Bảo Châu, nói.
Chỉ khi hiệu trưởng không là đảng viên…
Hiệu trưởng ở Mỹ không bị phân biệt đảng phái. Ở Việt Nam, nếu chưa là đảng viên Đảng Cộng sản thì đừng mơ ghế hiệu trưởng.
Thầy giáo Trần Tiến Sĩ (giáo viên môn Toán, Lý), 32 năm đứng trên bục giảng, nói rằng chuyện ‘xóa biên chế’ chỉ thành công khi bãi bỏ tiêu chuẩn các ông, bà hiệu trưởng phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. “Gặp lại bè bạn cùng khóa hiện định cư tại nước ngoài, và những người bạn này cũng đang làm nghề dạy học. Họ nói rằng những hiệu trưởng giỏi luôn có hợp đồng và ở những trường tốt. Ở Việt Nam, để làm hiệu trưởng thì người đó phải được sự đồng ý của Đảng Ủy Sở Giáo dục và Đào tạo của địa phương. Có nghĩa, tiêu chuẩn đầu tiên để có thể làm hiệu trưởng thì đó phải là đảng viên”. Thầy Trần Tiến Sĩ nói.
Theo thầy Trần Tiến Sĩ, cũng khó trách việc đưa tiêu chuẩn đảng viên vào chọn bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng, vì ngân sách quốc gia chi trả lương cho toàn bộ giáo viên.
“Nếu tôi nhớ không lầm thì chục năm trước, thầy Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, có nói rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo dự tính năm 2008 bắt đầu thí điểm và năm 2010 sẽ tiến tới 100% người được tuyển dụng thực hiện chế độ hợp đồng”. Thầy Trần Tiến Sĩ cho biết. Thời điểm đó ông Nguyễn Thiện Nhân là phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thầy Trần Đình Trợ (giáo viên Toán), cảm thán: “Ai cũng biết đội ngũ lãnh đạo các cấp trong ngành giáo hiện nay đều sống dư dả một cách đáng ngạc nhiên. Trong khi việc chia chác các miếng bánh dự án giáo dục chỉ giới hạn trong một số lãnh đạo giáo dục. Số còn lại, họ sống tốt chủ yếu là nhờ “lộc” từ đám giun dế dưới quyền. Với một đội ngũ yếm thế, không dám phản biện và thường trực lo sợ đó, chất lượng giáo dục không đi xuống mới là chuyện lạ”.
Ai cũng quá rõ: nếu không là đảng viên thì không cách gì ngồi xuống để “ăn miếng bánh” ấy. Xét biên chế công chức, hay ký hợp đồng tuyển dụng, bấy lâu nay luôn nằm trong tay ông, bà đảng viên hiệu trưởng, do đó “có vào – có ra” như lời bộ trưởng Nhạ chỉ làm dấy thêm nỗi lo rằng đây sẽ là cơ hội vàng để các ông, bà đảng viên hiệu trưởng tỏ rõ quyền sinh sát của mình. (Dĩ nhiên “lộc” ở đây cũng được “cúng quải” cho miếng bánh lợi nhuận ở các cấp quan chức cao hơn).
Một suất vào biên chế trong ngành giáo dục được tính bằng đơn vị trăm triệu. Các giáo viên dạy hợp đồng, tư thục luôn nơm nớp lo sợ, muốn xin bằng được vào công chức, viên chức để ổn định. Rồi sau đó, những giáo viên xin được vào biên chế lại bắt đầu lo lắng làm thế nào kiếm tiền để “bù” vào số tiền xin việc vào công chức.
Những băn khoăn
Trong nghề giáo viên, lợi ích của biên chế còn có thêm chế độ thâm niên. Nếu là giáo viên hợp đồng thì không có hỗ trợ thâm niên. Ở đây còn có vấn đề với những thầy cô cống hiến cả tuổi thanh xuân vì nghề, nếu đến độ tuổi trung niên đột nhiên vì lý do nào đó bị cắt hợp đồng, thì các thầy cô này rất khó tìm việc khác.
Mặc khác, dù nghề giáo có yếu tố thâm niên, nhưng lại không có chuyện nâng bậc lương, ngạch như những ngành, nghề khác. Chế độ bảo hiểm an sinh của nghề giáo lẽ ấy cũng kém hơn, và sắp tới đây sẽ được thể hiện trên hợp đồng lao động như thế nào? Rồi vấn đề vùng, miền trong thu hút các thầy cô giáo sẽ có các chế độ đãi ngộ ra sao để giáo viên an tâm trong công việc?
“Giờ chuyển chế độ hợp đồng mà lương vẫn bèo bọt thì chắc chả ai học sư phạm. Giáo viên đi dạy 30 năm, lúc đó chắc bị cắt hợp đồng hết để tuyển các cháu trẻ, vậy họ sẽ làm gì trong những năm tháng tiếp theo? Còn nói là hiệu trưởng quyết định tuyển giáo viên để tránh chạy công chức, ôi xin thưa có tuyển được người tài không, hay lại toàn con cháu người quen và những người đút tiền cho hiệu trưởng. Chắc hiệu trưởng sẽ trở thành cái chức vụ béo bở nhất!”. Thầy Trần Tiến Sĩ dự cảm.
“Tôi nhận thấy đề án bỏ công chức chỉ phù hợp với thành phố, nơi có trình độ dân trí cao. Còn với khu vực miền núi thì đến giáo viên còn thiếu, hoặc có giáo viên nhưng không có học sinh. Còn ở vùng nông thôn nơi dân trí thấp, có những phụ huynh con học cả mấy đứa mà không biết cô giáo ở đâu, tên gì thì họ làm gì có sự chọn lựa. Nói chung đã là giáo viên, đa phần mỗi người đều có cái tâm của họ…”. Cô giáo vừa nghỉ hưu Nguyễn Thị Tiến (dạy môn văn), nói.
Cô giáo sinh Bảo Nhung ngậm ngùi kể: “Tôi tốt nghiệp năm 2009 ngành Giáo dục Công dân đến giờ vẫn chưa xin được việc. Tôi cũng là người nuôi bao hoài bão và mơ ước trở thành cô giáo trẻ mang hết khả năng và nhiệt huyết của mình để mang tri thức đến các em vùng sâu vùng xa… Nhưng sự thực không bao giờ đúng với những gì mình nghĩ và mơ cả. Giống như có bạn nói xã hội luôn tồn tại những “con cò” và “đồng tiền” quan trọng hơn trí óc con người hay là “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”…
Bạn học cùng ra trường toàn bằng cấp loại trung bình nhưng mà họ đều được nhận làm viên chức bởi lẽ họ có những cái ô to để che. Còn những người như tôi và hàng ngàn người khác ngoài kia: gia đình không có tiền, nhà quê, anh em không ai làm ông này bà kia thi bằng giỏi cũng chỉ là tờ giấy để trong xó mà thôi. Tôi ở nhà những 5 năm trời, làm việc hợp đồng hết năm này qua năm khác, nhìn lần lượt con ông này cháu ông kia vào làm chính thức còn mình dù cố gắng làm chăm chỉ đến mấy nhiệt tình đến đâu cuối cùng cũng chỉ nhận được câu trả lời “không có biên chế cháu ạ”.
Trong mắt tôi, thi công chức thực ra là cuộc thi “che mắt” người thôi. Công chức gì mà toàn “con cháu các cụ” đỗ, còn con của nhà buôn, nhà nông thì trượt cả lũ.
Tình trạng bạo lực học đường, đua xe trái phép, nghiện ngập, vứt rác ra đường… nhan nhản hiện nay. Đấy chính là nội dung của bộ môn Giáo dục công dân cần hướng đến, truyền đạt tới các em học sinh, vì ai cũng biết cần phải nâng cao phẩm chất đạo đức cho các em ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường… Vậy mà tốt nghiệp ngành giáo dục công dân, tôi không kiếm được việc. Phận mình cổ thấp quá, họng bé nữa nên đành ôm mơ ước và tấm bằng giấy ấy ngồi tự than thân trách phận vậy. Xã hội trọng thân quen, tiền bạc, con cháu các cụ rồi mới đến trí thức chăng?”.
Tạm kết
Lao động sư phạm là loại hình lao động mang nhiều nét đặc thù, cần sự ổn định để yên tâm công tác, sức hấp dẫn của chế độ biên chế cũng là động lực để các giáo viên hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Việc dùng hình thức hợp đồng thay cho biên chế ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy.
Ở các nước phát triển như Mỹ, quốc gia có nền giáo dục tiên tiến này hiện nay vẫn đang sử dụng mô hình biên chế giáo viên.
Trong một nhà nước độc đảng toàn trị như Việt Nam, thì chỉ khi nào có những người hiệu trưởng giỏi và thật công tâm thì hãy bỏ biên chế. Còn nếu không thì chẳng khác gì trao toàn quyền cho ông, bà đảng viên – hiệu trưởng đó. Việc lạm phát chẳng thay đổi, chỉ là chuyển từ người này sang người khác mà thôi. Ai dám đảm bảo rằng khi giao cho người đảng viên – hiệu trưởng toàn quyền quyết định, thì những người thật sự có tài sẽ thay thế con ông cháu cha? Ai đánh giá mấy ông, bà đảng viên – hiệu trưởng ấy được bổ nhiệm đúng qui trình?

Tin bài liên quan:

Thông báo về địa phương nếu đưa hối lộ cho CSGT: Lệ chứ không phải luật

Phan Thanh Hung

Bộ trưởng Bộ GDĐT có biết hiệu trưởng hiện nay là những “ông vua con”?

Phan Thanh Hung

VNTB – Quyền lập hội nhìn từ quan điểm của Hồ Chí Minh

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.